27.4 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025

Tôi cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học, thực hiện rất khó khăn

Must read

<a href=Điện thoại – Ảnh 1.” title=”” rel=”lightbox” photoid=”167112651391852544″ src=”https://cdn2.tuoitre.vn/471584752817336320/2025/7/11/dien-thoai-172601858062727748332-1752216720893363253631.jpg” type=”photo” style=”max-width:100%;” width=”730″ height=”450″ fetchpriority=”high”/>

Học sinh sử dụng điện thoại ở TP.HCM – Ảnh: Q.Đ.

Tại hội nghị giao ban sau khi sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Hiếu – giám đốc sở, về nội dung yêu cầu Phòng học sinh, sinh viên nghiên cứu phương án không cho học sinh sử dụng điện thoại, trừ một số trường hợp.

Thông tin này ngay lập tức được phần đông phụ huynh, dư luận xã hội nhiệt tình ủng hộ. Cuộc thăm dò ngắn trên Tuổi Trẻ Online (tính đến 18h ngày 10-7) cũng đã ghi nhận 1.319/1.582 ý kiến, tức khoảng 83,3%, đồng tình với việc nên cấm.

Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường là chủ trương đúng đắn, nhưng giải pháp nào để các em tự nguyện “buông” điện thoại là vấn đề cần bàn.

Cấm điện thoại, hiệu quả học tập, tư duy nâng cao

Tôi chứng kiến rõ những hệ lụy từ việc người học lạm dụng điện thoại. Đó là sự mất tập trung, ít vận động, suy giảm kỹ năng giao tiếp trực tiếp, lệ thuộc vào mạng xã hội, và bị cuốn vào nhiều nội dung xấu, độc.

Trong một số buổi dạy, để phù hợp với nội dung bài giảng, tôi yêu cầu học trò không sử dụng điện thoại, để các bạn có thể tự mình giải quyết bài tập được đưa ra. 

Tuy vậy bên cạnh biểu hiện thiếu kiên nhẫn khi không có thiết bị trong tay, nhiều bạn tỏ ra lúng túng vì đã quen dùng điện thoại để tra cứu, lệ thuộc vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay vì tự mình suy nghĩ, phân tích.

Thế nên tôi quyết định áp dụng việc cấm điện thoại ở nhiều buổi học hơn, với hy vọng kéo dần các bạn về trạng thái tư duy học tập độc lập cần có. 

Thời gian đầu thực hiện rất khó khăn, nhất là vì tâm lý phản kháng, tôi phải giải thích để các bạn hiểu rõ nguyên nhân, mục đích của việc cấm dùng điện thoại trong buổi học đó. 

Tiến độ bài giảng cũng bị chậm lại, tôi mất nhiều công sức hơn để hướng dẫn các bạn từng chút một. Nhưng khi dần quen, hiệu quả học tập, khả năng tư duy độc lập của các bạn cũng được nâng cao.

Việc cấm điện thoại, kể cả trong giờ ra chơi, là cần thiết với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên đó không nên là điểm kết thúc, mà phải là sự khởi đầu cho một chiến lược giáo dục toàn diện.

Buông điện thoại, tạo khu vui chơi, làm “trạm tâm lý” cho học sinh

Muốn học sinh quên đi chiếc điện thoại vào giờ ra chơi thì khoảng thời gian ấy phải được lấp bằng hoạt động thực chất, nơi học sinh được chơi, được tương tác, được sống đúng với lứa tuổi.

Chúng ta có thể làm mới các không gian vận động nhẹ, sân chơi thể chất linh hoạt với đa dạng môn thể thao: cầu lông, đá cầu, bóng rổ, nhảy dây, bóng chuyền mini… 

Cần quy hoạch từng khu vực, chuẩn bị sẵn vài bộ dụng cụ, để các em dễ dàng giải phóng năng lượng. 

Có thể cử lớp trực nhật hoặc nhóm học sinh phụ trách mượn trả dụng cụ, vừa tăng ý thức giữ gìn tài sản chung, vừa phát huy vai trò tự quản.

