Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng khẳng định vai trò là công cụ đắc lực, mang lại tiềm năng to lớn cho sự phát triển của báo chí. Từ tự động hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu độc giả đến cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, AI hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong cách thông tin được tạo ra và tiếp cận công chúng.
Đối với báo chí Việt Nam hiện nay, việc tận dụng sức mạnh của AI không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp chiến lược để bắt nhịp với thời đại, nâng cao chất lượng thông tin và phục vụ công chúng hiệu quả hơn.

Trên thực tế, công nghệ, AI đã được nhiều tòa soạn sử dụng như một trong những nền tảng hỗ trợ. Nhiều đơn vị ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất tác phẩm báo chí, chẳng hạn sử dụng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video và podcast, áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh và tự động giới thiệu tin tức cho độc giả dựa trên hành vi người dùng… Đây là chuyển biến trong hoạt động của báo chí từng bước chủ động, linh hoạt, thay đổi cách tiếp cận, đem lại hiệu quả mới.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI một mặt giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả truyền thông, mặt khác cũng đặt ra hàng loạt thách thức không hề nhỏ.
Tại hội thảo khoa học quốc tế Báo chí – truyền thông trong bối cảnh AI phát triển sáng 23/5, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực báo chí truyền thông đã cùng thảo luận, làm rõ cơ hội, thách thức mới và những giải pháp cấp thiết để định hình tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số.
Theo Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa, phương thức sản xuất và truyền tải thông tin đang thay đổi một cách căn bản, từ đó đặt ra những thách thức mới đối với vai trò của người làm báo cũng như các chuẩn mực đạo đức trong nghề báo.
“Giữa cơn lũ thông tin trong thời đại AI, tính chính xác, độ tin cậy và tính công cộng của thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu AI không được sử dụng theo những nguyên tắc đạo đức, độ tin cậy của thông tin có thể bị suy giảm và sự chia rẽ trong xã hội có thể trở nên trầm trọng hơn”, ông Lee Byung Hwa cảnh báo.
Mục tiêu lý tưởng đặt ra trong bối cảnh hiện nay là AI phải phục vụ đắc lực cho mục tiêu xây dựng nền báo chí – truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Chỉ ra như vậy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS Phạm Minh Sơn thẳng thắn nhìn nhận việc sử dụng công cụ này cũng cần lường trước nguy cơ như suy giảm chất lượng thông tin do phụ thuộc vào AI, vấn đề thất nghiệp của người làm báo, nguy cơ AI bị lạm dụng cho mục đích xấu…
Có thể ví AI như “làn gió mới” mang lại nhiều tiềm năng nhưng nếu không được làm chủ tốt, có thể làm lung lay nền tảng đạo đức và nhân văn của báo chí.
Để chuyển hóa những lợi ích của AI thành đòn bẩy cho sự phát triển báo chí truyền thông bền vững, cần thiết tìm ra con đường cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, để báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của thời đại mà còn giữ vững vai trò định hướng dư luận và phản ánh chân thực giá trị xã hội.
Từ thực tế nghiên cứu hoạt động báo chí, Viện trưởng Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng cho rằng, ứng dụng AI trong hoạt động báo chí cần bảo đảm đặt yếu tố chính xác, minh bạch và nhân văn lên hàng đầu. Cùng với việc đầu tư nguồn nhân lực, cải tiến hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn, hoàn thiện khung pháp lý về báo chí sử dụng AI là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm phát triển công nghệ đi đôi với kiểm soát rủi ro.
Theo PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng, cần xây dựng các quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do AI tạo ra, cơ chế kiểm soát và xác thực thông tin, cũng như nghĩa vụ minh bạch trong việc công bố nguồn gốc nội dung báo chí có sự tham gia của AI. Đồng thời, quy định cụ thể về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí ứng dụng AI một cách hiệu quả, đạo đức và bền vững; đồng thời bảo vệ quyền lợi của công chúng và giữ vững vai trò định hướng dư luận của báo chí”, PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng đề xuất.
https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Flam-the-nao-de-bao-chi-kiem-soat-duoc-rui-ro-su-dung-tri-tue-nhan-tao-hieu-qua-10373648.html