Chưa khi nào sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) lại đối mặt với áp lực chuyển mình nhanh đến vậy. Giờ đây, khi vừa ra trường, các bạn không chỉ là cạnh tranh việc làm với bạn bè, mà còn là cuộc đua với chính công nghệ mình đang theo đuổi – Trí tuệ nhân tạo (AI).
Ba trạng thái – một cuộc đua sống còn
“Áp lực là có thật và rất rõ ràng. Cảm giác bị công nghệ ‘đuổi kịp’ hoặc vượt mặt hiện hữu mỗi ngày. Là một sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính. Giống như nhiều bạn bè khác, giai đoạn này với mình khá nước rút: vừa căng não làm đồ án tốt nghiệp, vừa rải CV tìm nơi thực tập và vừa phải đối mặt với những câu hỏi lớn về tương lai khi AI đang phát triển như vũ bão”, bạn Nguyễn Thị Giang, sinh viên lớp IT – E6, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Áp lực nặng nề mà sinh viên ngành Công nghệ thông tin phải đối mặt trong thời đại AI phát triển chóng mặt. (Ảnh: HUST Media Club)
Giang nhận định, nếu trước đây, nắm vững thuật toán, cấu trúc dữ liệu có thể tạm yên tâm, thì hiện nay đó chỉ là “vé vào cửa”. Sinh viên phải tự học thêm Machine Learning (học máy), cách dùng API (Giao diện lập trình ứng dụng), hoặc ít nhất là biết tương tác hiệu quả với AI. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào giáo trình, sinh viên rất dễ bị “lỗi thời” ngay khi chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Theo quan sát từ Giang, sinh viên ngành IT hiện nay chia thành ba nhóm tâm lý:
Một bộ phận không nhỏ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng. Mỗi lần một công cụ AI mới ra đời là một lần lo lắng.
Nhóm bị động, những bạn trẻ tuy nhận thức rõ làn sóng AI đang cận kề, nhưng lại chọn cách… chờ đợi. Bởi các bạn tin AI chưa thể thay thế con người nên tiếp tục học theo lối cũ, thiếu bước chuyển thích ứng.
Nhóm chủ động, biết rằng AI là xu hướng không thể đảo ngược nên đã chủ động học cách dùng công cụ mới, tham gia Hackathon, dự án thực tế, dùng ChatGPT, GitHub Copilot như trợ lý học tập để tăng tốc. Với tinh thần “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Sinh viên chủ động tiếp cận các hoạt động học tập sáng tạo, không ngừng làm mới bản thân để bắt kịp xu thế công nghệ. (Ảnh: HUST Media Club).
AI đồng hành hay thay thế?
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, anh Nguyễn Đức Thiện, hiện đang là lập trình viên tại công ty TNHH Công nghệ và Giáo dục Medoo, cho rằng sự xuất hiện của AI không đơn thuần là xu hướng mà đã trở thành một phần tất yếu trong công việc:
“Hiện tại AI được tích hợp ngay vào các editor như VSCode, Cursor… từ đó AI có thể giúp kiểm tra, đánh giá, tái cấu trúc mã nguồn, thậm chí code thay mình chỉ với một vài câu lệnh, AI không còn là công cụ mà gần như trở thành một người đồng hành trong dự án”.
Anh Nguyễn Đức Thiện,lập trình viên tại công ty TNHH Công nghệ và Giáo dục Medoo. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo thay đổi trong vai trò của lập trình viên: không còn dừng lại ở việc “code đúng”, mà là phải tư duy sâu hơn, hiểu rõ logic hệ thống, đánh giá độ ổn định của mã nguồn và đặc biệt là nắm được bối cảnh tổng thể của dự án. Bởi thực tế, AI chỉ “dự đoán” phương án dựa trên dữ liệu có sẵn, không thể hiểu đầy đủ yêu cầu khách hàng, không thể xử lý các tình huống đặc thù của từng dự án, sửa các lỗi mà không gây ảnh hưởng đến các phần khác hay nhớ rõ các yêu cầu ban đầu. Những lúc đó, lập trình viên thực thụ mới là người giữ vai trò quyết định.
