Hà NộiHàng trăm trí thức trẻ người Việt trở về từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đề xuất Việt Nam ứng dụng công nghệ để kiểm soát vòng đời công trình, nâng cao hiệu suất lao động… trước thách thức biến đổi toàn cầu.
Các ý kiến được nêu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI được tổ chức từ ngày 19 đến 21/7 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Hải Đăng
Thảo luận về chủ đề đường sắt cao tốc TS Phạm Anh Tuấn, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển, đã chỉ ra một trong những điểm yếu hiện nay là việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa tích hợp đầy đủ các dữ liệu khí hậu trong tương lai. Các công trình vẫn được thiết kế dựa trên điều kiện thời tiết quá khứ, dẫn đến nguy cơ cao trước các thay đổi đột ngột của môi trường.
TS Tuấn đề xuất phát triển hạ tầng số và Trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp giữa hạ tầng vật lý và các công nghệ hỗ trợ việc thu thập, phân tích, chia sẻ và ứng dụng dữ liệu trong suốt vòng đời công trình từ thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì.
Ông Tuấn cũng gợi ý tư duy quy hoạch đô thị cần thay đổi để hướng đến sự bền vững và thích ứng với khí hậu, như quy hoạch đô thị nén (compact cities) giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng sạch như xe điện, tàu điện…

TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Hải Đăng
PGS. TS Trần Lê Hưng, Đại học Gustave Eiffel, Pháp cũng nhìn nhận một trong những trụ cột then chốt của hạ tầng bền vững là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình quản lý vòng đời công trình. Việt Nam cần khuyến khích triển khai hệ thống cảm biến thông minh (IoT) để giám sát tình trạng công trình theo thời gian thực; đồng thời phát triển mô hình dự báo sụt lở, ngập lụt bằng AI và các công nghệ mô phỏng số để nâng cao năng lực đánh giá rủi ro và ra quyết định kịp thời.
PGS Hưng cũng đề xuất thiết kế các chương trình đào tạo kỹ sư hạ tầng thế hệ mới, tích hợp kiến thức về khí hậu, kỹ thuật xanh, và các công nghệ số như mô hình thông tin công trình (BIM), dữ liệu lớn (Big Data) và AI. Những chương trình này nên được triển khai ở cả bậc đại học và đào tạo nghề, giúp hình thành lực lượng lao động có khả năng thiết kế và vận hành hạ tầng trong điều kiện khí hậu thay đổi.

PGS Trần Lê Hưng trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Hải Đăng
Trong phiên thảo luận về “Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động”, PGS Hồ Phạm Minh Nhật, Đại học Texas, Mỹ, đã chỉ ra một số thách thức chính trong phát triển công nghệ AI tại Việt Nam. Trong đó thách thức đáng kể là sự khan hiếm dữ liệu được gắn nhãn và không được gắn nhãn, sự mất cân bằng đáng kể giữa nhu cầu về các chuyên gia AI đạt chuẩn quốc tế và nguồn cung hiện có ở Việt Nam…
Giải quyết thách thức này TS Lê Duy Dũng, Đại học Vinuni cho rằng “bài toán cần được giải bằng sức mạnh của cộng đồng nghiên cứu có tính hợp lực cao, cùng chia sẻ dữ liệu, công cụ và tri thức”.
Theo TS Dũng, việc tận dụng trí tuệ tập thể (collective intelligence) trở thành chiến lược then chốt để vượt qua những thách thức cố hữu như thiếu hụt dữ liệu gắn nhãn, nguồn lực phân tán, và khoảng cách trình độ giữa các nhóm nghiên cứu trong nước với chuẩn mực quốc tế. Cần phát triển một nền tảng chung để các nhóm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ và cơ quan nhà nước có thể đồng thuận chia sẻ dữ liệu mở, công cụ mở, tri thức mở.
Ở chủ đề bán dẫn TS Nguyễn Mạnh Đức, Kỹ sư thiết kế vi mạch cao cấp, LUCID Microsystems, Hàn Quốc cho rằng, hệ sinh thái bán dẫn cần được xem là “hạ tầng của hạ tầng”. Bởi đây là nền móng cho mọi đột phá công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, 5G hay các hệ thống điều khiển thông minh. Cơ sở hạ tầng bán dẫn là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
TS Đức đề xuất Việt Nam cần đầu tư dài hạn và bài bản để thiết lập đầy đủ hệ sinh thái bán dẫn. Lộ trình cần đi theo hướng từng bước xây dựng các khâu then chốt, bao gồm thiết kế vi mạch, sản xuất, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa.
Ông Đức kiến nghị mô hình nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và sự kết nối với mạng lưới quốc tế để phát triển hệ sinh thái bán dẫn bền vững. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện để các startup chuyên về thiết kế chip tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với định hướng liên kết với các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam không chỉ cần thu hút các chuyên gia kỹ thuật cao mà còn cần mời các chuyên gia bán hàng, truyền thông và chiến lược thị trường, nhằm giúp hệ sinh thái bán dẫn trong nước phát triển toàn diện và đủ sức cạnh tranh trên bình diện khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đánh giá, các đề xuất cho thấy đội ngũ trí thức trẻ lan tỏa một tinh thần sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng đảm nhiệm trách nhiệm với những bài toán lớn của đất nước. Không còn khoảng cách giữa người nghiên cứu và người hành động – giữa lý thuyết và thực tiễn. “Các đại biểu đã bước ra khỏi phạm vi chuyên môn hẹp của mình để cùng suy nghĩ về an ninh năng lượng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số giáo dục hay tương lai của nông nghiệp bền vững”, ông Lâm nói.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là Diễn đàn thường niên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2018. Qua 5 kỳ diễn đàn, đã có sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam.
Diễn đàn năm nay có 201 đại biểu chính thức tham gia, trong số này 35.8% là đại biểu đang công tác và làm việc tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Diễn đàn lần thứ VI đã kiện toàn và ra mắt ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu nhiệm kỳ 2025-2027.
Hải Đăng
https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Ftri-thuc-tre-hien-ke-ung-dung-cong-nghe-thich-ung-voi-bien-doi-toan-cau-4916629.html