28.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025

Nhận diện những tác động của trí tuệ nhân tạo với báo chí Việt Nam

Must read

Tăng hiệu quả cho tòa soạn báo

Tại Báo Hải Dương, khoảng 2 năm nay có thêm một “nhân viên đặc biệt”, đó là AI. Khoảng 50% phóng viên, biên tập viên của tòa soạn đã nhanh chóng bắt tay hợp tác khá hiệu quả với “nhân viên đặc biệt” này.

Ông Nguyễn Quý Trọng, Tổng Biên tập Báo Hải Dương cho hay: “Chúng tôi đang ứng dụng AI vào các công việc như biến văn bản thành giọng nói, tăng trải nghiệm cho độc giả. AI giúp báo hiểu người đọc hơn, cập nhật thường xuyên lượng người xem, phân tích cụ thể thành phần, giới tính, khu vực…, từ đó sản xuất ra những nội dung phù hợp với nhu cầu bạn đọc. Thực tế đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. AI góp phần tăng lượng người đọc trên báo Hải Dương, đồng thời giúp các phóng viên, biên tập viên có nhiều thời gian hơn để sáng tạo nội dung”.

Tại Báo Thái Nguyên, cách đây hơn 2 năm, lãnh đạo quyết định triển khai ứng dụng AI. Tới nay, trong tổng số 74 nhân sự đã có khoảng 20 người khá thuần thục việc dùng công cụ AI để tạo bài, sửa ảnh, làm e-magazine, infographics…

Ông Chu Thế Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho biết, nhờ AI, tốc độ làm báo nhanh hơn, tốt hơn, nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Chẳng hạn, trước kia, họa sĩ cặm cụi ngồi vẽ mãi mới được một bức tranh minh họa, giờ sử dụng AI chỉ trong 1 phút xong ngay, và AI có thể đề xuất nhiều lựa chọn thú vị.

AI cũng giúp tòa soạn cải thiện cách làm, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Qua khảo sát bằng các công cụ AI, Báo Thái Nguyên đã chuyển từ hướng làm clip dài 5 – 10 phút sang clip ngắn chỉ 30 giây – 1,5 phút; định lượng được số ảnh nên có trong 1 bài e-magazine…

Đặc biệt, AI đem lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Thay vì phải trả 100.000 đồng cho 1 người đọc 1 tin, khi sử dụng AI chỉ mất vài triệu đồng/tháng mà số lượng tác phẩm đọc được có thể gấp 100 – 1.000 lần. Sau khi ứng dụng AI, lượng truy cập tăng gần 30% so với trước.

Tại Báo Nghệ An hiện giờ, ứng dụng AI đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. 50% phóng viên, biên tập viên thường xuyên sử dụng AI. Với sự hỗ trợ của AI, năng suất, chất lượng của tòa soạn không ngừng được cải thiện.

“Ứng dụng AI được chúng tôi quan tâm từ rất sớm, triển khai cũng rất quyết liệt. Từ 2 năm trước, chúng tôi đã tích hợp công nghệ đọc tự động vào CMS rồi. Vừa qua, chúng tôi ra mắt giao diện mới, còn ứng dụng AI sâu hơn. 100% đội ngũ làm báo điện tử tăng hiệu quả tác nghiệp trên CMS hàng ngày nhờ AI”, ông Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho hay.

“Muốn trở thành một tờ báo bắt nhịp với dòng chảy chuyển đổi số thì có 2 ứng dụng không thể bỏ qua, đó là AI và dữ liệu lớn (big data). Các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài cuộc, không chần chừ được nữa. Ứng dụng AI chính là “đường cao tốc” của sự phát triển báo chí”, ông Kiên nhấn mạnh.

Những điều kiện cần và đủ

Theo bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Công ty Sáng kiến truyền thông và phát triển, để các tòa soạn có thể triển khai hiệu quả hoạt động sáng tạo báo chí trong kỷ nguyên AI, cần phải đảm bảo một số điều kiện cần và đủ như hạ tầng công nghệ hiện đại, các phần mềm và công cụ AI phù hợp, đội ngũ kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin…

Mỗi tòa soạn cần có một chiến lược rõ ràng về việc ứng dụng công nghệ số và AI trong hoạt động báo chí, bao gồm các mục tiêu cụ thể và kế hoạch triển khai chi tiết. Phải thiết kế lại quy trình làm việc để tích hợp công nghệ AI vào các bước từ sản xuất nội dung đến phân phối và tương tác với độc giả.

Cùng với đó, tòa soạn cần liên kết với các công ty công nghệ để tận dụng các giải pháp AI tiên tiến và cập nhật những xu hướng mới nhất.

Bên cạnh việc xây dựng mạng lưới liên kết với các tòa soạn khác, các tổ chức nghiên cứu, và các trường đại học để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức…, các cơ quan báo chí trong nước cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng AI từ các tòa soạn tiên tiến trên thế giới để nâng cao trình độ và khả năng sáng tạo trong báo chí, qua đó không chỉ cải thiện chất lượng nội dung mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của độc giả trong kỷ nguyên số.

“Sự kết hợp đồng bộ các yếu tố nêu trên sẽ giúp tòa soạn tận dụng tối đa tiềm năng của AI và đạt được những thành công bền vững trong môi trường báo chí hiện đại”, bà Thùy nhận định.

Ở góc nhìn khác, GS.TS. Trần Quang Diệu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khuyến nghị nên xây dựng hệ sinh thái báo chí Việt Nam, nơi mà các cơ quan báo chí có thể chia sẻ dữ liệu, đồng hành với nhau tạo nên kho dữ liệu dùng chung để bớt đi sự lo ngại đối với những tác động không tốt của AI.

Còn Tiến sĩ – Nhà báo Trần Bá Dung lưu ý câu chuyện ứng xử đạo đức của nhà báo khi sử dụng AI. Cần có giải pháp ngăn ngửa các tình huống vi phạm đạo đức người làm báo như: Thông tin sai sự thật; xâm phạm đời tư; thông tin phản văn hóa hay thiếu tôn trọng công chúng… Mặt khác, việc ứng dụng AI cũng có thể dẫn đến những sai sót, vi phạm ngoài ý muốn.

“Trong bối cảnh ứng dụng AI trở thành một xu thế, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo khi ứng dụng AI trong sản xuất, phân phối nội dung cần nêu cao tính trung thực, nhân văn, trách nhiệm. Các cơ quan báo chí phải quán triệt quy định đạo đức nghề báo trong hoạt động tác nghiệp, đặc biệt từ khâu kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin khi sử dụng AI; cần có quy trình thẩm định, sàng lọc, phát hiện bài báo do AI viết hoặc sử dụng dữ liệu của AI”, ông Dung đề xuất.



https%3A%2F%2Fvov.vn%2Fcong-nghe%2Fchuyen-doi-so%2Fnhan-dien-nhung-tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-voi-bao-chi-viet-nam-post1139452.vov

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article