33.4 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Sáu, Tháng 7 18, 2025

TP.HCM định hướng chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Must read

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp – logistics – năng lượng đồng bộ; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất; cơ chế thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ; chiến lược đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và kiểm soát ô nhiễm, thúc đẩy công nghiệp xanh.

TP.HCM kỳ vọng sẽ xây dựng các khu công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT và phát triển chuỗi cung ứng bền vững, qua đó khẳng định vai trò trung tâm sản xuất – công nghiệp hàng đầu cả nước.

anh2-1752736821.jpg
Quang cảnh buổi toạ đàm

Phát biểu tại toạ đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định công nghiệp không chỉ là trụ cột kinh tế mà còn là động lực lan tỏa, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Trong năm 2024, TP.HCM ước đạt GRDP hơn 104 tỉ USD – cao nhất cả nước, với khu vực công nghiệp đóng góp khoảng 30%.

Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn đang kìm hãm đà phát triển. Logistics chiếm 16 – 20% giá thành sản phẩm, quỹ đất công nghiệp hạn chế, năng suất lao động còn thấp và tỷ lệ tự động hóa chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa theo kịp xu thế chuyển đổi số, công nghiệp xanh và yêu cầu thị trường xuất khẩu, đặc biệt khi các rào cản kỹ thuật và thuế quan từ các thị trường lớn như Mỹ ngày càng gia tăng.

Nhằm giải quyết các nút thắt cản trở phát triển công nghiệp, chương trình tọa đàm tập trung vào thảo luận 5 nhóm vấn đề trọng tâm:

Giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp – logistics – năng lượng đồng bộ:

Các chuyên gia tập trung phân tích giải pháp để hình thành các khu công nghiệp hiện đại, công viên khoa học công nghệ, cụm logistics tích hợp phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng toàn cầu. TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để giảm chi phí logistics, chi phí mặt bằng và đảm bảo hạ tầng năng lượng cho công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp xanh.

Chiến lược đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa và năng suất lao động:

Công nghiệp TP.HCM cần được tái định vị để sản xuất ra các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, gắn với các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần xây dựng đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT, dữ liệu lớn và tự động hóa toàn diện được xem là điều kiện sống còn để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.

Cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ:

Tọa đàm nêu rõ TP.HCM cần ban hành các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như vật liệu mới, linh kiện công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao và năng lực quản trị sản xuất hiện đại:

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Thành phố cần các giải pháp đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất thông minh, bền vững. Việc gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để hình thành hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo.

Kiểm soát ô nhiễm, phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn:

Đổi mới công nghiệp không thể tách rời các yêu cầu về môi trường. Tọa đàm nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon và áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn.

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nêu quan điểm, trong bối cảnh mới, TP.HCM nên phát triển theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp. Trong đó, định vị TP.HCM cũ là trung tâm R&D, kiểm định, tài chính, logistics và điều phối công nghiệp vùng. Bình Dương (cũ) sẽ là cực sản xuất công nghệ cao, tập trung cơ khí, điện tử, dệt may thông minh, chế biến sâu. Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm năng lượng, cảng biển và logistics chuyên dụng.

Ông Điền cho rằng việc quy hoạch không gian công nghiệp nên đi theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp theo hướng phân vai. Đặc biệt, trong đó, TP.HCM nên dẫn dắt xây dựng bản đồ chuỗi giá trị vùng và giữ vai trò trung tâm điều phối chuỗi giá trị vùng.

TS Huỳnh Thanh Điền khẳng định hiếm có địa phương nào có trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp như vậy. Việc này đồng thời sẽ là động lực phát triển lan tỏa ra toàn vùng Đông Nam bộ là Tây Ninh mới, Đồng Nai mới và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh việc hợp nhất ba địa phương công nghiệp trọng điểm đã tạo ra vùng động lực mới, song mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn còn dựa vào công nghiệp truyền thống, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp và đang có xu hướng giảm tỷ trọng trong GRDP.

Trước bối cảnh mới, lãnh đạo TP.HCM đề xuất định hướng chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn, nâng cấp chuỗi giá trị và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với liên kết vùng.

Cần phát huy vai trò liên kết “ba nhà” – nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để tạo động lực đột phá. Đồng thời, các sở ngành cần khẩn trương rà soát quy hoạch công nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng khu công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đầu tư bền vững.

https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Ftp-hcm-dinh-huong-chuyen-doi-mo-hinh-phat-trien-cong-nghiep-theo-huong-ung-dung-cong-nghe-cao-235050.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article