Qua quá trình làm việc với nhiều sinh viên, anh nhận thấy, bạn trẻ hiện nay quá lệ thuộc vào AI, gặp lỗi nhỏ là hỏi ChatGPT, nếu không thể cho ra giải pháp phù hợp, cũng không biết phải làm thế nào: “Khi quá phụ thuộc vào AI, thì các bạn sẽ chính là người bị AI thay thế đầu tiên”. Ngược lại, nếu biết cách học từ AI, tận dụng nó như một trợ lý để tăng tốc, cải thiện tư duy và rèn kỹ năng giải quyết vấn đề, thì sinh viên sẽ là người nắm quyền chủ động trong thời đại mới.
Nhà tuyển dụng: Cơ hội không biến mất
Bà Trần Hồng – Giám đốc nhân sự tại Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế HRI (HRI Group), đơn vị cung ứng nguồn lực IT nhận định: “Vài năm trở lại đây sinh viên mới ra trường ngành IT đã giảm cơ hội việc làm rõ rệt, khoảng 50%. Ngay cả cơ hội thực tập cũng đã không còn nhiều như trước đây”.
Bà Trần Hồng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế HRI. (Ảnh: NVCC)
Theo bà, AI đang thay đổi sâu sắc cách doanh nghiệp tuyển người từ số lượng cho tới tiêu chí lựa chọn. Một nhân viên biết cách khai thác AI hiệu quả có thể tăng năng suất gấp 2, thậm chí 5–10 lần so với trước: “Khi năng suất tăng, nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm”. Vì vậy doanh nghiệp không còn cần tuyển số lượng đông như trước, mà chuyển sang tìm những cá nhân thật sự “đa năng”.
Doanh nghiệp hiện tại cần nhiều hơn một người làm chuyên môn mà không biết vận dụng công nghệ, không chỉ những người đã có kinh nghiệm, mà áp dụng ngay cả với các sinh viên mới ra trường. Các bạn cần biết vận dụng AI để tối ưu công việc, chủ động học hỏi, và sẵn sàng thích nghi với thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
“Thực tế, xu hướng công việc hiện tại đã chuyển dịch sang mô hình remote/ freelancer, dễ dàng kết nối toàn cầu nên sinh viên sẽ có thêm cơ hội, nhận thêm nhiều việc và nhiều nguồn thu nhập. Recland.co là một ví dụ điển hình cho mô hình đó” – bà Hồng nói thêm.
Do đó, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng tự học, làm việc từ xa, giao tiếp quốc tế và quản lý công việc hiệu quả. Kinh nghiệm làm dự án thực tế, thành tích trong các cuộc thi học thuật hoặc đóng góp mã nguồn mở cũng là điểm cộng lớn. Nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những sinh viên đến từ các trường top đầu, nhưng sinh viên vẫn hoàn toàn có thể gây ấn tượng bằng thái độ học tập nghiêm túc cùng kỹ năng về ngoại ngữ…
Trí tuệ nhân tạo không đơn thuần là cơn bão quét qua ngành CNTT, mà còn là cơn sóng ngầm đang âm thầm định hình lại chuẩn mực mới của thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, sinh viên IT không thể tiếp tục học theo lối mòn, không thể chỉ dựa vào giáo trình hay tấm bằng đại học.
Bà Trần Hồng cho biết, thay vì sợ bị thay thế, sinh viên nên tập trung làm chủ công nghệ, bắt đầu từ chính nền tảng kiến thức vững, khả năng tự học, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Đừng quá phụ thuộc vào AI như một “phao cứu sinh”, mà hãy coi nó như một “cộng sự thông minh” giúp mình nâng cao năng suất và sáng tạo. Khi đó, AI không thể làm bạn trở thành người thừa, vì bạn chính là người làm chủ nó.
https%3A%2F%2Fwww.24h.com.vn%2Fban-tre-cuoc-song%2Fsinh-vien-it-truoc-con-bao-ai-lam-chu-cong-nghe-hay-tro-thanh-nguoi-thua-c64a1684187.html