Việt Nam đứng thứ sáu toàn cầu về mức độ cởi mở với AI, nhưng tần suất sử dụng thực tế ở mức thấp, theo WIN World AI Index.
Theo bảng Chỉ số AI thế giới, do Mạng lưới Nghiên cứu thị trường độc lập toàn cầu WIN công bố hôm 16/7, Việt Nam đạt tổng điểm 59,2 trên thang 100, vượt nhiều nước phát triển và đứng thứ sáu trong 40 thị trường được khảo sát, thể hiện sự sẵn sàng đón nhận và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên AI.
Chỉ số trên là kết quả từ 7 chỉ số thành phần, gồm: mức độ chấp nhận, tin tưởng, hiệu quả, quan tâm, sự thoải mái, khả năng sử dụng và mức độ sử dụng AI. Tại Việt Nam, khảo sát được thực hiện với 900 người tại bốn thành phố chính, từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.

Chỉ số về AI tại Việt Nam. Ảnh: WIN
Theo đó, Việt Nam nằm trong top 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm) và top 3 về mức độ tin tưởng (65,6 điểm). Các chỉ số khác như sự quan tâm, cảm giác thoải mái hay nhận thức về tính hữu ích của AI đều cao hơn trung bình thế giới.
Tuy nhiên, ở chỉ số quan trọng nhất phản ánh việc áp dụng công nghệ là mức độ sử dụng AI, Việt Nam đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trên 40 thị trường. Trong số 900 người được khảo sát, 60% nói từng ít nhất một lần trải nghiệm AI, nhưng chỉ 3% đang sử dụng hàng ngày.
Theo chuyên gia của WIN, sự chênh lệch giữa niềm tin và hành vi sử dụng thể hiện khoảng cách giữa nhận thức công nghệ và khả năng tiếp cận thực tế. Dữ liệu chỉ ra việc sử dụng AI tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở giới trẻ, nhất là nhóm 18-34 tuổi sống tại Hà Nội và TP HCM. Ví dụ trong nhóm 18-24 tuổi, có 89% người ở Hà Nội và 87% ở TP HCM cho biết từng sử dụng AI một cách chủ động, tức trung bình cứ 10 người thì có 9 người dùng AI.

Một người truy cập website để sử dụng công cụ AI trên máy tính. Ảnh: Nhựt Nam
“Đây là xu hướng toàn cầu: Càng trẻ, mức độ sử dụng AI càng cao”, ông Xavier Depouilly, Tổng giám đốc Indochina Research Vietnam – đơn vị thực hiện khảo sát tại Việt Nam, cho biết. Theo ông, dù tần suất sử dụng thấp hơn một số nước trong khu vực, thế hệ trẻ Việt Nam đang sẵn sàng đón nhận công nghệ mới. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước.
“Thậm chí, nhiều sáng kiến tại Việt Nam đang giúp người dùng ‘nhảy cóc công nghệ’, dễ dàng bỏ qua công nghệ cũ để nhanh chóng tiếp cận những ứng dụng AI hiện đại”, ông đánh giá.
Ngoài vấn đề tiếp cận, người Việt cũng thể hiện sự lo ngại khi AI ngày càng phổ biến. Lo lắng lớn nhất liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu, với 52% người được khảo sát tỏ ra quan ngại về cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Tiếp theo là nguy cơ AI thay thế con người trong công việc (48%). Ngoài ra, họ cũng lo thông tin sai lệch, như deepfake hay thao túng dư luận.
Theo các chuyên gia, để biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, Việt Nam cần đẩy mạnh phổ cập AI ra ngoài các đô thị trung tâm, đặc biệt với nhóm dân số lớn tuổi.
Trước đó, Báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2025 được Microsoft công bố giữa tháng 6 cũng đánh giá các nước châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, sẽ sớm đón đầu làn sóng tác nhân AI, từ đó có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong thập kỷ tới.
Theo khảo sát của Microsoft, 95% nhà lãnh đạo trong nước kỳ vọng có thể sử dụng lao động kỹ thuật số để mở rộng lực lượng lao động của mình trong vòng 12-18 tháng tới, trong khi chỉ số này trên toàn cầu là 82%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh công nghệ chỉ thực sự tạo ra giá trị khi con người sẵn sàng đón nhận và đồng hành cùng nó.
“Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo không chỉ phải đầu tư vào công nghệ, mà còn cần ưu tiên phát triển tư duy số, kỹ năng số cho đội ngũ, và thúc đẩy sự cộng tác hiệu quả giữa con người và tác nhân AI”, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, nhận định.
Lưu Quý
https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fnguoi-viet-coi-mo-voi-ai-nhung-it-su-dung-4916992.html