27.5 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Sáu, Tháng 7 18, 2025

OpenAI vẫn lỗ, sẽ thu phí giao dịch mua hàng trong ChatGPT, đe dọa mô hình của Google

Must read

Công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) hiển thị sản phẩm trên nền tảng với tùy chọn nhấp vào các liên kết đến các nhà bán lẻ trực tuyến. Vào tháng 4, OpenAI đã công bố quan hệ hợp tác với công ty thanh toán Shopify.

Theo nhiều nguồn tin của trang FT, OpenAI đang hướng tới việc tích hợp hệ thống thanh toán ngay trong ChatGPT, cho phép người dùng hoàn tất giao dịch mà không cần rời khỏi nền tảng chatbot AI. Các thương nhân nhận và xử lý đơn hàng theo cách này sẽ phải trả hoa hồng cho OpenAI.

Động thái thúc đẩy thương mại điện tử này đánh dấu một bước chuyển mình chiến lược với công ty khởi nghiệp AI hàng đầu nhưng vẫn đang lỗ, hiện được định giá 300 tỉ USD, chủ yếu tạo ra doanh thu từ các dịch vụ đăng ký cao cấp.

Việc thu một phần từ doanh số bán hàng thông qua ChatGPT sẽ giúp công ty kiếm tiền từ người dùng phiên bản miễn phí – một nguồn doanh thu chưa được khai thác cho đến nay.

OpenAI-van-lo-them-tinh-nang-thu-phi-cac-giao-dich-trong-ChatGPT-de-doa-Google (2)
Việc thúc đẩy thương mại điện tử là bước chuyển mình chiến lược của OpenAI, hiện tạo ra doanh thu chủ yếu từ việc đăng ký các dịch vụ cao cấp – Ảnh: Getty Images

Đe dọa mô hình của Google

Động thái từ OpenAI cũng đặt ra thêm một mối đe dọa với mô hình kinh doanh cốt lõi dựa trên quảng cáo trực tuyến của Google, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chuyển sang sử dụng chatbot AI để tìm kiếm và khám phá sản phẩm.

Tính năng này của ChatGPT vẫn đang trong quá trình phát triển, nên các chi tiết có thể thay đổi. Song theo các nguồn tin, OpenAI cùng các đối tác như Shopify đã giới thiệu các phiên bản thử nghiệm cho các thương hiệu và đang thảo luận về điều khoản tài chính.

Nền tảng thương mại điện tử Shopify cung cấp công nghệ thanh toán có thể được tích hợp vào các dịch vụ trực tuyến khác. Công ty này hiện cũng đang làm việc với các nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn hỗ trợ tính năng mua sắm của TikTok.

OpenAI từ chối bình luận. Shopify hiện chưa phản hồi câu hỏi từ trang FT.

OpenAI-van-lo-them-tinh-nang-thu-phi-cac-giao-dich-trong-ChatGPT-de-doa-Google (1)
Đề xuất sản phẩm trong ChatGPT – Ảnh: OpenAI

Hiện tại, các đề xuất sản phẩm của ChatGPT được tạo ra dựa trên mức độ liên quan đến truy vấn của người dùng và các ngữ cảnh có sẵn khác, chẳng hạn bộ nhớ hoặc hướng dẫn về ngân sách cụ thể (ví dụ chỉ muốn tìm tai nghe dưới 2 triệu đồng).

Gần đây, OpenAI đã cải thiện tính năng bộ nhớ, cho phép mô hình AI nhớ các sở thích của người dùng và đưa ra phản hồi được cá nhân hóa hơn. Song khi người dùng nhấp vào một sản phẩm, OpenAI “có thể hiển thị danh sách các nhà bán lẻ cung cấp sản phẩm đó”, theo trang web của công ty.

