25 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 4 29, 2025

Kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh

Must read

(QBĐT) – Trong tác phẩm văn vần chữ Nôm Đại Nam quốc sử diễn ca của Ngô Lê Cát viết vào khoảng triều Tự Đức, thời nhà Nguyễn, có hai câu: “Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa//Kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh” là để ghi nhận một thời kỳ khoa cử đặc biệt của triều đại nhà Trần, có liên quan đến hai Trại Trạng nguyên ít ỏi trong lịch sử khoa bảng Việt Nam thời phong kiến: Trương Xán (1227-?) và Bạch Liêu (1236-1315).

 

Tài danh Trại Trạng nguyên Trương Xán được coi là vị Trạng nguyên thứ ba trong nền khoa cử phong kiến Việt Nam, sau hai Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234-1255) và Trần Quốc Lặc (1230-?); là nhà khoa bảng “mở hàng” có thành tích thi cử đặc biệt của tỉnh Quảng Bình, nhưng những thông tin về ông lưu lại trong chính sử quốc gia lẫn sách sử địa phương lại rất ít ỏi, sơ sài: “Trương Xán người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch, sau đổi là châu Bố Chính-nay thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 29 tuổi đỗ Trại Trạng nguyên, khoa thi Thái học sinh, năm Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256) đời Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Thị Lang, hàm Tự Khanh (theo Các nhà khoa bảng Việt Nam)”.

 

Ngoài ra, một số nguồn sử liệu và sách vở sao đi chép lại khác còn cho biết thêm: Trại Trạng nguyên Trương Xán từng làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ và để tôn vinh ông sau khi ông mất, một số làng chài đã lập đền thờ ông, coi như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.





Đường phố mang tên Trương Xán tại phường Nam Lý (TP. <a href=Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).” itemprop=”image” src=”https://baoquangbinh.vn/dataimages/202504/original/images811078_1.jpeg” style=”width: 800px; height: 554px;” />
Tuyến đường mang tên Trương Xán tại phường Nam Lý (TP. Đồng Hới).

Thông tin về Trại Trạng nguyên Trương Xán được ghi chép lại sớm nhất và chính thống có lẽ là ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, bộ chính sử nước nhà được nhiều đời tác giả khởi soạn, tu bổ công phu từ trước năm 1272 cho đến năm 1697 mới được khắc in trọn vẹn, với tư cách một Nội các quan bản (ấn bản chính thức của một cơ quan nhà nước mang tên Nội các).

 

Trong khi đó, một cuốn sách khác gần gũi hơn: Ô Châu cận lục do chính tác giả người Quảng Bình, tiến sĩ Dương Văn An cùng hai học trò biên soạn năm 1555 về vùng đất Ô Châu (bao gồm tỉnh Quảng Bình) có ghi chép danh tính nhiều vị sĩ hoạn, khoa bảng, quan lại… các đời trước ở Ô Châu, nhưng lại không có bất cứ thông tin nào về tên tuổi và hành trạng của vị Trại Trạng nguyên Trương Xán.

 

Sau này, các sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Tam khôi bị lục và một số sách khác biên soạn thời triều Nguyễn có ghi chép về Trương Xán, nhưng thông tin cũng rất ít ỏi và phần nhiều là trùng lặp. Điều này cho thấy sự khó khăn trong việc tiếp cận, lưu trữ, chuyển tải các thông tin lịch sử, văn hóa ngay từ quá khứ, theo đó hệ lụy về sau sẽ là sự mai một, thậm chí tam sao thất bản. Chẳng hạn việc Trại Trạng nguyên Trương Xán từng được cổ nhân tôn phong làm Phúc thần và nhiều làng chài thờ phụng ông, được ghi chép lại từ quá khứ, thì hiện nay các chứng cứ vật chất, tinh thần liên quan như: Thần tích, dấu tích đền miếu, truyền thuyết… ở Quảng Bình và ở cả quê hương ông (xã Hoành Bồ-Quảng Đông) đều cũng không còn mảy may dấu tích.

 

Tương tự thế, các sử liệu xưa từ nhiều nguồn ghi chép lại và người đời sau thường dẫn theo là Trại Trạng nguyên Trương Xán từng giữ ba chức quan trong triều: Thị Lang, Tự Khanh và Hàn lâm Học sĩ. Hai chức quan Thị lang, Hàn lâm Học sĩ, thời Trương Xán đỗ Trạng đã có, tuy nhiên, chức Tự Khanh thì theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phải đến “Đời Trần Dụ Tông (ở ngôi 1341-1369) mới đặt các chức Tự khanh, Thiếu khanh”.

 

Trong khi đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên năm 1256, lúc ông tròn 29 tuổi; tính ra, ông sẽ phải giữ chức Tự Khanh ít nhất là vào lúc ông đã 114 tuổi (?). Thế nên, trong các sách biên soạn công phu của các tác giả thời nay và cả trong cuộc hội thảo cấp quốc gia quy mô lớn về các danh nhân Quảng Bình tổ chức năm 2014 đề cập đến hàng chục danh nhân Quảng Bình nhưng không có một bài viết, một tham luận chỉnh thể nào về thân thế, sự nghiệp và công trạng của Trại Trạng nguyên Trương Xán, hẳn là do không đủ tư liệu cơ sở về ông.

