Trao đổi với Tạp chí Kinh tế – Tài chính, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam nhấn mạnh, trong phòng, chống kinh doanh hàng giả, vai trò của sàn là đơn vị hỗ trợ, cung cấp thông tin đầu vào cho quá trình kiểm tra và điều tra. Để ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả qua sàn TMĐT, cần kiểm soát chặt chẽ các giao dịch trên sàn bằng công nghệ.
![]() |
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. |
Thưa ông, hiện nay kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại khá công khai trên các sàn TMĐT. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Đây là vấn đề không mới nhưng ngày càng diễn biến phức tạp và có nhiều nguyên nhân đan xen. Trước hết, nguyên nhân xuất phát từ chính các nhà sản xuất. Không ít doanh nghiệp đã tham gia sản xuất các sản phẩm giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh để dễ dàng len lỏi vào thị trường.
Bên cạnh nguồn hàng trong nước, rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài vào. Trong đó không ít là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất nhái các thương hiệu nổi tiếng đang có trên thị trường, có khả năng cạnh tranh không lành mạnh.
Các sản phẩm này không chỉ xuất hiện ở một vài địa phương, mà đã có mặt rộng khắp, đặc biệt là ở các thành phố lớn – nơi có mật độ tiêu dùng cao.
Do đó, công tác kiểm soát của chúng ta cần phải có sự chấn chỉnh để đảm bảo các hàng hóa này không hiện diện ở tất cả mọi nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Bởi, khi đã hiện diện, các sản phẩm giả sẽ được phân phối ra thị trường qua các chợ truyền thống, các cửa hàng và phân phối qua nền tảng TMĐT là rất phổ biến.
Điều đáng lo ngại là trong nhiều trường hợp cả người bán và người tiêu dùng nhiều khi đều không thể nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Trên thực tế đã có tình huống có những sản phẩm nhái tinh vi đến mức sản phẩm giả giống gần như hoàn toàn sản phẩm thật, phải trưng cầu giám định cơ quan giám định chuyên môn mới xác định được.
Tuy nhiên, có thực tế là dù biết sản phẩm là hàng giả, nhưng người tiêu dùng vẫn dễ dàng chấp nhận. Và cũng có những người mua nhầm do thiếu thông tin, thiếu kỹ năng phân biệt. Thậm chí, dù biết là hàng giả, hàng nhái song người bán vẫn phân phối tới người tiêu dùng.
Như vậy, có thể nói, cả nhận thức của người tiêu dùng, của doanh nghiệp cũng như nhận thức của hệ thống phân phối cần phải được nâng cao. Song song với đó, cần siết chặt việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên các sàn TMĐT để đảm bảo việc kinh doanh trên hệ thống TMĐT văn minh hơn.
Nếu coi sàn TMĐT là một cái chợ, theo ông có nên có cơ chế để sàn phải có cam kết, có cơ chế để phối hợp siết chặt quản lý tình trạng chào bán hàng giả, hàng kém chất lượng?
Sàn TMĐT là một cái chợ hiện đại hơn so với chợ truyền thống. Do đó, ngay từ khi một cá nhân hay tổ chức bước vào đăng ký bán hàng trên sàn, họ đã phải ký hợp đồng cam kết về việc không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy, việc kiểm soát người bán tuân thủ những cam kết đó cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những người khi đăng ký cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ, bán hàng thật trong một thời gian, nhưng sau đó lại xen lẫn hàng giả vào quá trình kinh doanh. Điều này khiến việc kiểm soát trở nên phức tạp.
Tuy vậy, so với chợ truyền thống, sàn TMĐT vẫn có ưu thế trong việc quản lý người bán.
![]() |
Việc định danh người bán trên sàn TMĐT thuận lợi hơn nhiều so với chợ truyền thống. Ảnh: Thu Hiền. |
Việc định danh người bán trên sàn TMĐT thuận lợi hơn nhiều so với chợ truyền thống và cửa hàng ở ngoài đời thường, vì mỗi giao dịch đều có thông tin định danh cụ thể, chúng ta biết chính xác người bán là ai và có thể truy cứu trách nhiệm.
Bằng chứng là trong thời gian qua, thông qua TMĐT, chúng ta đã tìm ra rất nhiều người bán kinh doanh hàng giả và đã truy cứu trách nhiệm. Điều đó cho thấy rằng, việc giám sát và xử lý vi phạm là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, môi trường kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái rộng lớn, có sự thay đổi liên tục và diễn ra với tốc độ rất nhanh. Chính vì vậy, việc kiểm soát toàn bộ quy trình, từ lúc đăng sản phẩm, tiếp thị cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng là một thách thức không nhỏ đối với các sàn.
Chính vì vậy, việc xác định trách nhiệm liên đới của sàn TMĐT trong mỗi trường hợp vi phạm là một vấn đề không đơn giản. Có những tình huống mà chính người bán cũng không biết sản phẩm mình đang bán là hàng giả – điều này càng khiến việc kiểm soát từ phía sàn trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, theo ông, các sàn TMĐT cần có sự quản lý và kết nối như thế nào đối với các cơ quan quản lý?
Về nguyên tắc, trách nhiệm của sàn TMĐT cũng tương tự như trách nhiệm của Ban quản lý chợ trong mô hình truyền thống.
