Theo ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, muốn ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, trước hết cần có dữ liệu, là phương thức để hệ thống máy móc có thể “nói chuyện, giao tiếp, truyền dữ liệu” được với nhau. Đây là thách thức lớn, đối với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Cụ thể, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến. AI không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh cao, cần được doanh nghiệp xem là mục tiêu chiến lược.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có AI, tại Việt Nam thời gian tới phụ thuộc vào 5 yếu tố. Đó là, sản phẩm AI cần đáp ứng được yêu cầu về tự động hóa thông minh; hỗ trợ hiệu quả việc phân tích dữ liệu lớn; giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất và giảm lãng phí; quản trị sản xuất thông minh để doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn và ứng dụng AI vào phát triển sản phẩm thông minh và có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ninh nhận định, đây là việc không dễ dàng, bởi muốn ứng dụng AI vào sản xuất trước hết cần có dữ liệu, là phương thức để hệ thống máy móc có thể “nói chuyện, giao tiếp, truyền dữ liệu” được với nhau.
Đồng thời, là thách thức với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh khi sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị với nguồn gốc, xuất xứ và thế hệ khác nhau, khó trao đổi dữ liệu và khó tạo thành hệ thống điều hành thông suốt.
Nhằm thúc đẩy ứng dụng AI vào sản xuất, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng AI trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, chế tạo. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn để phục vụ phát triển AI.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị các địa phương cần chủ động xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa (Bộ Công Thương), để AI phát triển mạnh hơn trong công nghiệp, cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và ban hành các tiêu chuẩn AI trong sản xuất. Việc thiết lập các quy chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Tuấn Ngọc (t/h)
https%3A%2F%2Fthuonghieucongluan.com.vn%2Fap-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-san-xuat-thach-thuc-lon-doi-voi-doanh-nghiep-a260445.html