Đối với những học sinh không thích thể thao, chúng ta thiết kế khu vực giải trí sáng tạo với bàn gỗ, giấy vẽ, bút màu, trò chơi trí tuệ như cờ vua, cờ tướng, rubik, sudoku, góc đọc sách, truyện… 

Từ đó xây dựng các mô hình câu lạc bộ thư viện ngoài trời, người kể chuyện qua tranh, kỳ phùng địch thủ…

Học sinh ngày nay cũng thường có nhu cầu giải tỏa tâm lý. Một “trạm tâm lý” nhỏ với góc thư giãn bằng giấy note treo điều ước, ghế nghỉ, bảng viết tâm trạng có thể trở thành điểm đến chữa lành giúp các em trút bỏ căng thẳng, chia sẻ những lo âu theo cách tự nhiên, như một dạng trị liệu nhẹ nhàng.

Để tránh nhàm chán, các trường cũng cần tổ chức các hoạt động chủ đề theo tuần, tháng gắn với những ngày lễ kỷ niệm: “Tuần lễ trò chơi dân gian”, “Tháng giao lưu kỹ năng sống”, “Giờ ra chơi âm nhạc”, “Tri ân những người phụ nữ quanh ta”…

Đừng làm theo kiểu máy móc, rập khuôn

Thực tế có những nội dung trên đã được triển khai ở nhiều trường. Tuy vậy để các hoạt động này đi vào thực chất và lâu dài, rất cần tạo cho học sinh cảm giác được là “người trong cuộc”.

Ở nhiều trường, các hoạt động vẫn thường do ban giám hiệu chỉ định, rồi áp đặt, ấn định xuống các lớp. Ban cán sự các lớp lại tiếp tục triển khai một cách máy móc, rập khuôn. Thế nên các hoạt động vào giờ ra chơi, cũng như các hoạt động chủ đề chủ điểm thường ít được học sinh quan tâm đúng mức.

Chúng ta nên thành lập ban hoạt động giờ ra chơi gồm học sinh các khối, có sự quan sát, hỗ trợ của phía Đội/Đoàn ở mức độ vừa phải, chủ yếu để các bạn tự vận hành. Với các hoạt động tuần, tháng, học sinh là người đề xuất ý tưởng, lập kế hoạch, xây dựng sân chơi, thầy cô chỉ đứng ở vai trò gợi ý, góp ý.

Có như vậy các em mới học được cách làm chủ bản thân, kết nối bạn bè, rèn luyện năng lực tổ chức. 

Khi trao quyền cho học sinh, để các em tự mình trải nghiệm và thể hiện bản lĩnh sáng tạo, các em sẽ cảm thấy được trân trọng, tăng tự tin, từ đó chủ động, hào hứng tham gia với những giờ ra chơi, những hoạt động tập thể đúng nghĩa.

Gia đình cũng nên có thời gian biểu sinh hoạt, tránh mỗi người ôm cái điện thoại

Nếu ở trường cấm, nhưng về nhà phụ huynh lại cho các em thoải mái dùng điện thoại cả buổi tối thì hiệu quả khó bền vững. Gia đình cũng cần “thiết kế” thời gian biểu sinh hoạt ở nhà theo hướng tăng cường tương tác giao tiếp giữa các thành viên, nhằm xây dựng sự kết nối, tránh tình trạng mỗi người ôm một chiếc điện thoại, “chìm đắm” trong thế giới của riêng mình.

Nếu thầy cô giao bài tập về nhà, hướng dẫn trao đổi với học sinh thông qua các nhóm chat, phụ huynh có thể xem cùng con. Như vậy vừa giúp con trẻ dùng điện thoại ở mức độ hợp lý, vừa kịp thời nắm bắt tiến độ, trình độ học tập của con, vừa thêm gần gũi tình thân gia đình.



Đọc tiếp



Về trang Chủ đề

https%3A%2F%2Ftuoitre.vn%2Ftoi-cam-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-gio-hoc-thuc-hien-rat-kho-khan-20250711140429252.htm

Địa chỉ Mua hàng Iphone, Macbook, Ipad, Apple Watch chính hãng Uy tín nhất, dẫn đầu, được số đông khách hàng chọn lựa: Thế Giới Di Động 127 Trần Hưng Đạo (đối diện Bến xe TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article