“Mẹ tôi là giáo viên tiểu học 30 năm, mẹ đã biết cách dùng ChatGPT để tạo dữ liệu minh họa cho các slide thêm sinh động”, ông Nguyễn Đặng Sơn Lam, chuyên gia khoa học dữ liệu của VNPT AI chia sẻ tại sự kiện giao lưu phát động Nhân tài Đất Việt 2025.
Dẫn câu chuyện về người mẹ của mình, ông Lam nhấn mạnh quá trình học tập không bao giờ được dừng lại và các bạn trẻ cần phải thích nghi với công nghệ mới.
Đứng trước những cơ hội và thách thức mà làn sóng AI mang lại cho thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nơi đang chứng kiến hàng loạt đợt sa thải của các hãng công nghệ lớn, không ít sinh viên tỏ ra hoang mang về cơ hội nghề nghiệp phía trước.
Thấu hiểu những lo lắng của thế hệ trẻ, các chuyên gia và nhà khoa học có mặt tại diễn đàn đã dành nhiều thời gian trao đổi, phân tích các mặt tích cực lẫn tiêu cực của AI từ góc độ lý thuyết lẫn thực hành và hướng dẫn cách tiếp cận phù hợp từ kinh nghiệm thực tiễn.

Theo đó, nhờ khả năng tổng hợp nhanh chóng từ kho dữ liệu Internet vô tận, sử dụng AI tạo ra một “cú huých” trong công việc của mỗi người, giải phóng thời gian, dành sức những gì mình giỏi nhất để nâng cao giá trị. AI mang đến cơ hội cho người làm chuyên môn cao, chẳng hạn, chuyên gia phân tích tài chính không cần phải tổng hợp báo cáo mà chỉ cần phân tích, tìm ra thông tin hữu ích; bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm và đánh giá sơ bộ mà AI cung cấp để ra quyết định, lên phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Sơn Lam, để đến với cơ hội mà AI mang lại, phải vượt qua được những thách thức của nó. Ông chỉ ra nguy hiểm nhất chính là lạm dụng AI, làm mất giá trị bản thân. Khi đứng lớp tại một trường đại học gần đây, ông nhận thấy một vấn đề khá phổ biến, đó là mọi người chỉ trình bày kết quả mà công cụ AI, ở đây là ChatGPT, đưa ra nhưng không biết nó dựa trên cơ sở, dữ liệu nào.
“Dùng AI đưa ra ý tưởng về bề nổi rất hữu ích, song nếu không hiểu bản chất, hiểu những gì đang làm, giá trị bản thân sẽ bị làm mờ trong thời đại số”, ông nhắn nhủ.
Đồng thời, ông cũng đặt ra câu hỏi: Sử dụng AI để tăng năng suất, tăng hiệu quả làm việc, thời gian tiết kiệm được để học cái mới hay chỉ giải trí và bị bỏ lại phía sau?
“Đừng quá tin vào những gì đọc được trên ChatGPT”
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó TGĐ Công ty VNPT Media, chia sẻ các doanh nghiệp đều đang “khát” nhân lực AI chất lượng cao. Các vị trí công việc đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hình ảnh, giọng nói, phân tích dữ liệu. Đặc biệt, còn rất thiếu nhân sự vận hành, Dev-Ops. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa ai cũng là người được chọn.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông chỉ ra ba kỹ năng mà người trẻ đặc biệt cần lưu ý phát triển ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường: kỹ năng công nghệ bắt buộc phải có, bao gồm lập trình, thuật toán; tư duy chủ động trong tìm hiểu sâu và giải quyết vấn đề; tư duy phản biện vì nếu phụ thuộc vào AI rất nguy hiểm cho cả bản thân lẫn tổ chức.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, cho rằng ai cũng có quyền mơ ước tạo ra sản phẩm giá trị. Nhưng trước hết, phải trau dồi kỹ năng cơ bản và trên cơ sở đó tư duy sáng tạo, tìm những bài toán mới để giải quyết. Nghề nào cũng vậy, nếu muốn đi dài, phải nắm chắc những kiến thức nền tảng. Với công nghệ thông tin, đó chính là toán học, xác suất, giải tích, hình học, logic, toán tổ hợp và đặc biệt là khoa học dữ liệu.
“Đừng quá tin vào những gì đọc được trên ChatGPT” là lời khuyên của chuyên gia Sơn Lam. Để việc phát triển trí tuệ không bị ảnh hưởng bởi các công cụ AI, cần tư duy phản biện, nhìn vào kết quả và đánh giá đúng, sai. Ông kêu gọi dùng thời gian AI tiết kiệm được để học thêm kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mềm, liên ngành để nâng cao giá trị và tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân.
Để thích ứng nhanh với công nghệ mới, phải có sự tò mò và dám thử nghiệm. Bên cạnh đó, một môi trường đủ lớn để trau dồi kinh nghiệm, phát triển năng lực cũng là yếu tố không thể thiếu.
https%3A%2F%2Fvietnamnet.vn%2Fme-toi-giao-vien-tieu-hoc-30-nam-con-biet-ung-dung-chatgpt-2403723.html