29.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Sáu, Tháng 7 4, 2025

Doanh nghiệp nhỏ còn chần chừ với AI vì chi phí cao

Must read

Không còn là công nghệ xa lạ, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần bước vào guồng máy vận hành của doanh nghiệp Việt. Nhưng với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đây là bài toán khó khi chi phí đầu tư cao, nên nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi.

Tại Hội nghị “Ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu từ đâu?” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành chia sẻ hành trình tiếp cận và ứng dụng AI kéo dài hơn 2 năm qua.

Doanh nghiệp đã triển khai hệ thống gồm 5 AI chính, mỗi hệ lại tích hợp thêm khoảng 10 AI phụ. Các AI này hoạt động như một nhân sự, phụ trách quy trình từ tư vấn khách hàng, đọc phần mềm đến báo giá, giao nhận, hậu kiểm… và được ứng dụng rộng rãi trong chuỗi siêu thị mỹ phẩm, khách sạn và thương mại điện tử ngành cà phê trong hệ sinh thái của Lê Thành.

Tuy nhiên, AI không phải “phép màu”. Ông Nghĩa thừa nhận, doanh nghiệp vẫn chưa dám triển khai đồng bộ bởi trong giai đoạn đầu thử nghiệm, AI gây ra nhiều lỗi nghiêm trọng như: hiểu sai ngôn ngữ địa phương, không hiểu chữ viết tắt, xử lý nhầm đơn hàng… dẫn đến doanh thu có thời điểm giảm tới 50%. Có lúc, doanh nghiệp phải tạm ngưng toàn bộ hệ thống để tinh chỉnh lại.

Dù vậy, Công ty Lê Thành vẫn quyết không quay lại mô hình truyền thống hay thuê ngoài, mà kiên định theo đuổi AI nội bộ. “Chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp. Khi AI bước vào guồng máy vận hành, dữ liệu, sáng tạo và tốc độ trở thành lợi thế cạnh tranh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

AI không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn tăng tốc độ xử lý dữ liệu gấp nhiều lần. Ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt cho biết, doanh nghiệp này đã triển khai hệ thống xử lý đơn hàng tự động bằng AI cho một tập đoàn nhập khẩu thực phẩm.

“Nếu trước đây mỗi đơn hàng mất 4 tiếng xử lý thủ công, thì nay chỉ mất khoảng 2 phút, thời gian tiết kiệm là rất lớn”, ông Thân chia sẻ về lợi ích của ứng dụng AI.

Không chỉ ứng dụng vào khâu xử lý đơn hàng, một số doanh nghiệp công nghệ nội địa còn chủ động phát triển các nền tảng AI hỗ trợ giao thương số cho cộng đồng doanh nghiệp. Mô hình của Arobid là một ví dụ cho thấy tiềm năng kết hợp AI, thực tế ảo và thương mại điện tử để tạo ra không gian kinh doanh mới, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao hơn.

Theo ông Nguyễn Hải Triều, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Arobid, nền tảng này tích hợp công nghệ thực tế ảo 360 độ, chatbot AI và gian hàng tương tác, giúp doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng… suốt quá trình triển lãm số mà không cần nhân sự chuyên trách.

Tuy nhiên, AI không phải “sân chơi” dễ dàng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi phí cao, thiếu nhân lực và sự rời rạc giữa các giải pháp là những trở ngại lớn.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C Food cho biết, doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức viết ra các ứng dụng nhỏ và tìm hiểu giải pháp từ bên ngoài. Trong khi đó, các nhà cung cấp lại chưa có giải pháp tổng thể, dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp.

“Ngoài ra, để triển khai một hệ thống hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải tích hợp thêm nhiều phần mềm khác. Nhưng hiện tại, chúng tôi chưa đủ điều kiện về vốn”, ông Thứ chia sẻ.

Không riêng G.C Food, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu hoặc đầu tư cho AI cũng “e ngại” khi nhắc đến câu chuyện chi phí. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA nhìn nhận, AI đang tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình sản xuất – quản trị. Song với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn hạn chế, câu hỏi lớn là làm sao để ứng dụng AI một cách hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả.

Từ thực tế đó, ông Hòa đề xuất các doanh nghiệp công nghệ nên xây dựng mô hình giải pháp AI dùng chung, có khả năng chia sẻ chi phí giữa nhiều bên. Đồng thời, cho phép trả phí linh hoạt theo tháng hoặc năm để giảm áp lực tài chính. Quan trọng hơn, cần tạo cơ chế kết nối giữa nhà cung cấp giải pháp, doanh nghiệp ứng dụng và cả đối tác đầu vào – đầu ra trong chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy sự phối hợp và chia sẻ lợi ích.

“Việc tạo dựng một hệ sinh thái công nghệ thân thiện, linh hoạt, có định hướng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong quá trình chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, các trung tâm chuyển đổi số đóng vai trò cầu nối quan trọng, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ từ những bước đi đầu tiên”, ông Hòa nêu quan điểm.



https%3A%2F%2Fbaodautu.vn%2Fdoanh-nghiep-nho-con-chan-chu-voi-ai-vi-chi-phi-cao-d318892.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article