25.4 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 7 26, 2025

Phường Cửa Nam, Hà Nội thử nghiệm đưa robot AI vào hỗ trợ thực hiện hành chính công

Must read

Phường Cửa Nam, Hà Nội thử nghiệm đưa robot AI vào hỗ trợ thực hiện hành chính công

Phường Cửa Nam, Hà Nội đã thử nghiệm đưa robot AI vào hỗ trợ hành chính công trong quá trình triển khai chính quyền hai cấp, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ.

Nền tảng số đáp ứng yêu cầu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Kể từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước bắt đầu triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã).

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số chính là hệ thần kinh Trung ương, là cầu nối “sống còn” giữa tỉnh và xã; là bộ não dữ liệu để tổng hợp, phân tích, cảnh báo sớm tình hình, không để xảy ra vùng trũng thông tin”.

Tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số – Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long khẳng định, nền tảng số là một yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như điều hành của chính quyền, trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh và vận hành chính quyền địa phương hai cấp.





img7790 17533255324481141938686
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có hướng dẫn tới 63 tỉnh thành phố về các quy trình thủ tục, các bước để nâng cấp các hệ thống thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như các hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành trên tinh thần chỉ đạo sắp xếp tinh gọn bộ máy của Chính phủ.

Bộ cũng đã phối hợp cùng với UBND TP.HCM và doanh nghiệp công nghệ số thí điểm việc nâng cấp 5 hệ thống thông tin để phục vụ vận hành chính quyền mới. Đây là địa phương sáp nhập 3 tỉnh có quy mô lớn, có cấu trúc hệ thống thông tin phức tạp, phù hợp để thí điểm. Dựa trên kết quả thí điểm, Bộ có văn bản hướng dẫn nâng cấp hệ thống thông tin đảm bảo vận hành.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số đã tham gia đồng hành với 3.219 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó, còn có lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện cũng đã vào cuộc.

Nhờ đó, đến ngày 30/6 cơ bản tất cả các hệ thống thông tin, chuyển đổi số của hơn 3.200 xã đã vận hành trơn tru, đáp ứng các yêu cầu.

Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, mặc dù thời gian đi vào vận hành mới hơn 3 tuần (tính đến nay là 23 ngày) nhưng bước đầu đã có những kết quả rất tích cực.

Bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt, không làm gián đoạn quá trình triển khai chuyển tiếp mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp.

Cấp xã đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ, tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. UBND của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó đặc biệt là trung tâm phục vụ hành chính công – nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.

“Hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở cấp xã, đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho việc kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.

Theo thông tin tổng hợp từ Văn phòng Chính phủ, khối lượng giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính tăng dần theo từng ngày. Đến thời điểm này, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trên môi trường điện tử ở nhiều địa phương là khá lớn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như yêu cầu của người dân.





img7763 1753321485955351660770
Tọa đàm “Chuyển đổi số – Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương”. Ảnh: Nhật Bắc

Hà Nội thử nghiệm đưa robot AI vào hỗ trợ

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và mô hình chính quyền hai cấp, Thành ủy và UBND Thành phố đã ban hành các chương trình hành động đồng bộ từ cấp thành phố tới xã, phường (126 đơn vị).

Hà Nội chủ động thiết lập hệ thống dữ liệu dùng chung, xây dựng các nhóm công tác từ cơ sở để liên tục cập nhật, rà soát quy trình phục vụ người dân. Tính đến hết tuần thứ ba vận hành mô hình mới, thành phố đã tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ hành chính. Quan trọng hơn, người yếu thế như người già, người khuyết tật, người nộp thuế nhỏ lẻ… được chính quyền hỗ trợ tận nơi, thay vì phải di chuyển đến các điểm hành chính công.

“Chúng tôi xác định công nghệ chỉ là công cụ. Con người là trung tâm; đồng bộ trong chỉ đạo; dữ liệu trong vận hành; và chủ động trong triển khai… chính là bài học lớn nhất mà TP. Hà Nội đã vận hành đồng bộ và xuyên suốt trong 3 tuần vừa qua”, ông Dũng nói.





img7787 17533255316061094020703
Ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc.

Theo bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam (Hà Nội), quá trình chuẩn bị cho việc chuyển sang mô hình mới được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được tổ chức sớm và bài bản.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cán bộ, chính quyền phường tham khảo ý kiến chuyên gia, các trường đại học và cơ quan chuyên môn, phường Cửa Nam đã thử nghiệm đưa robot ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ thực hiện hành chính công. Theo đánh giá ban đầu, mô hình thử nghiệm bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, góp phần tạo môi trường làm việc thân thiện, hiện đại tại chính quyền cơ sở.

Bà Trâm cho biết, một trong những điểm thuận lợi để có thể triển khai nhiều mô hình sáng tạo là người dân hiện nay tiếp cận với công nghệ rất tốt. “Chúng tôi thấy các bác lớn tuổi cũng đã sử dụng Điện thoại thông minh, sử dụng công nghệ và làm rất tốt tất cả thủ tục cũng như những hoạt động cơ bản, truy cập và thậm chí là nhận giấy mời qua Zalo”, bà Trâm nói.

Tuy vậy, chính quyền cơ sở cũng phải đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là áp lực về khối lượng công việc sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính.

Về định hướng trong thời gian tới, ông Trương Việt Dũng cho biết, dự kiến trong tháng 9 hoặc đầu tháng 10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ khai trương Trung tâm Điều hành và tính toán thông minh.

Thời gian qua, Hà Nội có tổng đài 19001009 và có những chatbot để xử lý và hướng dẫn thông tin cho người dân. Đến thời điểm này có hơn 74.000 lượt người được hỗ trợ.

Qua khảo sát của Hà Nội cho thấy, các trung tâm thông minh trước đây của các tỉnh, thành phố chưa tích hợp AI học sâu và AI phân tích trong chatbot. “Hiện nay chúng tôi đã ứng dụng công nghệ này và thấy rằng đây là một cách để hỗ trợ người dân”, ông Dũng cho biết.



https%3A%2F%2Fbaodautu.vn%2Fphuong-cua-nam-ha-noi-thu-nghiem-dua-robot-ai-vao-ho-tro-thuc-hien-hanh-chinh-cong-d340150.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article