Ngày 30/6/2025, Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm lộ bí mật nhà nước” (theo Điều 338, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) xảy ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2025.
Trước đó, báo chí và mạng xã hội phản ánh nghi vấn liên quan đến việc lọt đề thi môn Toán. Theo đó, ảnh chụp một phần đề thi đã được đăng tải trên ứng dụng giải toán bằng Trí tuệ nhân tạo (AI) khi chưa kết thúc thời gian làm bài (từ 14h30’ – 16h00’ ngày 26/6/2025). Thông tin này khiến thí sinh, phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về công tác bảo mật đề thi và tính nghiêm minh, nghiêm túc của kỳ thi.
Ngay sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thành phố khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Cục An ninh chính trị nội bộ và Giám đốc Công an thành phố, Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an thành phố đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng An ninh điều tra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng cộng nghệ cao – Công an thành phố nhanh chóng vào cuộc.
Qua điều tra, lực lượng chức năng bước đầu xác định thí sinh N.V.K đã lén mang Điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán và đăng tải lên ứng dụng StudyX để giải đề thi nhưng chỉ chép được đáp án của 02 câu hỏi thi. Ngoài ra, N.V.K còn chụp ảnh và đăng tải đề thi môn Hoá học, Vật lý trong buổi thi vào ngày 27/6/2025.
Mở rộng điều tra, còn phát hiện một trường hợp khác cũng sử dụng điện thoại để gian lận thi cử. Tương tự như N.V.K, thí sinh L.T.M.A đã lén mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi môn Toán, môn Lịch sử, môn Tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng AI Gemini trên điện thoại giải đề thi. Hội đồng coi thi đã phát hiện, lập biên bản vi phạm quy chế thi, đình chỉ thi.
Hiện, vụ án đang được lực lượng chức năng Công an TP. Hà Nội khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, tai nghe siêu nhỏ, camera giấu kín, thiết bị đọc – truyền dữ liệu, đang bị một số đối tượng lợi dụng để qua mặt quy chế thi. So với các hành vi gian lận truyền thống (quay cóp, nhìn bài…), AI cho phép thực hiện hành vi tinh vi hơn, khó phát hiện hơn, thậm chí có thể tự động hóa việc giải đề và truyền đáp án.
Dưới góc độ xã hội và đạo đức, đây là hành vi phá vỡ nguyên tắc công bằng trong giáo dục, vốn là nền tảng đạo đức quan trọng của một xã hội văn minh. Đồng thời, gây thiệt hại niềm tin vào hệ thống thi cử, làm giảm giá trị thực chất của bằng cấp và có thể làm lệch chuẩn đánh giá năng lực, dẫn đến việc cấp sai vị trí học tập cho người không xứng đáng.
Theo quy định của pháp luật thì đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia chưa công khai là danh mục bí mật nhà nước. Trước đây, chưa có quy định cụ thể thời điểm nào là thời điểm công khai đề thi kỳ thi quốc gia để xác định đề thi đó còn là thông tin bí mật nhà nước hay không nên việc xử lý hình sự đối với hành vi gian lận thi trong kỳ thi quốc gia chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay, căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định: “Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” của đề thi: a) Đối với đề thi tự luận chỉ kết thúc khi hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài; đối với đề thi trắc nghiệm chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của buổi thi; b) Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi”.
Bên cạnh đó, ngày 19/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 531/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm: “Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai”.
Cũng theo Luật sư, về nguyên tắc, việc đảm bảo nghiêm túc của kỳ thi được tuân thủ theo quy định của pháp luật, của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế thi. Với những thông tin mật, tài liệu mật mà chưa được công bố, chưa được giải mật thì sẽ được bảo vệ bằng luật hình sự.
Với những thông tin mật, tài liệu mật liên quan đến kỳ thi quốc gia đã được công bố, đã được giải mật, hết thời gian bảo vệ bằng luật hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế thi (người vi phạm lúc đó sẽ bị trừ điểm, bị đình chỉ thi, bị kỷ luật phải bị xử phạt hành chính… chứ không bị xử lý hình sự như thời điểm thông tin còn là mật).
Theo Luật sư, nếu như trước đây chưa có quy định cụ thể về thời gian “giải mật” đối với đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên thường được hiểu là thời điểm “bóc mở đề thi” – khi giám thị bóc đề thi và phát đề cho thí sinh được coi là công khai, không còn là bí mật nhà nước.
Vì vậy, rất nhiều trường hợp vi phạm trước đây không bị xử lý hình sự. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian công bố thông tin bí mật nhà nước đối với đề thi tốt nghiệp THPT không phải là thời điểm bóc mở đề thi mà là thời điểm hết hai phần ba thời gian làm bài đối với đề thi tự luận và hết thời gian làm bài đối với đề thi trắc nghiệm. Đây là cơ sở pháp lý để xác định đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT được giải mật ở thời điểm nào, nếu chưa được giải mà làm lộ thì sẽ bị xử lý hình sự.
Bởi vậy, trong các vụ án gần đây, trường hợp có căn cứ cho thấy thí sinh đã chuyển đề thi tự luận kỳ thi THPT quốc gia ra ngoài khi chưa hết hai phần ba thời gian làm bài thì đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội, tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, việc cơ quan điều tra khởi tố xử lý hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
Cụ thể, người thực hiện hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là đề thi kỳ thi quốc gia sẽ phải đối mặt với hình phạt thấp nhất từ 05 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2 Điều 337 Bộ luật Hình sự vì đây là bí mật thuộc dạng tối mật.
Luật sư cũng cho hay, đối với các thí sinh cũng như các phụ huynh cần tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quy chế thi, liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời tham dự đầy đủ các buổi tập huấn, phổ biến quy chế thi và những nội dung dặn dò của thầy cô giáo trước kỳ thi để có kiến thức hiểu biết về bí mật nhà nước, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước cũng như hậu quả pháp lý nếu “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Đối với những thí sinh đã biết mình đang được bàn giao, nắm giữ thông tin bí mật nhà nước, biết là cố ý làm lộ sẽ bị xử lý hình sự nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì phải chịu hậu quả pháp lý, sẽ phải trả giá do hành vi cố ý vi phạm phạm pháp pháp luật của mình.
TRẦN VĂN
https%3A%2F%2Flsvn.vn%2Fgian-lan-thi-cu-khi-su-dung-ai-co-the-bi-xu-ly-the-nao-a159820.html