35.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 7 15, 2025

Giải “cơn khát” nhân lực cho thị trường thương mại điện tử

Must read

Chỉ 30% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay?

– Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, quy mô thị trường ước đạt 32 tỷ USD, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023. Tỷ trọng thương mại điện tử hiện chiếm 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy thương mại điện tử không còn là xu hướng mà đã trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế.

anh Nguyễn Bình Minh
Ths. Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM)

Song hành với sự phát triển đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Việt Nam hiện có trên 500 trường đại học và cao đẳng, trong đó chỉ có 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử và hơn 50 trường có đào tạo học phần liên quan. Tuy nhiên, số người được đào tạo bài bản, chính quy chỉ chiếm khoảng 30%. Khoảng 70% còn lại chủ yếu tự học, tham gia các lớp ngắn hạn tại doanh nghiệp, địa phương hoặc chuyển ngành từ các lĩnh vực như marketing, công nghệ thông tin, kinh doanh…

Khoảng trống này đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử và cả nền kinh tế.

– Ông có thể chia sẻ cụ thể những trở ngại mà ngành thương mại điện tử đang gặp phải trong quá trình phát triển nguồn nhân lực?

– Thách thức lớn nhất hiện nay là xu hướng thị trường thay đổi nhanh, nhiều công nghệ và mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới liên tục ra đời. Trong khi đó, chương trình đào tạo đại học thường cứng nhắc, cố định ít nhất 4 năm. Việc điều chỉnh chương trình chỉ có thể thực hiện sau mỗi khóa học, dẫn đến kiến thức bị lạc hậu, không theo kịp thị trường.

Dù hiện nay các doanh nghiệp thương mại điện tử đã có sự phối hợp với các trường đại học, cơ sở đào tạo, nhưng nhà trường vẫn còn lúng túng với mô hình hợp tác này. Việc đào tạo còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giảng viên, học liệu, chương trình không sát thực tiễn, thiếu hợp tác giữa các trường…

Ngoài ra, nhân lực phân bố không đồng đều giữa các vùng miền. Phần lớn tập trung ở các đô thị lớn, trong khi nông thôn, miền núi – những nơi giàu tiềm năng – lại chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực phù hợp. Đặc biệt, thương mại điện tử vẫn chưa được xem là ngành đào tạo ưu tiên trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Không thể thiếu sự phối hợp giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp

– Trước bối cảnh nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp được đề cập là làm “theo đơn đặt hàng” giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Theo ông, mô hình này liệu có khả thi?

– Mô hình này phù hợp với các ngành công nghiệp truyền thống, nhưng lại không phù hợp với đặc thù của thương mại điện tử. Đào tạo “theo đơn đặt hàng” chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt của một doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định, nhưng không xây dựng được nền tảng kiến thức lâu dài cho người học.

Đào tạo chính quy về thương mại điện tử phải dựa trên nền tảng kiến thức chung để sinh viên có thể làm việc tại bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong khi đó, mô hình “đơn đặt hàng” phù hợp hơn với doanh nghiệp lớn có yêu cầu kỹ năng ổn định. Ví dụ, người được đào tạo lắp ráp ô tô thì chỉ có thể làm trong lĩnh vực đó, không dễ chuyển đổi. Còn trong thương mại điện tử, kỹ năng phải cập nhật liên tục với các xu hướng như AI, chatbot, livestream…, do đó cần đào tạo lại thường xuyên.

– Để giải cơn khát nguồn nhân lực cho thị trường thương mại điện tử, theo ông cần tập trung triển khai những giải pháp nào?

– Để giải quyết vấn đề này, cần sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước theo hướng thực tiễn và linh hoạt hơn.

Về phía cơ quan quản lý, cần có chính sách cụ thể phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ thông qua các tổ chức nghề nghiệp nhằm bảo đảm tính minh bạch và chuyên nghiệp.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển mạng lưới các trường đào tạo thương mại điện tử – một mô hình đang rất hiệu quả. Mạng lưới này cần sự hỗ trợ bài bản từ các cơ quan chuyên môn và Bộ Giáo dục và Đào tạo để hình thành chuẩn đào tạo chung, chia sẻ tài liệu, giảng viên… giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo trình và giảng viên, từ đó mở rộng hệ thống trường đào tạo và tăng số lượng nhân lực chính quy cho thị trường.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các cơ chế ưu đãi về thuế và tài chính cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực; đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Về phía các trường đại học, cần chú trọng đến thực hành nhiều hơn, chuẩn hóa khung kiến thức, nâng cao chất lượng giảng viên. Cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, lựa chọn đối tác phù hợp với định hướng đào tạo để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đào tạo nội bộ, triển khai các chương trình tại chỗ như vận hành sàn thương mại điện tử, quảng cáo, quản lý kho vận… Đồng thời, tiếp tục hợp tác với các trường đại học và trung tâm đào tạo để nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian đào tạo thực hành.

Xin cảm ơn ông!

https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fgiai-con-khat-nhan-luc-cho-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-10379664.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article