Dịp hè không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để đội ngũ giáo viên tại nhiều trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng củng cố và nâng cao năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số. Với sự chủ động từ nhà trường và sự đồng hành của các chuyên gia công nghệ, những lớp tập huấn chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ năng số và các công cụ hỗ trợ giảng dạy hiện đại đang dần trở thành “mùa học hè” mới của các thầy cô giáo.

Làm chủ công nghệ số
Tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (TP.Đà Nẵng), 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong dạy học. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các buổi tập huấn mang lại hiệu quả thiết thực khi giáo viên không chỉ tiếp cận những công cụ hỗ trợ xây dựng giáo án, kế hoạch bài giảng mà còn học được cách sử dụng AI để cá nhân hóa quá trình học tập của học sinh, phân tích lỗ hổng kiến thức và cải tiến phương pháp dạy học.
Không dừng lại ở việc học lý thuyết, nhiều trường đã tạo môi trường để giáo viên áp dụng ngay kiến thức được chia sẻ. Trường THCS Nguyễn Huệ là một ví dụ điển hình. Sau lớp tập huấn chuyên đề kéo dài 2 ngày do chuyên gia từ Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) giảng dạy, nhà trường đã phát động cuộc thi thiết kế bài giảng ứng dụng AI trong năm học 2025-2026.
Ông Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuộc thi là cách để khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, khám phá và vận dụng AI vào thực tiễn dạy học trong dịp hè. Các giáo viên nộp sản phẩm dự thi trước ngày 10-8 và kết quả sẽ được đánh giá trong vòng 10 ngày sau đó.
Cuộc thi yêu cầu giáo viên thiết kế các bài giảng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có tích hợp AI ít nhất ở một trong các khâu: soạn nội dung học liệu (văn bản, hình ảnh, sơ đồ, câu hỏi…), tổ chức hoạt động học tập (phân nhóm, giao nhiệm vụ theo năng lực), hoặc kiểm tra – đánh giá (tạo đề kiểm tra, phân tích kết quả và phản hồi tự động). Kết quả cuộc thi cũng được dùng để xây dựng kho học liệu nội bộ phục vụ lâu dài cho đội ngũ giáo viên nhà trường.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Linh, TP.Đà Nẵng), kế hoạch tập huấn chuyên đề về chuyển đổi số cũng đang được triển khai trong tháng 8. Trọng tâm chương trình là rèn kỹ năng thực hành với học bạ điện tử, như cập nhật mã định danh học sinh, nhập dữ liệu, lưu trữ hồ sơ, sử dụng chữ ký số, nhận xét môn học…
Đặc biệt, với những giáo viên hợp đồng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng hệ thống số thì nhà trường còn tổ chức các buổi hướng dẫn riêng để làm quen với nền tảng VnEdu, từ quản lý điểm số, kế hoạch dạy học, theo dõi mượn sách, quản lý thiết bị đến báo giảng. Mỗi giáo viên được cấp tài khoản để tự luyện tập và làm quen trước khi bước vào năm học mới.
Theo ông Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc thành thạo các phần mềm quản lý là yêu cầu tất yếu đối với giáo viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục ngày càng toàn diện.
Chọn lọc và vận dụng phù hợp
Thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng Tổ lịch sử – địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, qua các buổi tập huấn, giáo viên đã có thêm nền tảng vững chắc để sử dụng AI vào dạy học và quản lý. Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng thừa nhận rằng AI là lĩnh vực mới, có nhiều công cụ phái sinh khác nhau, không phải phần mềm nào cũng phù hợp với mọi giáo viên hay bộ môn. “Mỗi công cụ AI lại có tính năng khác nhau, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và thử nghiệm. Thầy cô rất cần sự định hướng từ chuyên gia để lựa chọn phần mềm phù hợp với đặc thù môn học và điều kiện giảng dạy thực tế”, thầy Tuấn chia sẻ. Ví dụ, giáo viên lịch sử có thể ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giúp học sinh tham quan bảo tàng số; giáo viên địa lý có thể sử dụng Google Earth để đưa học sinh “du lịch ảo” đến các vùng đất khác nhau.
Tuy nhiên, một rào cản khác là việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Theo cô Mai Thị Thu Hà – giáo viên Trường THPT Duy Tân, hiện nhiều thầy cô vẫn phải sử dụng các ứng dụng AI miễn phí nên bị giới hạn về tính năng và thời gian truy cập. Trong khi đó, việc mua bản quyền phần mềm đòi hỏi chi phí lớn mà không phải giáo viên nào cũng có điều kiện đáp ứng.
Để giải bài toán này, Tổ lịch sử – địa lý Trường THCS Nguyễn Huệ đang xem xét phương án mua chung một tài khoản phần mềm có bản quyền để sử dụng chung, từ đó tận dụng được đầy đủ tính năng, hỗ trợ tốt hơn cho việc dạy học.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết: Ngành giáo dục thành phố đang đẩy mạnh bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, đồng thời yêu cầu mỗi trường xây dựng đội ngũ giáo viên “nòng cốt công nghệ” để hỗ trợ nội bộ. Việc đánh giá thi đua trong năm học mới cũng sẽ gắn với hiệu quả ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Trần Văn Hưng, giảng viên Khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nếu biết cách ứng dụng, AI có thể giúp giáo viên thiết kế bài giảng sáng tạo, xây dựng video giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, AI chỉ nên là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy. Việc sử dụng AI phải đi kèm với nhận thức đúng đắn, trách nhiệm và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là vấn đề bảo mật và tính xác thực thông tin.
Đồng quan điểm này, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cũng cho rằng, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên ứng dụng AI, tuy nhiên việc ứng dụng cần có sự chọn lọc để vận dụng chứ không lạm dụng.
Tuy đang kỳ nghỉ hè, nhưng các trường tại TP.Đà Nẵng đều có sự chuẩn bị chu đáo, giáo viên không còn “nghỉ hè” theo nghĩa truyền thống mà đang học, khám phá, tự làm mới mình để bắt kịp xu thế giáo dục hiện đại với tinh thần học tập nghiêm túc, đổi mới sáng tạo và nỗ lực thích ứng với thời đại công nghệ.
Thiên Phúc
https%3A%2F%2Fgiaoduc.edu.vn%2Fgiao-vien-lam-chu-cong-nghe-ung-dung-ai-vao-day-hoc%2F