26.5 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 5 6, 2025

Nhật Bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạch định chính sách công

Must read

Nhật Bản thử nghiệm AI để tái định hình quản lý hành chính

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai một hệ thống quản lý hành chính mới tích hợp AI từ năm tài khóa 2028, với mục tiêu sử dụng công nghệ để tối ưu hóa việc xây dựng chính sách và phân bổ ngân sách công. Theo báo cáo của Trụ sở Thúc đẩy cải cách hành chính thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, hơn 5.000 sáng kiến và dự án của các bộ, ngành sẽ được đưa vào hệ thống phân tích của AI trong giai đoạn đầu.

AI sẽ học tập từ kho dữ liệu đồ sộ gồm các “bảng đánh giá” của các dự án đã và đang thực hiện, trong đó bao gồm thông tin về mục tiêu, ngân sách, chi tiêu và kết quả. Từ đó, AI sẽ đánh giá tính phù hợp giữa mục tiêu và kết quả, xác định các chỉ số đo lường hiệu quả, đề xuất cách tiết giảm chi phí, chia sẻ công nghệ giữa các dự án và xây dựng báo cáo tổng quan. Điều này giúp xử lý một trong những điểm yếu hiện tại của công tác đánh giá hành chính ở Nhật: khó xác định mục tiêu phù hợp với nội dung dự án và đánh giá kết quả một cách công bằng.

AIẢnh minh họa.

Về dài hạn, Nhật Bản kỳ vọng AI không chỉ làm công cụ đánh giá sau dự án mà sẽ trở thành “trợ lý hoạch định chính sách” từ đầu chu trình. Trong một dự án hạ tầng chẳng hạn, AI có thể đề xuất quy mô đầu tư, kế hoạch bảo trì và dự báo tác động kinh tế đến từng khu vực. Thậm chí, AI sẽ học từ những thất bại và thành công trong quá khứ để đề xuất các sáng kiến cải tiến cho tương lai.

Đây không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà còn là cải cách hành chính có chiều sâu, hướng đến hiệu quả ngân sách, minh bạch chính sách và cung cấp dịch vụ công tối ưu hơn.

Việt Nam cần khung chính sách hoàn thiện để AI phát triển bền vững

Nhật Bản cho thấy rõ cách một quốc gia có thể dùng AI để thay đổi mô hình quản trị. Với Việt Nam, câu hỏi đặt ra không chỉ là có nên ứng dụng AI trong hoạch định chính sách hay không, mà là làm sao để xây dựng được hệ sinh thái pháp lý và đạo đức đủ mạnh để AI phát triển đúng hướng.

Tại tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Định hướng chiến lược và giải pháp chính sách cho Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, AI là công cụ quan trọng, hỗ trợ các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, AI cũng tiềm ẩn rủi ro trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế đến quốc phòng và văn hóa. Do đó, việc xây dựng chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, toàn diện và thận trọng.

Trước thực tế đó, TS Nguyễn Thị Thu Vân – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế, đề xuất: Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho AI, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI trong khu vực vào năm 2030. Tuy nhiên, định hướng này phải đi kèm với ba trụ cột chính: sở hữu trí tuệ, bảo vệ thông tin cá nhân và đạo đức AI. Cụ thể: 

Về sở hữu trí tuệ, việc nghiên cứu, vận hành và phát triển các sản phẩm AI đòi hỏi phải thu thập và sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ. Vì thế, khi xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến khía cạnh này, các nhà hoạch định chính sách cần có quy định đối với các nhà phát triển AI về việc thu thập, sử dụng dữ liệu, như xin giấy phép sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng dữ liệu hoặc bồi thường cho chủ sở hữu đối việc sử dụng dữ liệu trong quá trình huấn luyện AI; hoặc chia sẻ doanh thu đối với những sản phẩm do AI tạo ra.

Bên cạnh đó, khi công nghệ AI đạt được những thành tựu đột phá như hiện nay, máy móc có tích hợp AI ngày càng có được những kỹ năng giống con người, ít nhiều làm mờ đi sự khác biệt giữa con người và máy móc. Sự thông minh của AI (qua công nghệ học máy) khiến nó vượt qua những thuật toán ban đầu của kỹ sư công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm độc lập không có sự can thiệp của con người. Trong trường hợp này, các sản phẩm do AI tạo ra có nên được bảo vệ bởi luật bản quyền và bằng sáng chế hay không? Chủ thể nào (con người hay AI) sẽ là chủ sở hữu của sản phẩm đó? Hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ trên thế giới và ở Việt Nam chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nguyên gốc, theo nghĩa tác phẩm đó phải do chính con người tạo ra.

Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cách tiếp cận truyền thống này, thì có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển AI. Mặc dù là một sản phẩm do máy móc tạo ra, nhưng với năng lực tự học hỏi, tự hoàn thiện, AI đã “gạt” sự can thiệp của con người ra một bên để độc lập trong việc ra quyết định và tạo ra sản phẩm riêng của nó mà không cần sự can thiệp của con người. Theo cách tiếp cận truyền thống, vì không phải do con người tạo ra nên sản phẩm này không được bảo vệ bằng pháp luật về sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ đặt các tác phẩm do AI tạo ra vào phạm vi công cộng, cho phép mọi người được sử dụng chúng mà không phải trả tiền bản quyền hoặc bồi hoàn lợi ích tài chính cho nhà phát triển AI. Hướng tiếp cận này sẽ làm triệt tiêu động lực sáng tạo của các nhà phát triển AI và không có tác động thúc đẩy ngành công nghiệp AI phát triển. Ngược lại, nếu cách tiếp cận phù hợp hơn, theo hướng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm AI, giải quyết vấn đề quyền sở hữu và cấp phép nhằm bảo đảm quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho những người phát triển AI, thì giải pháp này có thể khuyến khích khả năng sáng tạo của con người, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI.

Về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, theo TS Nguyễn Thị Thu Vân bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển AI là hai mặt của chính sách đổi mới công nghệ AI hiện nay. Khi con người càng hướng đến việc sử dụng nhiều hơn các sản phẩm AI để phục vụ cuộc sống, thì quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng bị thu hẹp đi. Việc sử dụng camera giám sát trong không gian công cộng là cần thiết và hiện nay đã trở thành phổ biến để phục vụ lợi ích của con người. Nhưng nếu công nghệ của camera kết hợp với việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt, thì mạng lưới camera khi đó sẽ biến thành công cụ xâm phạm quyền riêng tư. Đây là hai mặt của một vấn đề mà khi xây dựng khung pháp luật cho AI cần có cơ chế cân bằng giữa việc phát triển công nghệ với việc bảo vệ quyền riêng tư về mặt thông tin của cá nhân.

Để đạt được sự cân bằng này, các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thiết lập một số nguyên tắc mà Việt Nam có thể tham khảo, đó là: Cần giới hạn việc thu thập thông tin cá nhân, chỉ thu thập trong phạm vi những gì cần thiết, thông tin cá nhân chỉ nên được thu thập bằng các phương tiện hợp pháp và công bằng; khi thu thập, cá nhân phải được biết và đồng ý; Mục đích của việc thu thập thông tin cá nhân phải được thông báo công khai, rõ ràng cho cá nhân; Chỉ nên sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cho mục đích thu thập thông tin đó, trừ khi có sự đồng ý hoặc quy định pháp luật cho phép được sử dụng vì những mục đích khác. Việc thúc đẩy sự phát triển của AI, kể cả với mục đích phục vụ lợi ích của con người, không có nghĩa là quyền riêng tư sẽ không còn quan trọng hoặc không được bảo vệ. Vấn đề là tìm ra điểm cân bằng giữa hai khía cạnh trên, theo đó, các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của AI phải luôn được đặt trong bối cảnh bảo đảm thông tin được xử lý một cách có đạo đức và có trách nhiệm sau khi nó được thu thập.

Vấn đề đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo, TS Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ: “Không thể phủ nhận rằng, chính những ưu thế và sức mạnh của AI cũng gây ra những lo ngại sâu sắc về mặt đạo đức. Những thuật toán của AI có thể chứa đựng những thiên kiến vi phạm đạo đức xã hội khiến quyền lợi của người sử dụng, nhất là những người yếu thế bị ảnh hưởng, hay kết quả đầu ra của AI bị làm cho sai lệch một cách có chủ ý khiến việc ra quyết định của chủ thể liên quan không còn chính xác hoặc năng lực tự hoàn thiện của AI (qua học máy) có thể vượt qua thuật toán lập trình ban đầu, để tự ra các quyết định không cần đến sự can thiệp của con người và gây nguy hiểm cho người sử dụng… Những rủi ro như vậy dẫn đến những tổn hại về mặt xã hội. Đó là điều mà Việt Nam phải tính tới khi thiết lập khung pháp lý cho AI”.

Duy Trinh



https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fnhat-ban-ung-dung-ai-trong-hoach-dinh-chinh-sach-cong-d232945.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article