23.5 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 5 11, 2025

Du lịch văn hóa thông minh thời AI

Must read

“Cầu nối” giữa văn hóa và du khách

Công nghệ AI đang “cách mạng hóa” ngành Du lịch với nhiều lợi ích cho cả du khách và doanh nghiệp. Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới dự báo rằng, AI sẽ định hình sâu sắc tương lai của du lịch và lữ hành, bằng cách cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành của doanh nghiệp cũng như làm phong phú thêm các trải nghiệm.

Hiện nay, có nhiều dịch vụ du lịch bắt đầu sử dụng AI, ví dụ như các hoạt động tương tác, giao lưu trực tiếp giữa khách tham quan với các giải pháp công nghệ, đặc biệt là màn trình diễn sử dụng robot phục vụ nhà hàng, robot phục vụ phòng, robot tư vấn dịch vụ…và các các ứng dụng AI như Wao AI BOT có khả năng tương tác, tư vấn, cung cấp thông tin dịch vu du lịch cho du khách với các công cụ tương tác đa dạng, dễ tiếp cận khiến khách tham quan hoàn toàn có thể trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn robot dễ dàng.

Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã thành công khi ứng dụng AI để giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn. Lấy ví dụ ở Trung Quốc đã có triển lãm nghệ thuật truyền thống tại một khu du lịch nổi tiếng được sử dụng hoàn toàn các thuật toán AI.

Hơn một nửa số người tham gia vào cuộc khảo sát của Expedia quan tâm đến việc sử dụng AI để lên kế hoạch cho lần du lịch tiếp theo của họ. AI đang được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa quy trình lập kế hoạch và đặt chỗ, mặc dù vẫn có những sai sót nhất định. Gần 40% khách du lịch cho biết họ sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm bằng AI để có được một kỳ nghỉ trọn vẹn.

AI đang trở thành “cầu nối” tiện lợi, nhanh chóng đưa văn hóa đến với khách du lịch. (Ảnh minh họa - Nguồn: TGCC)

AI đang trở thành “cầu nối” tiện lợi, nhanh chóng đưa văn hóa đến với khách du lịch. (Ảnh minh họa – Nguồn: TGCC)

Với lợi thế về những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, nhiều tỉnh, địa phương ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ AI trở thành “cầu nối” du khách và văn hóa bản địa. Tại Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đã áp dụng công nghệ thực tế ảo để du khách trải nghiệm “tour từ xa” đi tham quan Cô Tô thông qua các hình ảnh 360 độ kết hợp thuyết minh tự động: Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; khám phá đảo Cô Tô, chùa Trúc Lâm, bãi đá Móng Rồng, đảo Thanh Lân… Công nghệ này giúp du lịch Cô Tô lan tỏa rộng hơn đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc lên kế hoạch cho chuyến du lịch thực tế của du khách.

Huế là một tỉnh đi đầu về lĩnh vực áp dụng công nghệ AI quảng bá du lịch, kết nối du khách và di sản văn hóa. Cụ thể năm 2023, dự án “Một Food ở Huế” ra đời nhằm truyền tải nét đẹp ẩm thực Huế bằng công cụ AI. Dự án đã xây dựng nên đại sứ AI – Chabot O Thực, với sứ mệnh lan toả “bản đồ” ẩm thực Huế tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế bằng sự hỗ trợ của công nghệ AI.

Đây là chatbot chuyên biệt quảng bá ẩm thực Huế đầu tiên được ra mắt mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng. O Thực được lấy cảm hứng từ hình ảnh các o, các mệ xứ Huế với nét đẹp đằm thắm, tinh tế, miệt mài. Chatbot O Thực giúp du khách giải đáp thắc mắc về ẩm thực, văn hóa, du lịch Huế hoàn toàn miễn phí. Người dùng có thể trò chuyện cùng O Thực bằng công cụ chatbot AI được tích hợp trong hộp tin nhắn trên trang dự án “Một Food ở Huế”, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Đến năm 2025, Huế lại áp dụng Trạm tương tác thông minh (TapQuest) là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể chạm Điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm với nhiều hình thức thể hiện phong phú bao gồm hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản và hướng dẫn viên sử dụng trí thông minh nhân tạo. Giờ đây du khách đã có thể chạm vào các trạm tương tác thông minh tại 9 điểm quan trọng của Hải Vân Quan để kết nối với câu chuyện và để lại những hình ảnh đẹp của mình trên “bức tường số” của quan ải đầy tính lịch sử này.

