Còn gì gây xúc động hơn một buổi sáng u ám, khi chiếc loa nhỏ xíu phát ra giọng nói quen thuộc: “Con ngủ có ngon không?”. Đó không phải là một tin nhắn cũ. Cũng không phải là một đoạn ghi âm tĩnh. Đó là một “bản sao giọng nói” đang trò chuyện với bạn – một phần mềm AI mô phỏng lại cách nói chuyện, thói quen và ký ức của người thân đã qua đời.
Nghe như phim viễn tưởng? Nhưng đó là thực tế mà một startup của Pháp – HER – đang mang lại, với sản phẩm tên Memories.

Memories – hồi sinh ký ức bằng công nghệ
Về hình dạng, Memories trông giống một viên sỏi điện tử nhỏ, cầm vừa tay. Bên trong là hệ thống AI kết nối đám mây (cloud) đặt tại Pháp. Khi bắt đầu sử dụng, thiết bị này sẽ đặt hàng trăm câu hỏi cho người dùng – từ những kỷ niệm tuổi thơ, quan điểm sống đến những thói quen thường nhật.
Tất cả đều được lưu trữ thành dữ liệu giọng nói có độ trung thực cao. Dữ liệu này sau đó được xử lý thành hai dạng:
Ghi âm tĩnh: Những đoạn phát lại giọng nói thật, theo nội dung đã trả lời.
Giọng nói tương tác thời gian thực: Một AI “bản sao” có thể trò chuyện theo phong cách nói và biểu cảm của người dùng.
Khác với những đoạn băng ghi âm thông thường, Memories có khả năng trò chuyện, đặt câu hỏi ngược lại và phản hồi như một cá nhân thật sự.
HER đang thử nghiệm thiết bị với 50 gia đình tại Pháp, với hy vọng tạo ra một “kho lưu trữ ký ức liên thế hệ”. Chiếc hộp Memories có giá khởi điểm 75 euro (2 triệu đồng), và người dùng có thể chọn giữa hai gói: 4,5 euro/tháng (tương đương 123.000 đồng): lưu trữ âm thanh không giới hạn; gói 19,99 euro/tháng (tương đương 550.000 đồng): kích hoạt bản sao giọng nói tương tác.
Khi công nghệ gặp cảm xúc
Nhà sáng lập HER, Mattéo Boso, chia sẻ: “Chúng tôi không tạo ra ký ức. Chúng tôi giúp duy trì sự hiện diện cảm xúc của người đã khuất, để quá trình nhớ nhung bớt đau đớn hơn”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý lại có góc nhìn khác…
Khái niệm về những “bóng ma Trí tuệ nhân tạo” (Generative ghosts) cũng đang nổi lên trong giới nghiên cứu tâm lý. Một bài viết trên ArXiv chỉ rõ: việc tương tác hằng ngày với một bản sao giọng nói có thể khiến con người trì hoãn việc buông bỏ, duy trì một mối quan hệ ảo làm sai lệch cảm xúc thực.
Elizabeth Loftus, một nhà tâm lý, chuyên gia về trí nhớ nổi tiếng thế giới, từng cho rằng ký ức không phải là một đoạn phim trung thực – mà là quá trình tái tạo đầy cảm xúc và dễ biến đổi. Việc tạo bản sao giọng nói có thể khiến người sống hình thành ảo giác hiện diện – ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận mất mát.
Ai sẽ kiểm soát “ký ức số”?
Ngoài yếu tố tâm lý, Memories còn đối mặt với câu hỏi pháp lý và đạo đức. Dữ liệu âm thanh được lưu trữ trên nền tảng đám mây, vậy: Ai có quyền sở hữu giọng nói đó sau khi người dùng qua đời? Liệu có nguy cơ bị deepfake, lạm dụng cho mục đích lừa đảo, hoặc làm giả lời nói chưa từng tồn tại?
Mặc dù HER cam kết không tạo hình ảnh deepfake; không tạo lời nói chưa từng có; tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn dữ liệu cá nhân tại Pháp và châu Âu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, đặc biệt là trong nhiều nền văn hóa khác như Việt Nam, nơi các vấn đề về quyền riêng tư và di sản tinh thần còn chưa được luật hóa chặt chẽ.
Ngoài ra, theo quan niệm Á Đông, việc gọi tên người đã mất qua AI, để nghe giọng nói họ mỗi ngày, với một số người cũng là sự xúc phạm.

HER không phải là đơn vị duy nhất bước vào lãnh địa “trò chuyện sau cái chết”. Tại Mỹ, các nền tảng như đã cung cấp dịch vụ tạo avatar 3D hoặc giọng nói mô phỏng để lưu giữ hình ảnh người thân. Chi phí có thể từ 10 USD cho mỗi phiên bản AI đơn giản.
Ở lĩnh vực y học, công nghệ tạo giọng nói cũng được ứng dụng để giúp bệnh nhân mất tiếng nói – như phần mềm của OpenAI hoặc các nghiên cứu phục hồi giọng tại Đại học Brown (Mỹ).
Khi dữ liệu đủ đầy, các công cụ như ChatGPT, Claude hay mô hình chuyên biệt cũng hoàn toàn có thể “giả lập” một phiên bản kỹ thuật số của người đã khuất.
Tuy nhiên, Memories là thiết bị đầu tiên kết hợp yếu tố đời thường – cảm xúc – công nghệ vào một sản phẩm có tính thương mại cao, hướng tới người tiêu dùng phổ thông.
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fmemories-khi-cong-nghe-ai-gap-cam-xuc-235407.html