27 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 5 22, 2025

Giải pháp AI cho báo cáo phát triển bền vững, AI có phải là ‘chiếc đũa thần’?

Must read

Ngành ngân hàng tài chính đang thúc đẩy phát triển bền vững thông qua tín dụng xanh và báo cáo minh bạch, đồng thời tận dụng AI như một ‘trợ thủ’ đắc lực. Nhưng, chuyên gia khuyến cáo, AI không phải ‘chiếc đũa thần’ và cũng có những mặt trái cần được lưu tâm.

Ứng dụng AI trong báo cáo ESG và góc nhìn từ ACCA
Ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu (thứ 2 từ phải sang) cùng các diễn giả trong phần thảo luận. Ảnh: Hoàng Giáp

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, đặc biệt với sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI), ngành ngân hàng đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện để không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng mà còn đảm bảo sự bền vững, minh bạch và thân thiện với môi trường – xã hội. Thông điệp này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà chia sẻ tại Tọa đàm “Báo cáo phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng” sáng 21/5.

Dư nợ tín dụng xanh vượt 704.000 tỷ đồng, tập trung vào năng lượng và nông nghiệp sạch

Theo ông Phạm Thanh Hà, phát triển bền vững giờ đây không còn là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành trụ cột chiến lược trong định hướng dài hạn của toàn ngành tài chính – ngân hàng.

Trong tiến trình đó, việc xây dựng và công bố “Báo cáo Phát triển bền vững” chính là công cụ thể hiện cam kết rõ ràng, góp phần nâng cao tính minh bạch và khẳng định vai trò dẫn dắt của ngành ngân hàng trong hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh, toàn diện và có trách nhiệm.

Ứng dụng AI trong báo cáo ESG và góc nhìn từ ACCA
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trong phần phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: Hoàng Giáp

Thông tin từ NHNN, trong năm 2024, số lượng tổ chức tài chính lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 33 đơn vị. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã đưa nội dung phát triển bền vững vào trong Báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Riêng trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, đã có thêm 6 ngân hàng thương mại công bố Báo cáo Phát triển bền vững độc lập, nâng tổng số lên khoảng 13-15 ngân hàng, phản ánh rõ xu hướng ngày càng lan rộng trong toàn hệ thống.

Song song với đó, tín dụng xanh cũng ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể.

Tính đến cuối quý 1/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh với tổng giá trị vượt 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Trong giai đoạn 2017 – 2024, tín dụng xanh tăng trưởng trung bình 21,2% mỗi năm – cao vượt trội so với mặt bằng tín dụng chung.

Giải pháp AI cho báo cáo phát triển bền vững, AI có phải là 'chiếc đũa thần'?
Nguồn: NHNN

Dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng – vẫn đang ở giai đoạn khởi nguyên, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện.

Những rào cản hiện hữu không chỉ nằm ở khung pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ, mà còn ở bài toán nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu, cũng như phương pháp thu thập và xử lý thông tin sao cho hiệu quả, minh bạch và đạt chuẩn quốc tế, ông Hà nói.

Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, không ít tổ chức tín dụng đang gặp khó khi triển khai báo cáo do chi phí thuê tư vấn cao, trong khi đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về ESG và phát triển bền vững vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc thiếu danh mục đầu tư xanh thống nhất trên toàn quốc cũng khiến các ngân hàng thương mại loay hoay trong xác định tiêu chí và định hướng chiến lược.

Trước thực tế đó, ông Quý đề xuất 5 giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy việc lập và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại các ngân hàng.

Cụ thể gồm: Sớm ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật, vốn; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; Nâng cao chất lượng tư vấn trong xây dựng báo cáo. Và cuối cùng là khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động đầu tư nguồn lực, tìm kiếm tư vấn và thiết lập khung quản trị ESG phù hợp với đặc thù hoạt động.

Đây sẽ là nền tảng để ngành ngân hàng Việt Nam từng bước hội nhập chuẩn mực phát triển bền vững toàn cầu một cách hiệu quả và bài bản, ông Quý nói.

