Nhằm nâng cao năng lực số và phổ cập Trí tuệ nhân tạo (AI) đến người dân, tỉnh Thái Nguyên triển khai chương trình “Bình dân học AI”, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về nội dung này.
![]() |
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực hành xây dựng, thiết kế website. |
P.V: Xin ông cho biết mục tiêu của chương trình “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?
Ông Đào Ngọc Tuất: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng minh chứng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lao động sản xuất, AI còn giúp mở ra cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu, tạo đột phá trong quá trình chuyển đổi số. Nhận thức được điều này, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch và triển khai chương trình “Bình dân học AI”, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ AI trong đời sống người dân, hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Thời gian qua, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước lan tỏa chương trình “Bình dân học AI” trong toàn tỉnh theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc toàn dân phổ cập kỹ năng số.
Hiện nay, AI không chỉ là công cụ giúp giải quyết các công việc chuyên môn mà còn mở ra cơ hội học tập, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI trở thành chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đưa tỉnh Thái Nguyên bắt kịp và vượt lên trên xu thế hội nhập toàn cầu.
Chương trình “Bình dân học AI” ra đời với sứ mệnh trang bị kiến thức và kỹ năng số cho người dân, giúp người dân kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI, hình thành một nền tảng văn hóa số mang đậm bản sắc “AI xứ Trà” và tư duy “AI First” (Ưu tiên AI), góp phần cụ thể hóa các mục tiêu lớn của tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% các huyện, thành phố ban hành kế hoạch và phát động tham gia chương trình; 100% các cơ quan, đơn vị thành lập nhóm cán bộ nòng cốt lan tỏa chương trình; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo và ứng dụng AI, trong đó 50% đạt cải thiện hiệu quả công việc. Ngoài ra, phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và 80% người trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng AI cơ bản, với ít nhất 50% trong số này sử dụng thành thạo kỹ năng đã học. Đặc biệt, hình thành mạng lưới giảng viên cộng đồng đến từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, kết nối với mạng lưới giảng viên, huấn luyện viên AI toàn quốc; hình thành văn hóa ứng dụng “AI xứ Trà” trong toàn tỉnh.
P.V: Để đạt được mục tiêu trên, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh và UBND tỉnh triển khai những giải pháp gì? Xin ông cho biết kết quả bước đầu đạt được?
Ông Đào Ngọc Tuất: Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở KH&CN đã tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời, huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trong tỉnh để triển khai đầy đủ, đúng nội dung Kế hoạch đã đề ra. Tổ chức phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học AI”; tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương, đơn vị; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thành viên của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình và nhân dân trong tỉnh chủ động, tích cực tham gia học tập, ứng dụng AI trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Cụ thể, Sở KH&CN đã phối hợp với Trung tâm Số (Đại học Thái Nguyên) triển khai chương trình “Bình dân học AI” cho 300 cán bộ, học viên nòng cốt cấp tỉnh. Lớp học đã tạo ra nhiều hoạt động sôi nổi, giúp học viên tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống. Một số học viên đã có thể hướng dẫn lại cho các học viên khác cùng tham gia học tập, góp phần lan tỏa kiến thức AI rộng rãi trong cộng đồng.
Sở KH&CN đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ đào tạo xây dựng nội dung chương trình đào tạo; triển khai, vận hành, phát triển và duy trì nền tảng, công cụ học tập trí tuệ nhân tạo (AI) cho các học viên tham gia chương trình “Bình dân học AI” tại tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, Chương trình “Bình dân học AI” được triển khai hoàn toàn miễn phí đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh thông qua các nhóm học tập “Xứ trà học AI” (nhóm kín) trên Facebook và nền tảng https://luyenai.vn. Học viên khi đăng ký tài khoản sẽ được cấp học bổng 12 tháng miễn phí để học tập, luyện tập hàng ngày theo hướng dẫn của trí tuệ nhân tạo tại hệ thống LuyenAI.vn. Đây là hướng đi mới, giúp nâng cao dân trí số và sẵn sàng cho tương lai công nghệ; đồng thời, tạo ra văn hóa học tập suốt đời và thích ứng công nghệ.
![]() |
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực hành xây dựng, thiết kế website. |
Thời gian qua, Chương trình “Bình dân học AI” đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, những kết quả giai đoạn đầu minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm của Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
P.V: Để chương trình “Bình dân học AI” tiếp tục được lan tỏa và phát huy hiệu quả, theo ông thời gian tới, cần phải làm gì?
Ông Đào Ngọc Tuất: Trong thời gian tới, Sở KH&CN tham mưu cho Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh và UBND tỉnh triển khai, và tổ chức triển khai một số nội dung trọng tâm:
Tiếp tục tổ chức đào tạo và lan tỏa chương trình, đặc biệt là mở rộng đào tạo tại các huyện, thành phố. Không ngừng đổi mới, cải thiện Nền tảng, công cụ học tập trí tuệ nhân tạo (AI), duy trì hoạt động hiệu quả các nhóm học tập “Xứ trà học AI” trên Facebook và nền tảng https://luyenai.vn. Phát huy vai trò 300 thành viên nòng cốt, trong đó, đề dự kiến mỗi thành viên sẽ mở 2-3 khóa học mới, duy trì mạng lưới giảng viên cộng đồng đến từng xã, phường.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh thông tin truyên truyền, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, tiếp tục lựa chọn tôn vinh điển hình tiêu biểu góp phần lan tỏa tinh thần bình dân học AI. Bên cạnh đó, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, báo cáo định kỳ để Sở KH&CN tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có điều chỉnh kịp thời.
Chương trình “Bình dân học AI” không chỉ phổ cập tri thức công nghệ mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động và đời sống người dân. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người dân, phong trào này sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
https%3A%2F%2Fbaothainguyen.vn%2Fnghi-quyet-57%2F202505%2Ftiep-tuc-lan-toa-chuong-trinh-binh-dan-hoc-ai-64c2c07%2F