Với hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng, TikTok đang thành công trong việc triển khai mô hình thương mại trực tuyến qua livestream – vốn phát triển mạnh ở Trung Quốc và từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng phương Tây, nhờ đánh trúng tâm lý khẩn cấp, sự tiện lợi và niềm tin vào review từ người có ảnh hưởng.
Việc lướt TikTok đã trở thành một hình thức thư giãn phổ biến ở các nước phương Tây, nơi người dùng bị cuốn vào “dải băng” nội dung bất tận. Với hơn một tỷ người dùng mỗi tháng, ứng dụng video ngắn này đang dần trở thành hiện tượng mua sắm mới tại đây. Theo TikTok, lĩnh vực bán lẻ trên nền tảng đã tăng trưởng 120% chỉ trong năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Hiện có khoảng 47 triệu người mua sắm đang chi tiêu tới 32 triệu đô la mỗi ngày – con số cho thấy tham vọng thương mại điện tử của TikTok đang bám sát mô hình từng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc: mua sắm qua mạng xã hội và livestream.
Xu hướng bán lẻ này được thể hiện qua các blogger chia sẻ trải nghiệm cá nhân, giới thiệu sản phẩm hoặc thử nghiệm trực tiếp trên video – từ đó khơi gợi sự tin tưởng và thúc đẩy người tiêu dùng đưa ra quyết định mua ngay lập tức.

Ví dụ điển hình từ thị trường Trung Quốc
Xuất hiện vào khoảng năm 2015, lĩnh vực thương mại qua mạng xã hội tại Trung Quốc đã bùng nổ nhanh chóng, trở thành một ngành công nghiệp trị giá 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 227 tỷ đô la) chỉ sau 4 năm. Đến năm 2018, mô hình này chiếm khoảng 14% thị phần trong thị trường bán lẻ trực tuyến trị giá 9 nghìn tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc, tiếp cận hơn 300 triệu người tiêu dùng.
Trong sự kiện livestream Ngày Độc thân (Singles’ Day) năm 2019, nền tảng Taobao Live của Alibaba đã thu về tới 20 tỷ nhân dân tệ chỉ trong vòng 24 giờ. Ngay sau đó, các nền tảng như Douyin, Xiaohongshu và WeChat cũng nhập cuộc, từng bước thay đổi mô hình tiêu dùng trong nước.
Giờ đây, khi TikTok Shop mở rộng sang thị trường phương Tây, hành vi mua sắm đang dần xóa nhòa ranh giới địa lý với Trung Quốc đóng vai trò như một “người tiên phong”, gợi mở viễn cảnh mới cho tương lai ngành bán lẻ toàn cầu.
Đọc thêm: Khi thời trang Việt gây tiếng vang ở Trung Quốc


Kỷ nguyên của mua sắm giải trí – Shoppertaiment
Tại Trung Quốc, mua sắm đã hòa vào đời sống giải trí thông qua thương mại mạng xã hội và điều tương tự đang dần diễn ra ở các nước phương Tây. Trên TikTok, ranh giới giữa nội dung và thương mại ngày càng mờ nhạt, tạo nên một hệ sinh thái nơi việc mua sắm trực tuyến trở thành một phần trong các hoạt động thư giãn thường nhật, không khác gì xem TV hay đọc sách.
Trong một cuộc khảo sát nhỏ với 10 người dùng TikTok Shop tại London, tất cả đều cho biết họ thực hiện các giao dịch mua sắm một cách hoàn toàn tự phát. Và đó chính là cách mà các livestreamer mong muốn người xem hành động: mua sắm bốc đồng.
Thuật toán đề xuất của TikTok kết hợp cùng các ưu đãi lớn, sản phẩm giới hạn – tạo cảm giác cấp bách, khiến người xem tin rằng mình phải mua “ngay lúc này”. Mô hình này vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc, những người từ lâu đã tiếp nhận và yêu thích cách mua sắm mang tính giải trí cao này.

Văn hóa tiện lợi
Năm 2023, khi được Jing Daily phỏng vấn về thói quen tiêu dùng, Julie Sun – một cử nhân Đại học Nghệ thuật London từng nhận xét: “Thương mại điện tử đang xâm chiếm nước Anh”. Đến năm 2025, điều này càng rõ ràng hơn khi TikTok cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến ngày càng đơn giản, liền mạch và hiệu quả hơn cho người dùng phương Tây.
Tại Trung Quốc, hệ sinh thái bán lẻ được thúc đẩy bởi các nền tảng như WeChat và Taobao đã biến sự tiện lợi thành một chuẩn mực văn hóa: từ thanh toán siêu tốc, tích hợp ví điện tử đến mô hình “tất cả trong một” giúp rút ngắn toàn bộ hành trình mua hàng xuống chỉ còn vài cú chạm.
Tin tưởng vào người có sức ảnh hưởng thay vì nền tảng
Tại Trung Quốc, hành vi tiêu dùng cho thấy người mua đặt niềm tin nhiều hơn vào con người hơn là thương hiệu – điều này được phản ánh rõ qua sự bùng nổ của hình thức mua sắm livestream. Thương mại mạng xã hội tại đây phát triển mạnh nhờ các đề xuất đến từ những nhà sáng tạo nội dung mà người xem có cảm tình, thay vì từ quảng cáo truyền thống.
Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy chỉ 13% người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng mạng xã hội ít ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ – con số này cao hơn đáng kể ở Mỹ (36%) và châu Âu (56%).
Katie Barnett, một nhà tiếp thị sống tại Edinburgh, cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân:
Tôi rất dễ bị cuốn vào những quảng cáo của các nhà sáng tạo đang bán hàng trên TikTok Shop, đặc biệt nếu đó là người có gu mà tôi yêu thích hoặc đã theo dõi từ trước.


Dự đoán tương lai phía trước
Sự bùng nổ của TikTok Shop tại các thị trường phương Tây đã mở ra một kỷ nguyên tiêu dùng mới nhưng với những ai từng theo dõi sự phát triển của thương mại điện tử tại Trung Quốc, viễn cảnh này lại vô cùng quen thuộc. Người tiêu dùng phương Tây có thể sẽ điều chỉnh hành vi: thời gian chú ý ngắn hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào đề xuất từ bạn bè hoặc người có ảnh hưởng, kỳ vọng cao về tốc độ và dịch vụ, cùng xu hướng ra quyết định mua hàng dựa trên cảm xúc ngày càng rõ nét.
Đây là lúc các thương hiệu, đặc biệt là các nhà mốt xa xỉ, cần nhìn nhận những chuyển biến này một cách nghiêm túc để phát triển các chiến lược bán lẻ linh hoạt, kết hợp giữa không gian vật lý và trải nghiệm kỹ thuật số tích hợp, phù hợp với kỷ nguyên tiêu dùng mới. Trung Quốc đã cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi giải trí, tiện lợi và cảm giác khẩn cấp giao thoa. TikTok Shop chỉ đơn giản là đang đưa mô hình ấy đến gần hơn với phần còn lại của thế giới.
Đọc thêm: Glossier tham gia TikTok Shop – Bước đi chiến lược nắm bắt Gen Z

Chuyển ngữ theo Jingdaily
https%3A%2F%2Fstylerepublik.vn%2Ftiktok-shop-dang-thay-doi-cach-toan-cau-mua-sam