(QBĐT) – Là kỹ sư chính phụ trách an toàn bay với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng hàng đêm, Lê Minh Văn vẫn cầm từng cái bánh lọc Quang Phú đi mời khách dạo và “síp” bánh. Điều gì đã thôi thúc Văn làm những việc không tưởng như vậy?
Gọi Văn “síp” 100 cái bánh lọc, tầm 15 phút sau Văn xuất hiện. Vẫn bộ dạng quần sọc, mũ lưỡi trai, chạy con xe máy màu xanh đậm.
Dù khá bận rộn nhưng lúc nào cậu cũng điềm tĩnh, từ tốn, không chút vội vã. Và luôn hồ hởi, say sưa khi nói về bánh lọc. Văn bảo, dịp lễ khách đông lắm, em bị “trôi” mất mấy đơn hàng cả nghìn cái. Nhiều đoàn khách theo lời quảng bá tìm đến tận nhà xem làm bánh rồi mua.
Tôi tình cờ gặp Văn cũng từ những cái bánh lọc, bánh nậm bé nhỏ trong một lần làm thực khách. Quen rồi nghe Văn tâm sự, mới vỡ ra nhiều điều từ nhiệt huyết của chàng trai xứ biển.
Khởi đầu từ một gói bánh
Văn sinh ra và lớn lên tại làng biển Quang Phú (TP. Đồng Hới), vùng đất nổi tiếng với bãi biển xanh, cát trắng và những món đặc sản dân dã xứ biển Quảng Bình.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, anh làm việc trong một công ty phần mềm tại TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2013 thì chuyển sang lĩnh vực hàng không và làm việc tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
![]()
|
Năm 2018, anh lập gia đình, chuyển đến TP. Buôn Ma Thuột sinh sống và làm việc tại đó. Sau nhiều thay đổi do dịch Covid-19, năm 2022, anh quyết định trở về Quảng Bình khi công ty đang thiếu vị trí tại Sân bay Đồng Hới, như một cơ duyên đưa anh về lại quê hương, trở lại với đất mẹ, với biển và những gì thân thuộc nhất.
Công việc và thu nhập ổn định, con số hàng chục triệu đồng lương mỗi tháng không có nhiều trên địa bàn, là niềm mơ ước của bao người. Tưởng chừng mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo ổn định, nhưng một ý tưởng bất ngờ nhen nhóm trong Văn: Bán bánh lọc.
“Tháng 6/2024, khi em cùng bạn chèo súp tắm biển thì 1 du khách ở miền Bắc thấy, xin chèo cùng. Sau đó vị du khách mời chúng em ăn, còn em lấy bánh lọc quê hương mời lại. Vị khách ăn thấy ngon quá, liền đặt mua một ít mang về làm quà. Em chợt nghĩ, tại sao mình không thử sức với món này, vừa để giữ nghề truyền thống của bà con, vừa giới thiệu hương vị thơm ngon đậm đà của quê hương đến các thực khách khắp mọi miền”, Văn chia sẻ. Ý tưởng khởi nghiệp đến tự nhiên như vậy, nhưng quá trình bắt tay vào lại không hề đơn giản. Nhất là khi Văn quyết định xây dựng thương hiệu “Bánh Lọc Quang Phú”-một thương hiệu đặc sản truyền thống, với quy trình làm bánh hoàn toàn thủ công theo đúng hương vị xưa.
Điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm là ở chất lượng nguyên liệu và sự chuẩn mực trong chế biến. Văn bật mí: “Bột lọc được nhồi tay rất kỹ từ bột sắn khô, bột tươi nên bánh có độ dẻo, mềm, thơm tự nhiên mà không bị bở khi hấp cách thủy. Nhân tôm đất tự nhiên, thịt, măng đều tươi mới mỗi ngày. Mình làm số lượng vừa phải, nhưng bảo đảm chuẩn từng chiếc bánh”.
Ngoài nhân tôm thịt truyền thống, cơ sở còn có bánh lọc nhân chay, bánh nhân măng theo khẩu vị riêng của khách hàng. Bánh được đóng gói, hút chân không kỹ càng để giữ được lâu, gửi đi tỉnh xa, làm quà biếu, thậm chí có thể xuất đi nước ngoài nếu khách có nhu cầu.
Đặc biệt, bánh lọc Quang Phú là một trong số ít cơ sở tại Quảng Bình cho phép khách hàng đến tham quan quy trình làm bánh tận nơi mà không cần báo trước.
