Thông tin trên được bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2025, diễn ra ngày 25/4.
Tại sự kiện, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh dẫn báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho thấy, năm 2024 quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25%. Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo bà Việt Anh, thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng trước những bối cảnh mới, đầy khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại; sức ép lạm phát và rủi ro địa chính trị gia tăng, đặc biệt những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại của các nước lớn. Tình hình này đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ đối với định hướng phát triển và đóng góp của thương mại điện tử đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Thứ hai, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI). Từ cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tự động hóa vận hành, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu tiêu dùng, đến dự báo xu hướng thị trường, AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả gấp nhiều lần.
Thứ ba, hành vi của người tiêu dùng cũng đang có xu hướng thay đổi, dự kiến có sức ép lớn đến sự phát triển của thương mại điện tử.
Người dùng Việt không còn chạy theo khuyến mãi
Trình bày thêm về thực trạng phát triển của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO của Accesstrade cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua liên tục chứng kiến những “cơn sốt” ngắn hạn, từ các đợt khuyến mãi cho đến trào lưu tiêu dùng theo xu hướng. Nhiều doanh nghiệp quá phụ thuộc vào các chương trình ưu đãi mà không chú trọng đến việc xây dựng năng lực nội tại.
“Việc chạy đua giảm giá, đốt tiền cho chiến lược marketing (tiếp thị) để giành thị phần không chỉ bào mòn lợi nhuận mà còn khiến doanh nghiệp lún sâu vào vòng xoáy chi phí, đem lại hiệu quả không tương xứng,” ông Hưng nói.
Theo đại diện Accesstrade, một trong những thay đổi lớn của thị trường hiện nay là sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng. Trước đây người mua bị hấp dẫn bởi các chương trình khuyến mãi lớn, nhưng hiện nay người dùng bắt đầu quan tâm hơn đến trải nghiệm, giá trị thực và tính minh bạch của thương hiệu. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho doanh nghiệp, đó là phải đầu tư cho hệ thống vận hành, dịch vụ và công nghệ, thay vì chỉ phụ thuộc vào “cơn sốt” ngắn hạn.
“Cơn sốt chỉ là hiện tượng nhất thời. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng nền tảng toàn diện, từ sản phẩm, logistics, công nghệ cho đến nhân sự và văn hoá nội bộ,” ông Hưng chia sẻ.
![]() |
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử năm 2025. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) đề xuất 5 giải pháp trọng tâm để doanh nghiệp thương mại phát triển bền vững.
Một là, tận dụng tối đa kênh livestream (phát trực tiếp) không chỉ để tăng doanh số, mà còn để kết nối cảm xúc, tăng tương tác với người tiêu dùng.
Hai là, khai thác các nguồn tiếp thị mới như tiếp thị liên kết (Affiliate marketing). Mô hình này giúp doanh nghiệp chỉ chi tiền khi có kết quả như mang lại đơn hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu, phù hợp với ngân sách của nhiều doanh nghiệp.
Ba là, tối ưu hoá quy trình bán hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Đồng thời áp dụng các mô hình kinh doanh mới như bán lại (Resale), tăng trải nghiệm cá nhân hoá cho khách hàng.
“Các nền tảng thương mại điện tử sẽ không chỉ là nơi mua bán mà còn là không gian kết hợp các yếu tố như tìm kiếm, khám phá, đánh giá và bán hàng. Vì vậy, trong năm 2025, việc xây dựng thương hiệu sẽ không chỉ đơn thuần là bán hàng mà cần kết hợp hài hoà giữa việc truyền tải thông điệp thương hiệu và mang lại giá trị sử dụng thực tiễn cho khách hàng. Trong đó, công nghệ AI là công cụ hỗ trợ đắc lực,” bà Hà cho biết.
Cuối cùng, xây dựng hệ thống bán hàng riêng, giảm phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử lớn.
![]() Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. |
![]() Tổng công ty bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vừa ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao tại Việt Nam do doanh nghiệp này tự làm chủ về công nghệ và vận hành. |
![]() Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về 6 trọng tâm của ngành Tài chính năm 2025, trong đó có đề cập việc đẩy mạnh chống thất thu, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử. |
https%3A%2F%2Fmekongasean.vn%2Fthuong-mai-dien-tu-viet-nam-dat-22-ty-usd-trong-nam-2024-40850.html