“Danh sách này được tạo ra dựa trên siêu dữ liệu về sản phẩm và nhà bán lẻ mà chúng tôi nhận được từ các nhà cung cấp bên thứ ba. Hiện tại, thứ tự hiển thị nhà bán lẻ chủ yếu được quyết định bởi các nhà cung cấp này”, OpenAI cho biết thêm.

OpenAI không xét đến giá cả hoặc phí vận chuyển trong các tùy chọn nhà bán lẻ này, nhưng kỳ vọng “điều đó sẽ được cải thiện trong quá trình tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm”.

Tối ưu hóa cho AI

Các thương hiệu cùng công ty quảng cáo đã và đang thử nghiệm cách quảng bá sản phẩm trong kết quả tìm kiếm của chatbot, ví dụ bằng cách đăng nội dung mà họ cho rằng có nhiều khả năng được các mô hình AI lựa chọn.

Hoạt động này, tương tự với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), hiện được một số người trong ngành gọi là AIO (tối ưu hóa cho AI).

“Hàng loạt câu hỏi lớn và khó bắt đầu được đặt ra, về việc AI thể hiện những ‘ưu tiên’ nào trong kết quả của nó. Điều này có thể phá vỡ hoàn toàn mô hình tìm kiếm có trả phí trên các nền tảng truyền thống và dĩ nhiên cũng làm thay đổi cách các công ty quảng cáo vận hành hiện nay”, một giám đốc điều hành trong ngành quảng cáo nhận định.

Vào tháng 12.2024, OpenAI tuyên bố “chưa có kế hoạch tích cực theo đuổi quảng cáo”. OpenAI đang tái cơ cấu thành một công ty vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, Giám đốc tài chính OpenAI – Sarah Friar nói với trang FT rằng công ty đang cân nhắc các phương án đưa quảng cáo vào, nhưng muốn “xem xét kỹ lưỡng thời điểm và cách thức triển khai”.

Sam Altman từng nói với bản tin Stratechery hồi tháng 3: “OpenAI sẽ không bao giờ nhận tiền để thay đổi vị trí hiển thị hay gì đó tương tự, nhưng nếu bạn mua một món gì đó thông qua Deep Research, chúng tôi sẽ tính phí liên kết khoảng 2% hoặc tương tự”.

Deep Research là tác tử AI có khả năng thực hiện nghiên cứu nhiều bước trên internet cho các nhiệm vụ phức tạp mà theo OpenAI, “hoàn thành trong vài chục phút những gì con người phải mất nhiều giờ”.

Bạn chỉ cần cung cấp một yêu cầu là Deep Research sẽ tìm kiếm, phân tích và tổng hợp hàng trăm nguồn trực tuyến để tạo ra một báo cáo toàn diện ở cấp độ của nhà phân tích nghiên cứu.

Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.

Đặc điểm của một tác tử AI

Tự động: Có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong suốt quá trình xử lý.

Nhận thức môi trường: Có thể cảm nhận hoặc thu thập dữ liệu từ môi trường thông qua các cảm biến, API, hoặc dữ liệu được cung cấp.

Ra quyết định: Dựa trên các thuật toán hoặc mô hình học máy, tác tử AI có thể phân tích dữ liệu và chọn hành động phù hợp.

Hành động: Tác tử thực hiện các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu, ví dụ như gửi thông báo, điều khiển thiết bị, hoặc cập nhật dữ liệu.

Deep Research phục vụ cho các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, khoa học, chính sách và kỹ thuật, cung cấp những thông tin chi tiết đáng tin cậy và toàn diện. Tính năng này cũng hữu ích với những người mua sắm đang tìm kiếm các đề xuất được cá nhân hóa về giao dịch mua đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn thận, chẳng hạn ô tô, đồ gia dụng và đồ nội thất.

Kết quả gồm các trích dẫn và tóm tắt rõ ràng, giúp dễ dàng xác minh. Về cơ bản, Deep Research giúp tinh giản quá trình nghiên cứu tốn thời gian, cung cấp thông tin chuyên sâu hiệu quả chỉ từ một truy vấn.