Muốn ứng dụng rộng rãi công nghệ AI thiết lập “bản đồ du lịch văn hóa” ngành Du lịch Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. (Ảnh minh họa - Nguồn: Rooty trip Phú Quốc)

Muốn ứng dụng rộng rãi công nghệ AI thiết lập “bản đồ du lịch văn hóa” ngành Du lịch Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. (Ảnh minh họa – Nguồn: Rooty trip Phú Quốc)

AI có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch. AI đang mở ra một “thế giới phẳng” tại các điểm đến du lịch. Khi du khách có thể dễ dàng có một lịch trình chi tiết, cụ thể nhờ “trợ lý ảo” AI. Nhờ AI, du khách sẽ nhanh chóng tiếp cận được “bản đồ” ẩm thực, di tích văn hóa lịch sử hấp dẫn tại các tỉnh, địa phương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đây là một cách để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Cần nhân rộng mô hình “bản đồ du lịch” bằng AI

Vào tháng 9 năm 2024, trong trong khuôn khổ Hội thảo “AI và các giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho ngành du lịch Khánh Hòa”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận định, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch, từ việc quản lý và vận hành thông minh đến marketing kỹ thuật số. Để cạnh tranh với thị trường du lịch quốc tế, Việt Nam cần phải ứng dụng rộng rãi công nghệ, trong đó có AI vào ngành du lịch các tỉnh, địa phương.

Thực tế, tại Việt Nam, công nghệ AI đang mở ra một hướng phát triển du lịch bền vững. Lấy ví dụ, AI làm hạn chế rác thải, tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch. Công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc giám sát, quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Với sự phát triển của các công cụ số hóa và công nghệ quản lý dữ liệu, các cơ quan chức năng có thể theo dõi, đánh giá và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm tránh tình trạng khai thác quá mức các tài nguyên du lịch. Các công nghệ như hệ thống thông tin địa lý (GIS) và dữ liệu lớn (Big Data) giúp các cơ quan quản lý theo dõi biến động về môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời dự báo tác động tiềm năng từ hoạt động du lịch.

Đây là các yếu tố để Việt Nam hình thành nên những bản đồ du lịch đa dạng, hấp dẫn. Tuy nhiên, việc áp dụng AI vào ngành Du lịch chưa được phổ biến rộng rãi. Lấy ví dụ, chỉ có một số tỉnh, thành phố như Huế, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh,… sử dụng AI để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa của địa phương.

Nhờ AI, du khách sẽ nhanh chóng tiếp cận được “bản đồ” ẩm thực, di tích văn hóa lịch sử hấp dẫn tại các tỉnh, địa phương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. (Ảnh minh họa - Nguồn: GenK)

Nhờ AI, du khách sẽ nhanh chóng tiếp cận được “bản đồ” ẩm thực, di tích văn hóa lịch sử hấp dẫn tại các tỉnh, địa phương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. (Ảnh minh họa – Nguồn: GenK)

Muốn ứng dụng rộng rãi công nghệ AI thiết lập “bản đồ du lịch văn hóa” ngành du lịch Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Lấy ví dụ du lịch đang thiếu nguồn nhân lực. Đặc biệt là những người lao động có kiến thức, hiểu biết cơ bản về AI. Nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi, người dân vốn có thói quen làm du lịch truyền thống. Vì vậy, cần có những lớp “bình dân học AI” để phổ cập cho người dân chuyển đổi hướng phát triển du lịch.

Ngoài ra, để xây dựng các bản đồ du lịch AI, cần có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Nguồn dữ liệu đầy đủ, chi tiết, sẽ giúp các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp dễ dàng áp dụng thuật toán AI tạo nên các tour du lịch văn hóa độc đáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2710/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt đề án “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch”. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch được xây dựng, phát triển toàn diện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời góp phần quảng bá xúc tiến du lịch.

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2024 đến năm 2030 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 – 2025), ưu tiên hoàn thiện, xây dựng một số cơ sở dữ liệu thành phần chính ngành Du lịch để kết nối và chia sẻ trên toàn quốc. Giai đoạn 2 (2026 – 2030), tiếp tục duy trì, nâng cấp, phát triển mở rộng các cơ sở dữ liệu thành phần đã được hoàn thiện, xây dựng trong giai đoạn 1; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu thành phần còn lại tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện ngành Du lịch.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, phát triển, duy trì và cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án kỹ thuật liên quan một cách đồng bộ, khai thác dữ liệu dùng chung của các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và AI để xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành Du lịch và các tổ chức, cá nhân liên quan…



https%3A%2F%2Fbaophapluat.vn%2Fdu-lich-van-hoa-thong-minh-thoi-ai-post547895.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article