Xuất khẩu số là hướng đi tất yếu
Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập và phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng thương hiệu quốc tế trở thành một yếu tố quyết định đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam sở hữu một nền sản xuất mạnh mẽ, với các ngành hàng như đồ gỗ, thực phẩm và may mặc đang chiếm ưu thế tại các thị trường quốc tế, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là chuyển từ một nhà sản xuất thuần túy sang một thương hiệu có giá trị toàn cầu.
Để vượt qua thử thách này, trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế.
Chia sẻ về xu hướng xuất khẩu điện tử, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên thương mại toàn cầu mới, nơi chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành nền tảng cốt lõi, không chỉ là xu hướng nhất thời.
Trong bối cảnh đó, việc chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thích ứng nhanh và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.
Theo ông Chiến, để hỗ trợ xuất khẩu trên nền tảng số, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling Việt Nam đã hợp tác thực hiện Chương trình “V-Brands Go Global with Amazon”.
Chương trình này đặt mục tiêu nâng tầm thương hiệu hàng Việt thông qua nền tảng thương mại điện tử toàn cầu Amazon. Chương trình sẽ tuyển chọn doanh nghiệp xuất khẩu tiềm năng, tổ chức đào tạo chuyên sâu về xây dựng thương hiệu, vận hành gian hàng, logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
Định hướng mở rộng trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa phương, phát triển các công cụ xúc tiến thương mại tích hợp AI trong phân tích thị trường, quảng bá thương hiệu và tối ưu hóa tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và công nghệ làm động lực. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu số trở thành trụ cột trong chiến lược thương mại quốc tế và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tạo thương hiệu Việt
Theo Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2025, ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong đó đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng 11,5%.
Mặc dù gia tăng xuất khẩu, song các doanh nghiệp gặp nhiều nhiều khó khăn, như: chi phí vận chuyển quốc tế leo thang, tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường ngày càng khắt khe, cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi.
Để không phụ thuộc hoàn toàn vào thế mạnh sản xuất truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị phải định hình lại chiến lược xuất khẩu theo hướng số hóa, lấy giá trị gia tăng và thương hiệu toàn cầu làm trọng tâm.
Khẳng định, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh Dương Thị Minh Tuệ cho biết: “Mặc dù thị trường toàn cầu có nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong ngành gỗ đã chứng tỏ được khả năng thích nghi. Việc tham gia vào thương mại điện tử quốc tế giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mở rộng thị trường mà còn nâng cao giá trị thương hiệu”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cũng chung nhận định, xuất khẩu qua thương mại điện tử là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện. Từ một đơn vị gia công, doanh nghiệp cần vươn lên làm chủ thương hiệu toàn cầu, nắm quyền kiểm soát chuỗi giá trị – từ thiết kế, sản xuất, đến tiếp thị và trải nghiệm người dùng.
Ông Cẩm cho rằng, chuyển đổi sang xây dựng thương hiệu là bước đi chiến lược quan trọng, giúp doanh nghiệp không chỉ duy trì được sự cạnh tranh mà còn có thể mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Việc chuyển đổi này không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ và thiết kế mà còn cần có chiến lược mạnh mẽ để tạo dựng bản sắc riêng biệt cho thương hiệu của mình.
Đáng chú ý, tại hội nghị các chuyên gia đã đưa ra sáng kiến “Viet-Selection” nhằm thúc đẩy các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Chương trình gồm thảo luận chuyên đề, đào tạo chuyên sâu và cẩm nang lựa chọn sản phẩm.
Ba nhóm ngành trọng điểm được Amazon hỗ trợ quảng bá toàn cầu gồm: Đồ gỗ & Nội thất – khai thác kỹ nghệ chế tác; ngành thực phẩm quảng bá hương vị đặc trưng và lợi thế nông sản; ngành may mặc, tận dụng kinh nghiệm lâu đời và tiềm năng xây dựng thương hiệu thời trang quốc tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc, Nhà sáng lập DH Foods chia sẻ: Chúng tôi tập trung vào chế biến sâu, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và giữ nguyên hương vị truyền thống. Nhưng yếu tố then chốt tạo nên khác biệt là khả năng kể câu chuyện thương hiệu gắn với văn hóa và con người Việt Nam.
Đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt từng bước chuyển đổi chiến lược, ông Larry Hu, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là một kênh bán hàng mới, mà còn là con đường tạo dựng giá trị bền vững và năng lực cạnh tranh.
https%3A%2F%2Ftapchitaichinh.vn%2Fdoanh-nghiep-chuyen-doi-chien-luoc-qua-xuat-khau-dien-tu.html