Yêu cầu từ thực tiễn là động lực để chuyển đổi số
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về tín dụng tại TAND Quận 1 tăng mạnh, không chỉ về số lượng, mà từng quan hệ tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Xuất phát từ việc mở rộng việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Bộ luật Tố tụng dân sự, một lượng lớn các vụ án tín dụng đang thụ lý tại TAND Quận 1 có tài sản thế chấp và các đương sự cư trú/có trụ sở hoạt động trên khắp cả nước.
Mặt khác, nhiều vụ việc có hồ sơ lên tới hàng nghìn, chục nghìn trang tài liệu. Trong một số thời điểm, các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ nộp đơn khởi kiện án tín dụng hàng loạt, từ vài trăm đến vài nghìn vụ.
Điều này tạo nên áp lực rất lớn cho Thẩm phán, Thư ký trong công tác quản lý, tìm kiếm, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ và phân loại tình tiết từng vụ án nói riêng và đặt ra những thách thức lớn về quản trị đối với Ban lãnh đạo TAND Quận 1 nói chung.
Từ đó, TAND Quận 1 đã phát triển thành công và đi vào vận hành ổn định Hệ thống quản lý thông tin nội bộ Tòa án, đưa quy trình quản lý và làm việc, quản trị từ giấy tờ thủ công sang môi trường số hóa. Ban lãnh đạo cùng đội ngũ Thẩm phán và Thư ký đã từng bước khai thác hiệu quả dữ liệu số cũng như thao tác trên hệ thống phần mềm, từ quản lý hồ sơ đến xét xử trực tuyến.
Nhận thức được cơ sở dữ liệu là nguồn lực sống còn, là tiền đề quan trọng để ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Ban lãnh đạo TAND Quận 1 ấp ủ và hoàn tất công tác chuẩn bị trong hai năm, thông qua việc quyết liệt hoàn tất số hóa toàn bộ hồ sơ và tài liệu.
Kho dữ liệu đồ sộ được số hóa liên tục trong 2 năm qua chính là “nguyên liệu” lý tưởng cho mô hình AI học tập, rút trích thông tin và đưa ra các phân tích hỗ trợ việc đưa ra quyết định khi giải quyết án. Việc hoàn tất số hóa tài liệu là một lợi thế, nhưng cũng đặt ra một yêu cầu ngược lại là, để khai thác hiệu quả, nhanh chóng kho dữ liệu số hóa cũng đòi hỏi phải có công cụ thông minh và tự động – điều mà mô hình AI hoàn toàn có thể đáp ứng.
Chức năng nổi bật của hệ thống AI chuyên biệt
Không giống các mô hình AI thương mại phổ biến khác, hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được TAND Quận 1 xây dựng và áp dụng có khả năng đáp ứng chuyên sâu các yêu cầu mang tính nghiệp vụ của ngành Tòa án.
Cụ thể, với năng lực xử lý vượt trội, AI có thể rà soát, đọc hiểu và đánh giá tất cả các tài liệu trong hồ sơ vụ án với thời gian ngắn, hạn chế thấp nhất việc bỏ sót thông tin. Tự động đánh bút lục, tóm tắt tài liệu, hỗ trợ Thẩm phán, Thư ký giảm thiểu thời gian thao tác thủ công, đồng thời tạo sự nhất quán và logic trong việc hệ thống hóa từng hồ sơ vụ việc.
Phân tích và tra cứu hồ sơ bằng việc đặt câu hỏi, thay vì phải tìm kiếm, đánh dấu, ghi chú thủ công từng trang tài liệu trong hồ sơ vụ án, thông qua việc đặt câu hỏi với những từ khóa quan trọng, AI sẽ tự động tra cứu, trích xuất và phân tích nội dung mà Thẩm phán, Thư ký đang cần từ hàng nghìn, hàng trăm nghìn trang tài liệu và đưa ra câu trả lời chính xác. Tự làm mờ các phần thông tin mật, nhạy cảm tùy vào mức độ theo quy định của pháp luật.
Với mục đích tăng sự linh hoạt, tối đa hóa tiện ích, AI còn có thể tương tác bằng giọng nói, ra lệnh tìm kiếm. Chức năng này hỗ trợ Thẩm phán trong những tình huống không thể sử dụng bàn phím hoặc cần thao tác nhanh, như trong phiên tòa, phiên họp đang diễn ra.
Đề xuất hướng giải quyết và căn cứ pháp lý vụ án. Với kho dữ liệu khổng lồ đã được huấn luyện, AI có thể đưa ra đề xuất căn cứ pháp lý áp dụng cùng hướng giải quyết từ các vụ việc tương tự, giúp việc đưa ra quyết định của Thẩm phán được nhanh chóng, toàn diện hơn.
Một trong những điểm vượt trội của hệ thống AI tại TAND Quận 1 là sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở, do chính đội ngũ công nghệ của TAND Quận 1 xây dựng và “huấn luyện”, phù hợp với mô hình pháp lý Việt Nam. Điều này giúp AI hiểu đúng, diễn giải chính xác các thuật ngữ và logic pháp lý đặc thù.
Toàn bộ hệ thống được triển khai trên máy chủ nội bộ của TAND Quận 1, không phụ thuộc vào hạ tầng bên ngoài hay máy chủ nước ngoài. Khác hoàn toàn với các mô hình như ChatGPT hay DeepSeek. Do đó, hệ thống AI của TAND Quận 1 đảm bảo 100% dữ liệu được “nội bộ hóa”, không có nguy cơ rò rỉ ra bên ngoài.
Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phân tích cùng một lúc một lượng lớn các dữ liệu đa phương tiện, như file scan, hình ảnh, thậm chí cả video, mà không bị giới hạn dung lượng trong mỗi lần phân tích, đăng tải như mô hình của ChatGPT.
Sắp tới, TAND Quận 1 tiếp tục cải tiến và định hướng mở rộng ứng dụng AI nhằm tối đa hóa việc hỗ trợ giải quyết án như: Tự động hóa quy trình giải quyết án; Vẽ sơ đồ tư duy từ hồ sơ vụ án; Hỗ trợ tối ưu hóa công việc cho Thẩm phán và Thư ký; Tích hợp vào phần mềm tranh tụng; Ghi âm và tóm tắt nội dung phiên toà…
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác nghiên cứu hồ sơ và giải quyết án là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của TAND Quận 1. Đây không chỉ là bước tiến về công nghệ, mà còn là bước đột phá trong cải cách tư pháp, hướng đến xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả trong kỷ nguyên số.
Clip phân tích hồ sơ vụ án bằng trí tuệ nhân tạo của TAND Quận 1:
https%3A%2F%2Fcongly.vn%2Fdua-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-vao-cong-tac-nghien-cuu-ho-so-va-giai-quyet-an-479279.html