Theo công bố của Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc ngày 6/5, Baidu – một trong những gã khổng lồ công nghệ của nước này – đã chính thức nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ mang tính đột phá này.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, bằng sáng chế mà Baidu theo đuổi đại diện cho nỗ lực mới nhằm tận dụng Trí tuệ nhân tạo để giải mã quá trình giao tiếp của động vật.
Tài liệu được công bố trên website của Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc mô tả một hệ thống có khả năng thu thập dữ liệu từ động vật như âm thanh giọng nói, hành vi, ngôn ngữ cơ thể, các tín hiệu sinh lý và thay đổi hành vi.
Những thông tin này sau đó sẽ được xử lý và tích hợp để AI phân tích, từ đó xác định trạng thái cảm xúc của động vật và chuyển đổi sang ngôn ngữ con người.
Theo đó, các trạng thái cảm xúc sau khi được xác định sẽ được ánh xạ thành ý nghĩa ngữ nghĩa rồi dịch sang ngôn ngữ mà con người có thể hiểu.

Phía Baidu mô tả công nghệ này khai thác sức mạnh từ ba lĩnh vực chính của AI: học máy – cho phép hệ thống học từ các bộ dữ liệu lớn; học sâu – sử dụng mạng nơ-ron để phân tích giọng nói và chuyển động; và xử lý ngôn ngữ tự nhiên – ứng dụng các kỹ thuật tính toán vào việc hiểu và tổng hợp ngôn ngữ tự nhiên và lời nói.
Đáng chú ý, trong trường hợp hệ thống gặp phải các mẫu giọng nói không khớp với bất kỳ bản ghi cảm xúc nào trước đó, nhóm nghiên cứu sẽ gán nhãn thủ công cho dữ liệu, cập nhật kho mẫu và điều chỉnh tham số của mô hình để nâng cao độ chính xác trong các lần xử lý tiếp theo.
Đại diện Baidu cho biết, nếu được triển khai thành công, hệ thống AI này có thể tạo điều kiện cho một “giao tiếp cảm xúc sâu sắc hơn và hiểu biết hơn giữa động vật và con người, cải thiện độ chính xác và hiệu quả của giao tiếp giữa các loài”. Tuy vậy, khi được hỏi về thời điểm ra mắt chính thức, phát ngôn viên của Baidu cho biết: “Hiện tại, nó vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu”.

Thông tin về sáng chế hiện đang thu về nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trên nền tảng Weibo, một số người dùng bày tỏ sự háo hức trước khả năng hiểu rõ hơn cảm xúc của thú cưng, trong khi một số khác tỏ ra hoài nghi.
“Mặc dù nghe có vẻ ấn tượng, nhưng chúng ta cần phải xem nó hoạt động như thế nào trong các ứng dụng thực tế,” một người dùng bình luận.
Ông You Yunting, đại diện pháp lý của Công ty Luật Debund tại Thượng Hải lưu ý việc công bố đơn xin cấp bằng sáng chế không đồng nghĩa với việc bằng sáng chế đã được chấp thuận. Theo ông, quy trình xét duyệt có thể kéo dài đến một năm trong trường hợp thuận lợi nhất.
Trên thế giới, nhiều nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện. Dự án Sáng kiến Dịch thuật Cá voi CETI bắt đầu từ năm 2020 đã sử dụng AI và phân tích thống kê để nghiên cứu cách cá nhà táng giao tiếp. Trong khi đó, Dự án Earth Species – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2017 với sự tài trợ từ đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman – cũng sử dụng công nghệ AI để giải mã giao tiếp của động vật.
https%3A%2F%2Fvietnamfinance.vn%2Ftrung-quoc-chuan-bi-ra-mat-ai-phien-dich-tieng-dong-vat-d126466.html