27.8 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025

Mở đường xuất khẩu nhân lực thương mại điện tử ra quốc tế

Must read

Thay vì “đưa người học đi xa”, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ Khoa học Việt Nam (VISTEC) mang công nghệ về địa phương, thiết kế chương trình sát nhu cầu thực tiễn, chuẩn hóa kỹ năng số và thúc đẩy mô hình đào tạo “gắn với doanh nghiệp, hội nhập quốc tế”. Phóng viên Tạp chí Kinh tế – Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Steve Bùi, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt – Trung (VCBC) cơ quan chủ quản của VISTEC xoay quanh chủ đề này.

Mở đường xuất khẩu nhân lực thương mại điện tử ra quốc tế
Ông Steve Bùi, Chủ tịch VCBC

Ông đánh giá thế nào về vai trò của VISTEC trong việc giải quyết bài toán “nút thắt” nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và logistic tại Việt Nam?

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số, trong đó TMĐT và logistics là hai trụ cột quan trọng. Trung Quốc không chỉ là quốc gia láng giềng có mối quan hệ 75 năm với Việt Nam, mà còn là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất. Thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã cán mốc kỷ lục mới 205 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Việt Nam nhập khẩu 144 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những “nút thắt” lớn nhất là thiếu hụt đội ngũ nhân lực chất lượng cao – không chỉ thiếu về số lượng mà còn chưa đủ khả năng làm việc trong môi trường công nghệ tích hợp và am hiểu đặc thù và ngôn ngữ của các quốc gia trong khu vực.

VISTEC ra đời với sứ mệnh làm cầu nối giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Chúng tôi không chỉ đơn thuần kết nối các đơn vị đào tạo giữa hai nước Việt – Trung, mà còn tư vấn thiết kế các chương trình chuyên biệt, sát với nhu cầu từng ngành và từng đối tác.

Đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT và logistics – vốn thay đổi nhanh và chịu ảnh hưởng mạnh từ công nghệ, VISTEC tập trung vào việc chuẩn hóa kỹ năng công nghệ số, khả năng vận hành hệ thống chuỗi cung ứng thông minh và tư duy đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình hợp tác với các đối tác Việt Nam và Trung Quốc, VISTEC dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn đối tác đào tạo và chuyển giao công nghệ?

Chúng tôi ưu tiên những đối tác có năng lực thực chứng. Tức là đã có lịch sử hình thành phát triển và kết quả cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo hoặc ứng dụng công nghệ, và quan trọng hơn, sẵn sàng đồng hành lâu dài trong quá trình nội địa hóa công nghệ tại Việt Nam.

Ngoài ra, một tiêu chí không thể thiếu là khả năng “song ngữ”, không chỉ có ngoại ngữ của quốc gia tyr dân, mà còn là vừa hiểu được ngôn ngữ công nghệ, vừa hiểu được ngôn ngữ thị trường. Đó có thể là một trường đại học có nền tảng nghiên cứu mạnh, một doanh nghiệp sở hữu công nghệ lõi, hoặc một tổ chức đào tạo có phương pháp linh hoạt, hiện đại.

Chúng tôi cũng đánh giá cao các đối tác Trung Quốc và khu vực có cam kết cùng đầu tư vào con người Việt Nam, không chỉ chuyển giao, mà còn trao quyền và đồng sáng tạo.

Trong các hoạt động hợp tác vừa qua, cụ thể là với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ mang lại những bước chuyển nào trong đào tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn TMĐT Việt Nam?

Hợp tác giữa VISTEC và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên là một mô hình liên kết địa phương tiêu biểu, hướng đến việc nâng cao năng lực thực hành công nghệ ngay tại các vùng kinh tế đang phát triển nhanh như Trung du và miền núi phía Bắc.

Trước đó, VCBC cũng đã hỗ trợ trường tối ưu hoá cơ sở vật chất phòng livestream, để các em sinh viên Đại học Thái Nguyên được học đi đôi với hành chuyên ngành TMĐT hiệu quả.