Lan tỏa từ sự tử tế
Câu chuyện của Văn không chỉ dừng ở sản phẩm ngon, mà còn bắt nguồn từ cách anh tiếp cận khách hàng rất riêng, đầy chông gai nhưng mộc mạc. Hàng đêm, anh trực tiếp mang bánh đi các khu du lịch, hàng quán mời khách ăn miễn phí. Bánh chỉ để mời, không bán ngay, khách ăn thấy ngon thì đặt mua qua “card visit”.
![]()
|
Để làm được điều này, Văn tự mình vượt qua cái mác “kỹ sư máy bay”, sự dị nghị và bị hiểu nhầm bán hàng rong rồi chấp nhận thử thách khi bị từ chối, ghẻ lạnh đến từ du khách lẫn chủ các hàng quán. Không ít lần, người quen, bạn bè, thậm chí cả đồng nghiệp bắt gặp Văn xách thùng bánh đi mời từng bàn liền trêu chọc. Nhưng Văn vẫn mỉm cười, vẫn tự tin lấy bánh ra mời. Bởi giấc mơ vươn lên từ những đồi cát nghèo còn dang dở.
Trong một lần tình cờ, Văn mời một nhóm du khách 5 người đang ăn uống tại quán ven biển Quang Phú ăn thử bánh, dù lúc đó họ đã dùng bữa hải sản no nê. Một chị trong đoàn lịch sự từ chối. Nhưng khi nghe lời mời: “Dạ, em không bán rong. Em chỉ mời ăn thử miễn phí, thấy ngon thì sau này ủng hộ em ạ”, cả đoàn đồng ý ăn thử…
Văn kể: “Bất ngờ là trong đoàn khách ấy có chị Hạnh, một chuyên gia tổ chức sự kiện lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Họ không chỉ khen ngợi chất lượng bánh, mà ngay lập tức đặt 500 cái bánh lọc và 200 cái bánh nậm cho một chương trình sự kiện sắp diễn ra. Cảm động trước sự tử tế và sản phẩm chất lượng, chị còn tiếp tục đặt bánh để mang về khách sạn cho đoàn dùng thêm và quyết định chọn bánh lọc Quang Phú cho các sự kiện sau này”.
Mong ngày bánh lọc Quang Phú “cất cánh”
Mỗi ngày, Lê Minh Văn vẫn miệt mài tranh thủ ngoài giờ với công việc bán bánh lọc, nâng tầm thương hiệu bánh lọc Quang Phú. Nhờ sự lan tỏa tích cực, đến nay bánh lọc Quang Phú của Văn đã có mặt tại nhiều hàng quán, được phân phối tại hầu hết các khách sạn, resort, quán ăn lớn nhỏ. Nhiều tiếp viên và phi công cũng chọn bánh của Văn làm quà mang theo mỗi khi rời Quảng Bình. Hiện, Văn bán ra tầm 2.000-3.000 cái/ngày (mùa đông thấp hơn); giá mỗi cái từ 2.500-3.000 đồng tùy sỉ lẻ, cho lợi nhuận tầm 25-30%.
“Ban đầu chỉ là ý tưởng, giữ nghề nhưng thấy bà con ủng hộ, khách hàng khen, rồi có thêm những đơn hàng lớn… em biết mình đang đi đúng hướng”, Văn nói.
Bánh lọc Quang Phú đối với Văn, là một hành trình trái tim, đam mê và khát vọng vươn xa từ hương vị quê nhà. Bởi hình ảnh mẹ gói bánh lọc mỗi mùa mưa về, mùi thơm của lá chuối hấp trong gian bếp quê nghèo dường như đã ngấm vào ký ức của chàng trai làng biển. Không chỉ là một món ăn, đó còn là sự kết tinh của sự chỉn chu, lòng tự hào quê hương và khát vọng khởi nghiệp bền vững.
Hỏi Văn liệu có bị bánh lọc mê hoặc, làm xao nhãng công việc chính hay không thì anh khẳng định không bao giờ bởi an toàn bay là trên hết và có quy trình chặt chẽ, tàu bay là niềm đam mê bất tận.
Anh luôn hết mình với buồng máy bay và với những nồi bánh do chính tay người thân làm nên. Hai công việc tưởng như đối lập, nhưng ở anh, lại được kết nối bởi cùng một tinh thần: Chính xác, kiên trì, trách nhiệm và giàu đam mê, khát vọng khẳng định bản thân từ chính mảnh đất quê hương.
Cao Lãng
https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202505/nguoi-viet-giac-mo-toan-cau-hoa-banh-loc-quang-phu-2226279/