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, từng mô tả Deep Research là “giống một siêu năng lực, hoạt động như nhóm chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ bạn”. Sam Altman cho biết Deep Research có thể “sử dụng internet, thực hiện nghiên cứu, lập luận phức tạp và trả về cho bạn một báo cáo”, xử lý các nhiệm vụ “mất nhiều giờ/ngày và tốn hàng trăm USD”.

Hôm 16.7, OpenAI cho biết dự kiến sẽ sử dụng hạ tầng điện toán đám mây của Google cho ChatGPT.

OpenAI đã bổ sung Google vào danh sách các nhà cung cấp, chỉ rõ rằng ChatGPT và giao diện lập trình ứng dụng (API) của công ty sẽ sử dụng nền tảng Google Cloud, bên cạnh Microsoft, CoreWeave và Oracle.

OpenAI sắp ra mắt trình duyệt web AI, thách thức Google Chrome

OpenAI sắp ra mắt trình duyệt web tích hợp AI nhằm thách thức vị thế thống trị thị trường của Google Chrome, ba nguồn tin thân cận với vấn đề tiết lộ cho Reuters.

Ba nguồn tin cho biết trình duyệt này dự kiến sẽ ra mắt vài tuần tới, với mục tiêu sử dụng AI để thay đổi căn bản cách người dùng duyệt web. Đây sẽ là một bước đi giúp OpenAI tiếp cận trực tiếp hơn với dữ liệu người dùng – yếu tố cốt lõi làm nên thành công cho Google thuộc Alphabet.

Nếu được lượng người dùng ChatGPT hiện có (hơn 500 triệu người hoạt động hàng tuần) đón nhận, trình duyệt của OpenAI có thể gây áp lực lớn lên Chrome – trụ cột trong cỗ máy kiếm tiền từ quảng cáo của Google.

Trình duyệt Chrome đóng vai trò then chốt trong hoạt động quảng cáo của Alphabet (vốn chiếm gần 3/4 doanh thu của tập đoàn này), nhờ khả năng cung cấp thông tin người dùng giúp Google nhắm quảng cáo hiệu quả và sinh lợi hơn, đồng thời mặc định dẫn lưu lượng truy cập về công cụ tìm kiếm của hãng.

Hai trong số các nguồn tin tiết lộ rằng trình duyệt từ OpenAI được thiết kế để giữ một phần tương tác của người dùng trong giao diện trò chuyện giống ChatGPT, thay vì chuyển hướng đến các trang web như cách truyền thống.

Một nguồn tin khác cho biết trình duyệt này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của OpenAI nhằm tích hợp các dịch vụ riêng vào cả đời sống cá nhân lẫn công việc người dùng.

Dưới sự điều hành của doanh nhân Sam Altman, OpenAI đã gây chấn động ngành công nghệ với việc phát hành chatbot ChatGPT vào tháng 11.2022. Sau những thành công ban đầu, OpenAI hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Google, Anthropic, Meta Platforms và DeepSeek, nên đang tìm kiếm các hướng phát triển mới.

Hồi tháng 5, OpenAI thông báo sẽ bước chân vào lĩnh vực phần cứng với thương vụ trị giá 6,5 tỉ USD để mua lại io – công ty khởi nghiệp về thiết bị AI do Jony Ive (cựu giám đốc thiết kế của Apple) sáng lập. OpenAI và Jony Ive (huyền thoại thiết kế Iphone, iPad) sẽ hợp tác phát triển thiết bị AI mới, dự kiến ra mắt vào năm 2026, mà Sam Altman tự tin sẽ bán được 100 triệu chiếc nhanh nhất lịch sử.

https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fopenai-van-lo-se-thu-phi-giao-dich-mua-hang-trong-chatgpt-de-doa-mo-hinh-cua-google-235024.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article