Chúng tôi kỳ vọng mô hình mới này sẽ mở ra một hướng đi mới, thay vì “đưa nhân lực ra thành phố học công nghệ”, thì sẽ “đưa công nghệ về địa phương, gắn với thực tiễn doanh nghiệp tại chỗ”.

Cụ thể, các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục tích hợp thực tập tại doanh nghiệp TMĐT và đơn vị logistics, ứng dụng công nghệ AI, quản trị dữ liệu và chuỗi cung ứng thông minh vào giảng dạy ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Về lâu dài, điều này sẽ tạo ra một thế hệ nhân lực “vừa giỏi chuyên môn, vừa hiểu địa phương, vừa sẵn sàng hội nhập quốc tế”.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực. VISTEC có định hướng gì để ươm mầm đội ngũ nhân lực có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu?

Định hướng của VISTEC là xây dựng một “vườn ươm nhân lực” chất lượng cao với ba trụ cột: (1) đào tạo sát với nhu cầu công nghệ thực tế, (2) kết nối trực tiếp với doanh nghiệp toàn cầu và (3) hỗ trợ phát triển kỹ năng mềm và tư duy toàn cầu cho học viên.

Chúng tôi không chỉ hướng đến việc đào tạo “kỹ sư công nghệ”, mà là đào tạo những “công dân số toàn cầu”, có khả năng sử dụng đa ngôn ngữ, thích ứng với sự biến đổi nhanh của thị trường, làm việc xuyên văn hóa và vận hành công nghệ tiên tiến một cách hiệu quả.

Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế uy tín, đặc biệt từ Trung Quốc, VISTEC đang mở ra các chương trình trao đổi thực tập, đào tạo song bằng và chứng chỉ quốc tế, giúp học viên tự tin bước vào thị trường khu vực và toàn cầu.

Mở đường xuất khẩu nhân lực thương mại điện tử ra quốc tế
Mô hình nghiên cứu – đầu tư – ứng dụng kỳ vọng tạo ra một thế hệ nhân lực “vừa giỏi chuyên môn, vừa hiểu địa phương, vừa sẵn sàng hội nhập quốc tế”.

Để VISTEC thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa nghiên cứu – đầu tư – ứng dụng thực tiễn, ông cho rằng cần thêm những điều kiện gì từ phía cơ quan quản lý nhà nước hoặc chính sách quốc gia?

Trước hết, tôi cho rằng, đây là thời điểm vàng để hành động. Việt Nam vừa hoàn tất quá trình sáp nhập, điều chỉnh và kiện toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả và thông suốt.

Bối cảnh trên đang tạo điều kiện lý tưởng để đón nhận các đối tác chiến lược trong lĩnh vực khoa học – công nghệ – những người không chỉ mang đến công nghệ, mà còn dẫn dắt được dòng đầu tư đổi mới sáng tạo gắn liền với nhu cầu phát triển thực tiễn.

Mới đây, ngày 27/6, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chính thức được Quốc hội thông qua, và có hiệu lực từ ngày 1/10/2025. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình thể chế hóa Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, cùng với các Nghị quyết lớn của Đảng như Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học – công nghệ; Nghị quyết số 66 về kinh tế tri thức và Nghị quyết số 68 về cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học – công nghệ.

Có thể nói, hệ sinh thái chính sách đang dần được hoàn thiện để hỗ trợ những trung tâm trung gian như VISTEC phát huy hiệu quả rõ rệt.

VCBC cam kết đồng hành sớm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và trường đào tạo nhân lực của cả hai quốc gia – Việt Nam và Trung Quốc để cùng kiến tạo nên một làn sóng nhân lực trẻ, có trình độ quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Với sự hỗ trợ về mặt chính sách, mô hình liên kết công – tư viện – trường mà VISTEC khởi xướng sẽ được triển khai linh hoạt hơn, đặc biệt trong các ngành công nghệ mới nổi như lập trình phần mềm tự động lái cho xe ô tô điện hay drone/UAV.



https%3A%2F%2Fhaiquanonline.com.vn%2Fmo-duong-xuat-khau-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-ra-quoc-te-197495.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article