Xe điện sạch và ít ồn, nhưng tài xế xe công nghệ được hỗ trợ chuyển đổi thế nào là thắc mắc của nhiều độc giả.
“Tôi ủng hộ định hướng chuyển sang dùng xe điện, nhưng có một số điểm thật sự cần lưu ý:
Thứ nhất, nên đi theo hướng khuyến khích trước, ví dụ nếu xe xăng thì sẽ có phí quản lý môi trường hàng năm hay khi đăng ký xe xăng mới bị thu phí môi trường cao.
Thứ hai, cần xem xét nguồn điện dự tính và quan trọng nhất là an toàn điện.
Nên thực hiện các chính sách ngay, tuy nhiên thay vì áp dụng có tính tuyệt đối thì áp dụng từng bước (vì còn phải khảo sát an toàn điện, phòng chống cháy nổ, tuổi thọ xe so với xe xăng, tuổi thọ và xử lý pin…).
Xe điện rất sạch và ít ồn, nghe mấy xe xăng nẹt ga tôi thấy rất mệt, chưa kể mùi xăng ô nhiễm, hy vọng là về dài hạn có thể thực hiện”.
Độc giả nickname QTr bình luận như trên, bày tỏ ủng hộ TP HCM định chuyển đổi toàn bộ xe máy công nghệ sang điện, đồng thời nêu hai điểm cần lưu ý khi thực hiện.
Thông tin tại cuộc họp ngày 17/5, UBND TP HCM cho biết quy mô dự kiến chuyển đổi xe điện cho tài xế công nghệ là khoảng 400.000 chiếc.
Các đơn vị phụ trách đã khảo sát thực địa, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp với trạm sạc điện cho tài xế công nghệ. Kế hoạch tổng thể sẽ được hoàn thiện trong tháng 6 để lấy ý kiến chuyên gia. Dự kiến, lộ trình thực hiện cụ thể được công bố vào tháng 7.
Độc giả nhavy2599 nói: “Phải nghiên cứu thật kỹ để mang lại hiệu quả thật sự. Xe xăng chuyển qua xe điện thì chỗ sạc như thế nào? Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trạm sạc, tốc độ sạc, sức mạnh của xe”.
Vấn đề tài chính của tài xế xe công nghệ được nhiều độc giả lưu ý: “Ủng hộ nhưng phải có chính sách hỗ trợ như thu mua lại xe cũ, hỗ trợ về giá và vay mua xe điện mới cho tài xế, đây là một bộ phận khác đông, đa phần là có điều kiện kinh tế không được tốt lắm”, độc giả nickname joong hoo Lee nói.
“Ủng hộ, nhưng về góc độ tài xế thì tiền đâu họ mua xe điện, trong khi xe máy họ đang có (có thể là mua trả góp)”, độc giả Ngoc Tuoi.
“Với những người chạy xe công nghệ kiếm cơm hàng ngày thì việc chuyển đổi có thể là một gánh nặng đối với họ. Phải có chính sách hổ trợ phù hợp thì mới hiệu quả”, độc giả Thanh Nguyễn nói.
Để xanh hóa giao thông, TP HCM cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý IV, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ôtô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp. Đề án này cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện, hạn chế phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại trung tâm và huyện Cần Giờ… nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sở Xây dựng đang đánh giá tác động và điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo khả thi sau khi TP HCM mới hình thành, gồm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Hữu Nghị tổng hợp
https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fnhung-diem-luu-y-khi-tp-hcm-chuyen-doi-xe-may-cong-nghe-sang-xe-dien-4887955.html