Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 940.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV – SME) cùng với hơn 33.000 hợp tác xã (HTX), 5,5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này không chỉ đóng góp khoảng 45% GDP mà còn thu hút trên 60% lực lượng lao động.
Tuy nhiên, khảo sát của Bộ KH-CN phối hợp với Hiệp hội DNNVV vào năm 2024 cho thấy chỉ khoảng 30 – 40% doanh nghiệp trong nhóm này đã triển khai một số hình thức chuyển đổi số, nhưng chủ yếu dừng lại ở mức độ ứng dụng cơ bản như sử dụng email hay phần mềm kế toán đơn giản.
Thực trạng này đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV, HTX và hộ kinh doanh trước nguy cơ tụt hậu và đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Tại dự thảo Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp trình Thủ tướng, Bộ KH-CN đề xuất 3 chương trình: Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số DNNVV, HTX, hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho DNNVV, HTX, hộ kinh doanh đổi mới sáng tạo; chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Một số nội dung đáng chú ý có thể kể như hỗ trợ 50.000 DNNVV có hoạt động đổi mới sáng tạo, 5.000 doanh nghiệp công nghệ chuyên biệt, 500 doanh nghiệp công nghệ xuất sắc dựa trên Chuyển đổi AI và chuyển đổi công nghệ.
“Đây là những doanh nghiệp nòng cốt giúp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước và quốc tế”, Bộ KH-CN nêu.

Đề án cũng đề xuất cơ chế “voucher chuyển đổi AI”. Theo đó tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV, HTX, hộ kinh doanh chuyển đổi AI theo nguyên tắc đối ứng (Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% trong vòng tối đa 1 năm; DNNVV, HTX, hộ kinh doanh chi trả phần còn lại) và cam kết kết quả. Áp dụng mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp từ mức 3 trở lên.
Tiếp theo là việc thành lập “liên minh AI quốc gia” và triển khai chính sách “dùng trước, trả sau” đối với các công nghệ AI phát triển từ trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành thể hiện một định hướng chiến lược kép.
Một mặt, điều này thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ AI vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nó giải quyết bài toán khó về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học – điểm yếu tồn tại lâu nay của Việt Nam.
Ngoài ra, cũng xúc tiến chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Mục tiêu là hỗ trợ 1.000.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân.
Một số giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này là triển khai miễn phí các ứng dụng số cơ bản, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến; tích hợp tất cả thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi, hỗ trợ tư vấn pháp lý, kế toán và quản trị doanh nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số…
Bộ KH-CN cho hay bộ sẽ chủ trì phát triển hệ thống thông tin dùng chung đánh giá mức độ chuyển đổi số trực tuyến, tích hợp với VNeID để thu thập dữ liệu tự động và cung cấp báo cáo và khuyến nghị cải thiện cho từng doanh nghiệp. Việc này sẽ hoàn thành trong quý 4/2025.
Song song đó là xây dựng hạ tầng số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông (đẩy mạnh phủ sóng băng thông rộng đến 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; phát triển mạng 5G tại các trung tâm kinh tế trọng điểm và xây dựng hạ tầng IoT phục vụ sản xuất thông minh); phát triển các trung tâm dữ liệu AI phục vụ doanh nghiệp; xây dựng các mô hình AI ứng dụng cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế…
Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình phát triển các giải pháp IoT chuẩn cho sản xuất thông minh ứng dụng cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế; dẫn dắt các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ số để phát triển các giải pháp blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hệ thống hợp đồng thông minh và xây dựng nền tảng thanh toán số an toàn cho DNNVV ứng dụng cho từng ngành, lĩnh vực…
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fho-tro-doanh-nghiep-sme-chuyen-doi-so-tro-luc-cho-1-trieu-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-234881.html