
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo không chỉ dừng lại ở lý thuyết
Tại nhiều trường học ở Việt Nam, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI đã không còn xa lạ hay chỉ dừng ở lý thuyết. Một số cơ sở giáo dục tiên phong đã áp dụng các nền tảng học tập tích hợp AI như phần mềm học ngôn ngữ thông minh, chấm điểm tự động, phân tích hành vi học tập của học sinh để cá nhân hóa nội dung học phù hợp hơn với từng em.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, với chương trình giảng dạy tiên tiến và cơ hội thực tập tại các công ty lớn. Hay Trường Đại học FPT có chuyên ngành Công nghệ thông tin với hướng đi sâu vào trí tuệ nhân tạo, cung cấp cho sinh viên kiến thức lý thuyết và thực tiễn về AI…
Mới đây, ngày 15/4, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (HUNRE) chính thức đưa vào ứng dụng sản phẩm HUNRE AI – hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ tư vấn và tương tác trực tuyến dành cho thí sinh, sinh viên và cán bộ trong trường. Không giống một Chatbot đơn thuần chỉ phản hồi theo mẫu cứng nhắc, HUNRE AI được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo hiện đại, có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và tương tác với người dùng một cách thân thiện.
Đại diện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, HUNRE AI không chỉ là công cụ, mà là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo. Với hệ thống này, HUNRE đang tiến thêm một bước vững chắc trên hành trình số hóa giáo dục, lấy người học làm trung tâm và công nghệ làm nền tảng.
Ở cấp phổ thông, các TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chủ động tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học). Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) đã thực hiện nhiều dự án AI trong khuôn khổ các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP và quốc gia. Nhà trường tổ chức các câu lạc bộ STEM, lập trình AI thường xuyên và có sự hợp tác với các tổ chức công nghệ trong nước. Một số nhóm đã xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt hỗ trợ điểm danh, hoặc Chatbot trả lời câu hỏi môn học…
Để AI trở thành công cụ đổi mới sáng tạo hiệu quả trong giáo dục
Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc đưa AI vào giáo dục cũng không thiếu những lo ngại. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức nhấn mạnh tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với Trí tuệ nhân tạo 2025, diễn ra mới đây rằng, AI đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách dạy và học, cách học sinh tiếp cận tri thức, cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách. AI mang đến cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn. AI cũng đặt ra nhiều thách thức mới về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.
Chị Trần Lệ Hằng, phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất hạn chế để con sử dụng AI khi học bài với lo ngại con mình sẽ trở nên lười tư duy và ỷ lại vào công cụ AI. Tôi chọn cách sử dụng AI rồi giảng lại bài cho và sau đó con sẽ phải tự làm”.
Thực tế này còn diễn ra đối với sinh viên đại học, khi mà các em dùng AI để làm hộ bài tập và sao chép lại một cách máy móc. Giảng viên Ngoại ngữ Nguyễn Thanh Huyền, trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) cho biết: “Sinh viên của tôi từng nhờ một ứng dụng AI viết khóa luận tiếng Anh. Song, cách viết và ngôn ngữ của AI cũng rất dễ nhận ra bởi nó khá “cứng nhắc”. AI chỉ có thể là công cụ hỗ trợ để các em lấy thông tin và ý tưởng”.
Trong khi đó, không phải trường học nào cũng có đủ điều kiện để tiếp cận AI. Sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các vùng miền có thể khiến khoảng cách giáo dục ngày càng nới rộng nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Để AI thực sự trở thành công cụ đổi mới sáng tạo hiệu quả trong giáo dục, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh và nhà quản lý. Việc đào tạo kỹ năng công nghệ cho giáo viên, xây dựng chuẩn đạo đức sử dụng AI, và ban hành các chính sách hỗ trợ hạ tầng công nghệ là những bước đi cần thiết. Bởi, chúng ta không chạy theo công nghệ, mà cần làm chủ công nghệ để phục vụ mục tiêu giáo dục nhân văn, sáng tạo và hội nhập.
Tại hội thảo khoa học “Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp”, diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc ứng dụng AI trong giáo dục phải giúp học sinh, sinh viên có thêm cơ hội học tập hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc hơn thay vì tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động. Nếu được khai thác đúng cách, AI sẽ là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một xã hội học tập suốt đời.
https%3A%2F%2Fkinhtedothi.vn%2Fdoi-moi-sang-tao-giao-duc-voi-tri-tue-nhan-tao-ai.677127.html