Âm thầm nhưng dữ dội
Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược trọng tâm của nhiều ngân hàng. Những ứng dụng ngân hàng thông minh, chatbot và quy trình phê duyệt tín dụng tự động dần thay thế các quy trình thủ công vốn cần đến khá nhiều sức người.
Điều này khiến các ngân hàng tiến hành tái cấu trúc nhân sự. Một mặt, ngân hàng tăng tuyển dụng nhân lực các vị trí về công nghệ, mặt khác tinh giản ở các bộ phận vận hành truyền thống như giao dịch viên, xử lý hồ sơ và kiểm soát nội bộ cấp thấp. Một số ngân hàng đã cắt giảm từ vài trăm đến hàng nghìn vị trí trong vòng 1 – 2 năm trở lại đây.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, quý 1/2025, hơn 21% ngân hàng tiếp tục cắt giảm nhân sự. Theo các chuyên gia phân tích, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động sẽ khiến số phòng giao dịch vật lý và nhân sự ngân hàng tiếp tục giảm mạnh thời gian tới.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 mới công bố, Ngân hàng Lộc Phát (LBBank) đã cắt giảm hơn 1.600 nhân sự, tương đương 14%; Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) năm 2024 giảm gần 1.000 người so năm trước đó…
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của VietinBank, Chủ tịch Trần Minh Bình khẳng định VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm ở hệ thống giao dịch.
Theo kế hoạch, VietinBank dự kiến sẽ giảm bỏ hàng trăm điểm giao dịch, thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng.

Tại Đại hội đồng cổ đông ABBank, ông Vũ Văn Tiền – Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) ABBank cũng nêu, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình toàn diện theo định hướng của Đảng và Nhà nước, ABBank cũng chủ động thực hiện tái cấu trúc toàn diện về mô hình tổ chức.
“Phải thừa nhận rằng mô hình hiện tại còn bảo thủ , thậm chí tồn tại yếu tố bao che khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. Bộ máy đông nhưng không mạnh”, ông Tiền nói và cho hay ngân hàng đã mạnh dạn thực hiện tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30 – 40% nhân sự.
Theo ông Tiền, quan điểm xuyên suốt là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số, khi yêu cầu đặt ra là một người có thể đảm đương công việc của nhiều người trước đây. ABBank bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng tiết lộ công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và AI đang được tập trung thực hiện. Không chỉ giúp kiểm soát rủi ro, hệ thống AI còn cho phép ngân hàng xử lý lượng lớn khoản vay và giải ngân nhanh trong vài giờ.
“Việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank giảm thêm 300 – 500 nhân sự, giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động”, ông Hưng nêu.
Được biết năm 2024 TPBank bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.
Mất việc vào tay AI
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Đình Dũng (Học viện Tài chính) cho rằng ngành ngân hàng thế giới đã chứng kiến 2 xu hướng phát triển chính.
Thứ nhất là chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng truyền thống thông qua phát triển ngân hàng số (Digital banking) và kết nối chia sẻ dữ liệu qua sáng kiến ngân hàng mở (Open banking).

Thứ hai là sự tham gia của các công ty fintech, bigtech vào một phần hoạt động ngân hàng – tài chính. Đi cùng với xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu, xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay đang rất mạnh mẽ.
“Trước đây để sử dụng các sản phẩm của ngân hàng thì khách hàng phải mất thời gian đến tận chi nhánh ngân hàng để thực hiện. Tuy nhiên, với ngân hàng số, khách hàng có thể ngồi ở nhà, chỉ với Điện thoại thông minh kết nối internet thì có thể thực hiện được rất nhiều dịch vụ”, ông Dũng nêu.
Dù đánh giá tỷ lệ cắt giảm so với tổng số nhân sự không nhiều, nhưng PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng làn sóng cắt giảm nhân sự cũng có nguyên nhân từ việc ngành ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số.
“Nhiều công việc trước đó cần thực hiện thủ công, nhưng nhờ công nghệ, các việc này được thực hiện trên môi trường số. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam mà xảy ra ở nhiều ngân hàng trên thế giới”, ông Huân nêu.
Khoảng 5 năm trước đây, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT từng đưa ra dự báo gây nhiều chú ý về tương lai của nhân sự ngành ngân hàng.
Theo ông Tiến, trong vòng 10 năm tới, hàng chục nghìn nhân viên giao dịch ngân hàng, phần lớn có trình độ đại học, sẽ mất việc. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, khiến giao dịch ngân hàng sẽ chủ yếu diễn ra qua các kênh internet. Chưa kể, sự phát triển mạnh mẽ của AI và bigdata, giúp việc đánh giá tín dụng trở nên chính xác và nhanh chóng hơn.
Theo nghiên cứu của Gartner về các ưu tiên hàng đầu và kế hoạch đầu tư công nghệ cho ngành ngân hàng năm 2025, những thay đổi lớn nhất được mong đợi trong các khoản đầu tư công nghệ ngành ngân hàng lần lượt là AI tạo sinh (GenAI) (39%), an ninh mạng/bảo mật thông tin (34%) và AI (33%).
Các báo cáo cũng cho thấy 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hằng ngày.
Kinh phí của các ngân hàng cho GenAI được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỉ USD vào năm 2030 trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 6 tỉ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống Digital Bank sang AI Bank.
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fsong-ngam-cat-giam-nhan-su-nganh-ngan-hang-thoi-chuyen-doi-so-232227.html