25 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 4 29, 2025

Trí tuệ nhân tạo AI và sự hiện diện trong ngành Luật

Must read

(PLO)- Với việc Trí tuệ nhân tạo AI hiện diện và ứng dụng ngày càng nhiều trong ngành luật, các chuyên gia có ý tưởng mở thêm chuyên ngành mới.

Ngày 16-4, Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Pháp luật và Công nghệ mới” để các chuyên gia, diễn giả và người tham dự cùng nhau trao đổi, thảo luận về trí tuệ nhân tạo (AI) với ngành luật.

Phải chăng nên có ngành học mới “Luật và Công nghệ”?

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế – Luật, cho biết quyền tiếp cận công lý là một quyền có tính chất phổ quát nhất của mỗi con người. Hiện nay có rất nhiều công cụ AI mà bất cứ người dân nào cũng có thể tiếp cận và được AI giải đáp, hướng dẫn thậm chí là đưa ra giải pháp về một vấn đề pháp lý.

Theo PGS. TS Diệp không thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại, song đối với lĩnh vực pháp lý là lĩnh vực có tính chất chuyên ngành thì AI vẫn có thể mang lại những rủi ro mà người sử dụng gặp phải.

trí tuệ nhân tạo
Các chuyên gia cho rằng việc mở thêm chuyên ngành về Luật và Công nghệ là hoàn toàn khả thi trong thời đại trí tuệ nhân tạo hiện diện ngày càng nhiều trong lĩnh vực pháp luật. Ảnh: UEL

Rủi ro ở đây có thể về mặt kỹ thuật và rủi ro về mặt pháp lý. Cụ thể, AI bản chất là phân tích, xử lý nguồn dữ liệu mà con người cung cấp để đưa ra giải pháp, ý tưởng cho người dùng. Trong khi xã hội không ngừng biến động các mối quan hệ, giao dịch và AI khó có thể cập nhật kịp. Do vậy là nếu AI vận dụng, áp dụng sai pháp luật có thể dẫn đến rủi ro pháp lý rất nghiêm trọng. Rủi ro liên quan đến quyền dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư….

Dẫn chứng cụ thể về ứng dụng AI trong hoạt động tư pháp, TS Huỳnh Phạm Duy Anh, Trường Đại học Kinh tế – Luật, cho biết từ năm 2022, TAND Tối cao đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào trong hệ thống toà án thông qua dự án Trợ lý ảo TAND.

Đây là một phần mềm ứng dụng AI được phát triển riêng biệt để phục vụ hoạt động của TAND, hỗ trợ các Thẩm phán và Thư ký tòa trong quá trình tiến hành tố tụng. Nguồn dữ liệu sử dụng trong phần mềm này là nguồn dữ liệu chính thống được lưu trữ, cập nhật liên tục trong ngành TAND.

Chia sẻ thêm về việc ứng dụng phần mềm AI này, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (nguyên Chánh án TAND TP.HCM), cho biết theo số liệu thống kê thì TAND hai cấp TP.HCM có số lượng án phải giải quyết hằng năm rất lớn dẫn đến việc khối lượng công việc mà thư ký, thẩm phán phải giải quyết là rất nhiều. Phần mềm trợ lý ảo đã phần nào giúp cho cán bộ, công chức ngành Toà án giảm tải áp lực công việc, song vẫn cần phải cập nhật, bổ sung thêm để AI giúp nhiều công việc hơn nữa cho thẩm phán, thư ký toà.

Trước vấn đề AI ngày càng giúp được nhiều trong lĩnh vực và ngành Luật, nhiều đại biểu tham dự đã đặt vấn đề nên chăng tương lai gần các trường mở thêm ngành học Luật và Công nghệ để giúp cho sinh viên vừa có kiến thức về AI, vừa có kiến thức luật.

Nêu ý kiến, PGS.TS Ngô Hữu Phước, Trường Đại học Kinh tế – Luật, cho biết với xu hướng phát triển từ bình diện khu vực và toàn cầu, trong đó có sự ảnh hưởng, tác động rất nhanh chóng của khoa học, công nghệ mới gồm trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, dữ liệu lớn cũng như xu hướng giảng dạy, nghiên cứu thì sắp tới ý tưởng mở khoa chuyên ngành đạo tạo về “Luật và Công nghệ” là hoàn toàn khả thi và cần thiết.

Bài toán bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cũng tại dự thảo các chuyên gia đã thảo luận và bàn về những vấn đề của dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.

IMG_6654.jpeg
Bảo vệ dữ liệu cá nhân và xác định tài sản số là một trong những vấn đề được quan tâm trong dự thảo Luật Công nghiệp và Công nghệ số. Ảnh: UEL

Theo PGS.TS. Trần Thăng Long, Trường Đại học Luật TP.HCM, trong nền kinh tế số hiện nay dữ liệu cá nhân có vai trò rất quan trọng. Dữ liệu cá nhân là động lực cho cá nhân hóa dịch vụ, phát triển công nghệ như xây dựng niềm tin người dùng, và hỗ trợ hội nhập quốc tế.

Tại Việt Nam, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số được xây dựng để thúc đẩy công nghệ số thành ngành kinh tế nền tảng, nhưng phải đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng và quyền riêng tư. Trong khi đó, quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên Minh Châu Âu (GDPR) có hiệu lực từ 2018, là khung pháp lý hữu hiệu bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp và định hình tiêu chuẩn toàn cầu.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho thấy các quy định còn phân tán, thiếu chi tiết và yếu thực thi, dẫn đến chưa tạo dựng được nền tảng cho sự phát triển của công nghệ số nói riêng và nền kinh tế số nói chung.

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia nêu ra là quy định về tài sản số trong dự thảo luật.

Theo đó, Điều 8 của dự thảo luật đã nêu ra khái niệm về tài sản số, đây được xem là nền tảng quan trọng để nhận diện và quản lý tài sản số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả, Điều 8 cần làm rõ khái niệm, đặc điểm và phạm vi của tài sản số nhằm tránh sự mơ hồ trong áp dụng pháp luật, đồng thời tạo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Có một khung pháp lý chặt chẽ về tài sản số không chỉ tạo niềm tin cho thị trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng đến hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc cho thấy sự cần thiết của một định nghĩa linh hoạt và cơ chế quản lý phù hợp để kiểm soát rủi ro.



https%3A%2F%2Fplo.vn%2Ftri-tue-nhan-tao-ai-va-su-hien-dien-trong-nganh-luat-post844678.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article