 

Trở lại hai câu thơ trong sách Đại Nam Quốc sử diễn ca: “Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa//Kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh”, rõ ràng đây là ghi chép, đánh giá về một sự kiện lịch sử cụ thể: Định chế thi cử của nước ta thời nhà Trần. Thực ra, khoa thi đầu tiên ở nước ta được mở từ năm 1075, thời Lý, nhưng phải đến gần 200 năm sau, đời vua Trần Thái Tông (1247) mới đặt ra định chế lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, là ba vị trí đỗ đầu (Tam khôi) của kỳ thi, trong đó Trạng nguyên là người đỗ cao nhất. Tuy nhiên, đến kỳ thi năm 1256, có lẽ để cải cách giáo dục, dựa vào hiện tình đất nước đương thời, khác với những kỳ thi trước, ở vị trí đỗ đầu, nhà Trần lấy liền hai Trạng nguyên ở hai vùng đất nước, nhưng lại phân chia thành Kinh Trạng nguyên (Trần Quốc Lặc người tỉnh Hải Dương) và Trại Trạng nguyên (Trương Xán người tỉnh Quảng Bình): “Năm Bính Thìn (1256), mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên, Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên (…). Hồi quốc sơ cử người chưa phân Kinh, Trại, người đỗ đầu ban cho (danh hiệu) Trạng nguyên. Đến nay chia Thanh Hóa, Nghệ An làm Trại, nên có phân biệt Kinh, Trại”. Do vậy, “Kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh” được xem là lời bình phẩm xứng đáng, công bằng của người chép sử đời sau về những tài danh ở các vùng Kinh, Trại khác nhau cùng đỗ Trạng nguyên những kỳ thi này.

 

Tuy nhiên, với một phụ từ “cũng” (cũng là tài danh) tồn tại trong câu thơ còn cho phép chúng ta đoán định, đương thời, hẳn là có sự “băn khoăn” về chất lượng của hai loại Trạng nguyên Kinh và Trại. Trong tiếng Việt, phụ từ “cũng” là từ biểu thị ý khẳng định sự giống nhau về hiện tượng, trạng thái, tính chất của các trường hợp sắp hoặc đã nêu ra. Với cấu trúc ngữ pháp này, câu thơ khiến người đọc hiểu rằng, bên cạnh việc tôn vinh các tài danh khoa bảng, còn có khía cạnh “bảo vệ” năng lực các Trại Trạng nguyên bằng cách so sánh với Kinh Trạng nguyên trước “dư luận xã hội”. Can cớ gì mà người đời sau vẫn còn phải bảo vệ sự cải cách thi cử này? Nguyên do của tâm lý phân biệt Kinh, Trại ăn sâu trong tiềm thức xã hội thời đó là từ việc nhà Lý khi dời đô ra Thăng Long đã chia đất nước ra làm hai vùng Kinh (từ Ninh Bình trở ra), Trại (từ Thanh Hóa trở vào) và coi vùng Trại thấp kém hơn vùng Kinh. Nhà Trần nối tiếp cũng nhận ra sự khác biệt vùng, miền này nên lần đầu tiên đặt định chế lấy đỗ đồng thời hai Trạng nguyên Kinh, Trại trong hai kỳ thi liên tiếp (1256, 1266) để tìm kiếm nhân tài và mỗi khoa thi đều tìm được một Trạng nguyên vô cùng xứng đáng ở vùng Trại: Trương Xán (1256), Bạch Liêu (1266).

 

Xem ra đất Trại tuy bị đánh giá thấp nhưng không phải lạc hậu, thấp kém như người ta tưởng. Đại Nam Quốc sử diễn ca đã đúng khi viết “kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh” bởi cả bốn vị Trạng nguyên ở hai khoa thi liên tiếp này, năm 1256: Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc và Trại Trạng nguyên Trương Xán; năm1266: Kinh Trạng nguyên Trần Cố và Trại Trạng nguyên Bạch Liêu đều được triều đình trọng dụng và sau khi các ngài mất được tôn phong Phúc thần, được nhân dân địa phương cũng như trong vùng thờ cúng, không hề có dấu hiệu phân biệt đối xử.

 

Ngày nay, ở tầm quốc gia, Trại Trạng nguyên Trương Xán được hậu thế tôn vinh thờ tự tại nhà thờ họ Trương Việt Nam thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình và ở tỉnh Quảng Bình, họ Trương phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn cũng thờ tự Trạng nguyên Trương Xán như một bậc tiền hiền của dòng họ.

 

Trong điều kiện tư liệu hiện nay, Trạng nguyên Trương Xán được coi là người mở đầu lộng lẫy cho truyền thống khoa cử tỉnh Quảng Bình, dù ông xuất thân từ một vùng đất vô cùng gian khó. Và với những gì được lưu lại trong sử liệu về ông có thể thấy được phần nào sự chịu khó vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để học tập và khi đỗ đạt đã cống hiến nhiều công huân cho triều đại đương thời, cho đất nước, mới được nhà Trần trọng dụng lâu dài.

Trần Hùng

 

Tài liệu tham khảo:

– Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2), Nxb Khoa học xã hội  tháng 11/2004.

– Quảng Bình Khoa lục, Nxb Thuận Hóa-2016.

– Ô Châu cận lục, Dương Văn An, Nxb Thuận Hóa, năm 2001.

– Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Nxb Trẻ, 2014.

– Danh nhân Quảng Bình, Báo cáo khoa học hội thảo quốc gia, nhiều tác giả, Nxb Chính trị-Hành chính, 2014.

https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/ke-kinh-nguoi-trai-cung-la-tai-danh-2225739/

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article