Ngày 16/05/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm trao đổi chuyên môn “Quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục, nghiên cứu trước sự tác động của công nghệ và Trí tuệ nhân tạo”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/05 và kỷ niệm 70 năm thành lập Trường.

Tham dự tọa đàm, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; đại diện lãnh đạo các đơn vị.
Về phía đối tác và khách mời có Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Phạm Thị Kim Oanh; Giám đốc Trung tâm FIIS Trường Đại học Ngoại thương – Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐQT OnAir Phạm Ngọc Mai Anh, Giám đốc Công ty TNHH IPCOM Trần Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm ĐTBD và HTPT Trường Đại học Công nghiệp Lê Đức Hạnh.
Tọa đàm còn thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên quan tâm tham gia.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn nhận định nếu biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo đúng cách sẽ có thể hỗ trợ hiệu quả người sử dụng trong công tác đào tạo, nghiên cứu. Với tư cách là đơn vị luôn nỗ lực tiên phong trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong giáo dục, Trường Đại học Ngoại ngữ cam kết sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có bản quyền để lưu giữ cho sau này. Phó Hiệu trưởng gửi lời chúc mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam và bày tỏ sự tin tưởng rằng thông qua tọa đàm này, các đại biểu sẽ thu nhận được nhiều kiến thức quý báu để áp dụng vào công việc, học tập và nghiên cứu.

Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn khẳng định: “Tôi cũng mong rằng cán bộ và sinh viên Ngoại ngữ chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm có bản quyền hơn nữa do chính chúng ta tạo nên trong tương lai.”
Trong tọa đàm đã có 3 bài báo cáo được trình bày. Những kiến thức bổ ích về sở hữu trí tuệ và các vấn đề cần lưu ý về bản quyền cũng như AI trong nghiên cứu được thảo luận đã tạo nên một tọa đàm có tính thực tiễn cao.
Mở đầu là diễn giả Phạm Thị Kim Oanh với báo cáo đề dẫn: “Bối cảnh và Thách thức: Quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số, công nghệ và trí tuệ nhân tạo”. Trong phần trình bày, bà đã chia sẻ những quy định về bản quyền ở các sản phẩm có sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bà Phạm Thị Kim Oanh trình bày báo cáo đề dẫn: “Bối cảnh và Thách thức: Quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số, công nghệ và trí tuệ nhân tạo”.
Trong báo cáo tiếp theo, diễn giả Lê Thị Thu Hà đã chia sẻ về nội dung: “Thực tiễn về quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục, nghiên cứu và những vấn đề mới do AI mang lại.” Lựa chọn nhấn mạnh phạm vi giáo dục và nghiên cứu, bà đã trình bày thực trạng và những thách thức mà trí tuệ nhân tạo tạo ra cùng gợi ý cách khắc phục.

Diễn giả Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, Trường Đại Ngoại thương trình bày báo cáo: “Thực tiễn về quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục, nghiên cứu và những vấn đề mới do AI mang lại.”
Ở phần trình bày cuối cùng, diễn giả Phạm Ngọc Mai Anh đã báo cáo về chủ đề: “Ứng dụng công nghệ, AI và giải pháp thực tiễn để bảo vệ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ.” Bà đã chia sẻ cụ thể về cách ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học và một số giải pháp có tính khả thi để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia Phạm Ngọc Mai Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị On Air – Nền tảng tri thức trực tuyến và Luật sư Trần Thị Tám, Giám đốc Công ty TNHH IPCOM Việt Nam và báo cáo: “Ứng dụng công nghệ, AI và giải pháp thực tiễn để bảo vệ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ.”









Tọa đàm tiếp tục diễn ra với phần thảo luận bàn tròn rất sôi nổi. Đã có nhiều câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ và cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng những ưu nhược điểm của AI dã được đưa ra cho các chuyên gia và người tham dự cùng thảo luận.




Với những phản hồi tích cực từ người tham gia, Tọa đàm “Quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục, nghiên cứu trước sự tác động của công nghệ và trí tuệ nhân tạo” hướng tới Chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/05/2025 đã khép lại sau thời gian thảo luận và trao đổi tích cực.
Link ảnh: Download.
https%3A%2F%2Fulis.vnu.edu.vn%2Fsoi-noi-toa-dam-trao-doi-chuyen-mon-quyen-so-huu-tri-tue-trong-moi-truong-giao-duc-nghien-cuu-truoc-su-tac-dong-cua-cong-nghe-va-tri-tue-nhan-tao%2F