30.9 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 7 26, 2025

Sản phẩm số do AI tạo ra phải có dấu hiệu nhận dạng từ 01/01/2026

Must read

Theo đó, tại Điều 44 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025, quy định dấu hiệu nhận dạng đối với hệ thống Trí tuệ nhân tạo có nêu rõ, hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trực tiếp với con người phải có thông báo cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo, trừ trường hợp người sử dụng hiển nhiên biết về việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Sản phẩm công nghệ số thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng để người sử dụng hoặc máy nhận biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định trên gồm: Dấu hiệu cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo và dấu hiệu nhận dạng sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo quy định như trên.

Như vậy, từ 01/01/2026, sản phẩm số do AI tạo ra thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ số do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành phải có dấu hiệu nhận dạng để người sử dụng hoặc máy nhận biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về trách nhiệm của nhà phát triển và cung cấp trí tuệ nhân tạo, Điều 45 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 quy định rõ, chủ thể trong hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo bao gồm:

– Chủ thể phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo;

– Chủ thể cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo là tổ chức, cá nhân đưa hệ thống trí tuệ nhân tạo ra thị trường dưới tên nhãn hiệu thuộc sở hữu của chính chủ thể đó;

– Chủ thể triển khai sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, chủ thể phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thúc đẩy thông minh hóa; tiếp cận bao trùm, linh hoạt, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, dân tộc; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng giải thích được; bảo đảm không vượt qua tầm kiểm soát của con người.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đồng thời, bảo đảm khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo; kiểm soát rủi ro trong suốt vòng đời của hệ thống trí tuệ nhân tạo và bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan.

Còn đối với chủ thể cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo như trên. Cùng với đó, tuân thủ quy định dấu hiệu nhận dạng đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo như mục trên.

Đồng thời, tuân thủ yêu cầu quản lý quy định tại Điều 43 khi cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao, hệ thống trí tuệ nhân tạo tác động lớn.

Điều 43. Quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo

1. Hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống trí tuệ nhân tạo trong một số trường hợp sử dụng có khả năng gây ra rủi ro, tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội, trừ một trong các trường hợp sau:

a) Nhằm thực hiện một hoặc một số công việc cụ thể, tác động trong phạm vi hẹp;

b) Nhằm hỗ trợ con người trong việc tối ưu hóa kết quả công việc;

c) Nhằm thực hiện kiểm ưa lỗi của các công việc do con người hoàn thành trước đó và không nhằm mục đích thay thế quyết định của con người.

2. Hệ thống trí tuệ nhân tạo tác động lớn là hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng đa mục đích, có số lượng người sử dụng lớn, số lượng tham số lớn, khối lượng dữ liệu lớn.

3. Yêu cầu quản lý đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm:

a) Yêu cầu kỹ thuật;

b) Minh bạch trong lưu trữ và cung cấp thông tin;

c) Quản trị dữ liệu;

d) Giám sát, kiểm tra;

đ) An toàn, an ninh mạng;

e) Yêu cầu cần thiết khác.

Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2026.

 

TRẦN VĂN

https%3A%2F%2Flsvn.vn%2Fsan-pham-so-do-ai-tao-ra-phai-co-dau-hieu-nhan-dang-tu-01-01-2026-a160881.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article