AI – “trợ thủ” trên hành trình phát triển bền vững

Tại cuộc tọa đàm, do Thời báo Ngân hàng tổ chức, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số như những “trợ thủ đắc lực” trong hành trình chuyển đổi xanh và xây dựng báo cáo phát triển bền vững. Việc ứng dụng các giải pháp số không chỉ giúp tự động hóa quy trình thu thập – xử lý – xác minh dữ liệu mà còn tăng cường tính minh bạch, độ tin cậy và khả năng ra quyết định theo thời gian thực.

Trong thực tiễn, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận công nghệ mới. Đại diện FPT Digital, ông Lê Hùng Cường – Phó Tổng giám đốc FPT Digital chia sẻ, FPT đã phát triển và triển khai nền tảng VertZéro tích hợp AI, giúp các doanh nghiệp – bao gồm cả ngân hàng – kiểm kê và giám sát phát thải khí nhà kính theo thời gian thực. Công nghệ này còn hỗ trợ thiết lập kịch bản dự báo phát thải, lập kế hoạch giảm phát thải carbon phù hợp và truy xuất dữ liệu giữa các đơn vị một cách tập trung, minh bạch.

Ông Cường nhấn mạnh: “AI chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tháo gỡ bài toán dữ liệu ESG – vốn đang nằm rải rác trong các hệ thống vận hành, quản trị và tài chính. Từ đó đơn giản hóa quá trình lập báo cáo và mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính”.

Thực tế cho thấy, các báo cáo ESG truyền thống vẫn còn manh mún, mất thời gian và thiếu khả năng phân tích theo thời gian thực. Dữ liệu ESG thường phân tán ở nhiều phòng ban, chưa chuẩn hóa theo các khung quốc tế như GRI hay ISSB. Trong khi đó, việc tích hợp AI cho phép hệ thống tự động thu thập, đối chiếu, chuẩn hóa và kiểm toán dữ liệu ESG, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ trước khi công bố, ông Cường chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thúy Phượng – Phó Trưởng ban Chiến lược của Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã bắt đầu công bố báo cáo phát triển bền vững và đang nghiên cứu ứng dụng AI để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp giảm gánh nặng khi thực hành ESG. Việc nâng cao chất lượng báo cáo không chỉ là tiêu chí minh bạch hóa thông tin, mà còn trở thành điều kiện then chốt để tiếp cận nguồn vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.

Nhưng mặt trái của AI là gì?

Dưới góc độ quốc tế, ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu cho rằng AI hoàn toàn có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách chặt chẽ, hiệu quả và có chiều sâu hơn.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc sử dụng AI cần được kiểm soát nghiêm ngặt theo hướng minh bạch, đạo đức và phù hợp với các khung khổ quốc tế, tránh rủi ro thiên lệch dữ liệu, thiếu minh bạch thuật toán hay tình trạng “greenwashing” (tẩy xanh).

Dù được kỳ vọng là công cụ đắc lực trong hành trình chuyển đổi xanh, song AI không phải là “chiếc đũa thần” có thể tự động hóa mọi quy trình hay xử lý mọi thách thức dữ liệu – đó là cảnh báo được chuyên gia ACCA đưa ra tại tọa đàm. Thực tế, theo ACCA, có tới 80% dữ liệu trong doanh nghiệp hiện nay vẫn là “dữ liệu tối” (dark data) – những thông tin chưa được phân loại, chưa khai thác hiệu quả, thậm chí gây lãng phí tài nguyên lưu trữ và tiêu tốn năng lượng.

AI chỉ thực sự hữu dụng khi được nuôi bằng dữ liệu sạch, ông Mike Suffield nói.