Họ là đơn vị trung gian, quản lý không gian giao thương và có nghĩa vụ theo dõi, cảnh báo các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là những nghi vấn liên quan đến hàng giả. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, sàn phải nhanh chóng chuyển thông tin tới cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Điều cần nhấn mạnh là, chỉ các cơ quan quản lý thị trường mới có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực này và chỉ cơ quan công an mới có quyền tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng mang yếu tố hình sự.
Do đó, vai trò của sàn TMĐT ở đây là đơn vị hỗ trợ, cung cấp thông tin đầu vào cho quá trình kiểm tra và điều tra.
Để thực hiện tốt vai trò đó, các sàn cần đầu tư vào hệ thống công nghệ giám sát thông minh để phát hiện hành vi bất thường trong các giao dịch. Những cảnh báo tự động này có thể trở thành nguồn dữ liệu đầu mối quan trọng để chuyển đến các cơ quan chức năng.
![]() |
Kiểm soát giao dịch bằng công nghệ để phát hiện hàng giả trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thu Hiền. |
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng các cơ quan quản lý hiện nay cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
Quy định hiện hành chỉ cho phép kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tối đa một lần mỗi năm đối với một doanh nghiệp, việc thanh – kiểm tra thường xuyên là không khả thi. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu đáng ngờ, cơ quan chức năng mới có thể can thiệp bằng biện pháp kiểm tra đột xuất.
Vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời và chủ động từ phía các sàn TMĐT thông qua việc phát hiện sớm, thu thập và cung cấp bằng chứng sẽ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm trong thương mại số.
Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp?
Theo tôi, vấn đề then chốt đầu tiên cần thực hiện là định danh đầy đủ người bán và nhà sản xuất. Chỉ khi xác định rõ danh tính, địa chỉ và tư cách pháp lý của chủ thể cung ứng hàng hóa, chúng ta mới có thể quy kết trách nhiệm khi có hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Tiếp theo là kiểm soát chặt chẽ các giao dịch trên sàn TMĐT. Hiện nay, các sàn đều có dữ liệu về giao dịch và hành vi của người bán. Dựa trên những dữ liệu này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khoanh vùng và xác định những giao dịch có dấu hiệu liên quan đến hàng giả.
Trong nhiều trường hợp, người bán có thể trà trộn giữa hàng thật và hàng giả trong cùng một quá trình kinh doanh. Do đó, việc theo dõi các đơn hàng cụ thể, kết hợp với định danh, sẽ giúp làm rõ trách nhiệm cá nhân trong mỗi vụ việc.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, môi trường kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái rộng lớn, có sự thay đổi liên tục và diễn ra với tốc độ rất nhanh. Chính vì vậy, việc kiểm soát toàn bộ quy trình, từ lúc đăng sản phẩm, tiếp thị cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng là một thách thức không nhỏ đối với các sàn. |
![]() |
Một trụ cột quan trọng khác là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực tế cho thấy, hiện nay cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam đều chưa có thói quen và nhận thức đầy đủ về truy xuất nguồn gốc.
Nhiều người tiêu dùng chỉ bắt đầu quan tâm đến xuất xứ sản phẩm khi quyền lợi bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cần phải chú ý là hàng giả cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp. Việc truy xuất nguồn gốc không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là lá chắn quan trọng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi, hàng giả cạnh tranh không lành mạnh với hàng thật, gây thiệt hại lớn về thương hiệu và doanh thu cho các nhà sản xuất nghiêm túc.
Tiếp đó là công tác hậu kiểm, và ở đây, cần phân tầng rõ ràng. Bởi, các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả có tính chất và mức độ khác nhau nên việc xử lý – từ phạt hành chính đến xử lý hình sự – cũng phải được thiết kế tương ứng. Tương tự như vậy, liên quan đến hậu kiểm cũng phải có nhiều mức khác nhau.
Ví dụ, khi một người bán đạt đến một ngưỡng doanh thu nhất định hoặc có hoạt động gia tăng đột biến, cơ quan quản lý cần chủ động tiến hành hậu kiểm.
Mặc dù vậy, việc hậu kiểm cũng cần được thực hiện có giới hạn, tránh lạm dụng thanh – kiểm tra gây cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Phải có tiêu chí, ngưỡng cụ thể để xác định khi nào cần kiểm tra, và đối với những doanh nghiệp đã qua hai lần kiểm tra mà không phát hiện vi phạm, thì cần tạo điều kiện để họ tiếp tục kinh doanh ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, thay vì liên tục gây áp lực kiểm tra.
Cuối cùng, nâng cao nhận thức xã hội là yếu tố không thể thiếu. Cần có chiến lược truyền thông, giáo dục và tuyên truyền mạnh mẽ nhằm giúp cả người dân lẫn doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa chính hãng, có thương hiệu, có truy xuất rõ ràng.
Khi ý thức được nâng lên, xã hội sẽ có khả năng tự sàng lọc và loại bỏ các hành vi gian dối, từ đó hướng tới một môi trường TMĐT lành mạnh, công bằng và bền vững hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
https%3A%2F%2Fhaiquanonline.com.vn%2Fbai-6-kiem-soat-giao-dich-bang-cong-nghe-de-phat-hien-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-197346.html