TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong trong nỗ lực xây dựng thành phố xanh, với hệ thống giao thông thân thiện môi trường. Từ năm 2020, thành phố đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân. Trọng tâm của đề án là phát triển các loại hình xe buýt điện, xe sử dụng năng lượng sạch, từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong giao thông đô thị.

Mới đây, chính quyền TP.HCM tiếp tục khẳng định cam kết của mình khi giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Ba khu vực được lựa chọn thí điểm là trung tâm TP.HCM, Cần Giờ và Côn Đảo, là những nơi vừa có tiềm năng về hạ tầng giao thông sạch, vừa có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược phát triển bền vững.
Song song đó, một đề án quy mô khác cũng đang được thành phố đẩy nhanh, với mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện, trước mắt tập trung vào nhóm tài xế công nghệ và giao hàng. Đây là nhóm dễ tiếp cận, có tần suất di chuyển cao và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí đô thị.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc chuyển đổi xe máy điện không chỉ cụ thể hóa cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 mà còn mở ra khả năng bán tín chỉ carbon cho các đối tác quốc tế – một hướng đi tiềm năng trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, bài toán chuyển đổi phương tiện xanh không đơn thuần là thay xe xăng bằng xe điện. Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia xử lý khí thải từng làm việc tại Tập đoàn Volkswagen, cho rằng nếu không chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng thì hệ thống điện sẽ nhanh chóng quá tải khi hàng triệu xe điện cùng sạc. Nguy cơ cháy nổ, nhất là trong các khu nhà trọ, chung cư, không thể xem nhẹ. Hơn nữa, khi phần lớn điện năng ở Việt Nam vẫn đến từ các nhà máy nhiệt điện, thì việc chuyển đổi phương tiện nếu không đi kèm cải cách nguồn phát điện sẽ khó mang lại hiệu quả thực sự về môi trường.
Thực tế này khiến nhiều chuyên gia đề xuất phương án bổ sung. Ông Đồng dẫn chứng rằng ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Úc, người ta vẫn đang sử dụng giải pháp kỹ thuật giúp giảm khí thải ngay trên động cơ xăng với chi phí rất thấp, chỉ khoảng 12 USD cho mỗi xe. Điều đó đặt ra một hướng tiếp cận khác, tiết kiệm hơn và khả thi hơn trong ngắn hạn.

Ở góc độ quản lý đô thị, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc kiểm soát khí thải. Theo ông, các chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM và Hà Nội hiện đã vượt ngưỡng cho phép, đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng việc triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn là điều không thể, do cần nguồn lực lớn và phải thay đổi hạ tầng từng khu vực. Cách tiếp cận phân vùng như đề xuất của TP.HCM là phù hợp để vừa làm vừa đánh giá tác động thực tiễn.
Quan điểm này cũng được lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM đồng tình, với nhận định rằng kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới, như Trung Quốc và Đài Loan, có thể mang lại nhiều gợi ý thiết thực trong việc xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo ông Tính, hiệu quả của quá trình chuyển đổi sẽ phụ thuộc lớn vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba yếu tố: một lộ trình kiểm soát khí thải rõ ràng, hệ thống chính sách hỗ trợ sát thực và công tác truyền thông đủ mạnh để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp – Môi trường sắp ban hành quy chuẩn khí thải mới dành cho xe gắn máy, một bước đi có thể tạo ra chuyển biến mạnh mẽ nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi, TP.HCM và các nhóm nghiên cứu đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người sử dụng và doanh nghiệp. Thành phố cam kết hỗ trợ lãi suất cho các dự án sản xuất và kinh doanh xe điện, đồng thời áp dụng bộ tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để khuyến khích đầu tư xanh. Các tài xế công nghệ sẽ được tiếp cận với sản phẩm tín dụng riêng biệt, được bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ pháp lý để xử lý nợ xấu nhanh chóng.
Không chỉ tập trung vào người mua, thành phố còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xe máy điện, đầu tư trạm dừng nghỉ kết hợp trạm sạc, hỗ trợ hoạt động thu mua, tái chế và loại bỏ xe máy xăng cũ ra khỏi lưu thông.
Một kiến nghị đáng chú ý khác là miễn thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký và cấp biển số lần đầu cho xe máy điện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ ngày 1.1.2026. Đồng thời, tài xế sử dụng xe máy điện để cung cấp dịch vụ sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng trên mỗi chuyến xe, giúp giảm chi phí vận hành và tăng tính hấp dẫn cho việc chuyển đổi.
Lộ trình chuyển đổi được chia thành 4 giai đoạn với những mốc thời gian rõ ràng và mức độ tăng dần. Mục tiêu là đến cuối năm 2025, khoảng 30% số xe của lực lượng shipper và tài xế công nghệ tương đương 120.000 xe sẽ được thay thế bằng xe điện. Con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2026, đạt 80% vào năm 2027 và hoàn thành chuyển đổi toàn phần vào cuối năm 2029. Việc chia nhỏ tiến độ như vậy không chỉ giúp giảm áp lực về tài chính mà còn tạo thời gian cho các bên liên quan chuẩn bị về hạ tầng, kỹ thuật và hành chính.
Dự án chuyển đổi phương tiện xanh của TP.HCM là bước đi cần thiết trong bối cảnh áp lực môi trường ngày càng gia tăng. Với lộ trình cụ thể, chính sách hỗ trợ đa tầng và sự đồng hành từ các cơ quan nghiên cứu, kế hoạch này hoàn toàn khả thi với điều kiện là các bài toán về hạ tầng điện, nguồn vốn và truyền thông chính sách được giải quyết đồng bộ. Đây không chỉ là bài toán công nghệ mà còn là bài toán xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân.
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Ftp-hcm-va-bai-toan-chuyen-doi-phuong-tien-xanh-khong-chi-la-chuyen-thay-xe-234965.html