Giải pháp AI cho báo cáo phát triển bền vững, AI có phải là 'chiếc đũa thần'?
AI chỉ thực sự hữu dụng khi được “nuôi” bằng dữ liệu sạch, chính xác và có cấu trúc tốt. Nếu đầu vào không đạt chuẩn – chứa sai lệch, thiếu minh bạch thì hệ thống AI không chỉ vô dụng, mà còn có thể tạo ra những phân tích sai lầm, dẫn tới quyết định sai lệch trong báo cáo phát triển bền vững
Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu

Để làm rõ hơn mối quan hệ hai chiều giữa dữ liệu và AI, ông Suffield nêu ví dụ về chính “dấu chân môi trường” của công nghệ này. Theo ước tính từ Viện Nghiên cứu Điện lực Hoa Kỳ (EPRI), mỗi truy vấn trên ChatGPT tiêu tốn lượng điện gấp 10 lần so với một tìm kiếm Google. Với hơn 200 triệu người dùng mỗi tuần, mức tiêu thụ năng lượng và khí thải từ các trung tâm dữ liệu AI đang gia tăng chóng mặt. Chưa dừng lại ở đó, chỉ riêng hệ thống làm mát tại các trung tâm dữ liệu của những “gã khổng lồ” như Google hay Microsoft đã tiêu thụ khối lượng nước tương đương với sinh hoạt của khoảng 700.000 người Mỹ trong một năm.

Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, nhu cầu điện năng của các trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng vọt tới 160% vào năm 2030 – một mức tăng đột phá chưa từng thấy kể từ khi Internet xuất hiện. Dự kiến, ngành này sẽ chiếm tới 3-4% tổng tiêu thụ điện trên toàn cầu, kéo theo nguy cơ lượng khí nhà kính phát thải có thể tăng gấp đôi so với con số của năm 2022, đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

“Nếu coi AI là ‘trợ thủ’ cho báo cáo phát triển bền vững, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế: chính AI cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ lên môi trường,” ông Suffield đưa ra cảnh báo.

Giải pháp AI cho báo cáo phát triển bền vững, AI có phải là 'chiếc đũa thần'?
Tác động của AI tới môi trường. Nguồn: ACCA

Theo ông, ACCA đã phát triển mô hình 8 giai đoạn trong chu trình sản xuất báo cáo phát triển bền vững – từ thu thập, phân tích dữ liệu đến trình bày phù hợp với từng đối tượng sử dụng. AI hoàn toàn có thể được tích hợp trong từng công đoạn để tăng tốc và nâng cao độ chính xác. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn hiện nay nằm ở chất lượng dữ liệu nội bộ doanh nghiệp: dữ liệu phân tán, không đồng bộ, thiếu tiêu chuẩn hóa và sự phối hợp yếu giữa các phòng ban. Những rào cản này khiến AI không thể phát huy hết tiềm năng vốn có.

Vì vậy, ông Suffield kêu gọi các tổ chức cần đầu tư nghiêm túc cho nền tảng dữ liệu: từ kiểm toán, phân loại đến xây dựng nhận thức chung về sử dụng dữ liệu một cách có trách nhiệm. “Đó mới là bước đi bền vững nếu muốn ứng dụng AI một cách hiệu quả trong quản trị và phát triển doanh nghiệp,” đại diện ACCA chia sẻ.

Ông Suffield nhấn mạnh rằng các Giám đốc tài chính (CFO) cần mở rộng tầm nhìn khi đánh giá các khoản đầu tư vào AI, không chỉ xem xét chi phí ban đầu hay lợi nhuận trước mắt mà còn phải cân nhắc đến tác động môi trường và nhu cầu đầu tư bổ sung vào các giải pháp bền vững hơn. Việc ưu tiên phát triển những mô hình AI tiết kiệm năng lượng, hiệu quả hơn là điều cấp thiết, đồng thời việc lựa chọn nền tảng công nghệ cần phải đồng bộ với chiến lược quản trị phát thải của tổ chức.

Điều nhấn trong phát biểu của ông Mike Suffield là: AI không phải là “cây đũa thần” giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến dữ liệu. AI cũng là một công nghệ tiềm ẩn rủi ro, và chỉ khi được triển khai dựa trên nền tảng đạo đức, sử dụng dữ liệu chất lượng cao cùng chiến lược phát triển bền vững toàn diện, nó mới thực sự trở thành trợ thủ đắc lực thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài cho ngành ngân hàng và tài chính.

https%3A%2F%2Fmekongasean.vn%2Fgiai-phap-ai-cho-bao-cao-phat-trien-ben-vung-ai-co-phai-la-chiec-dua-than-41746.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article