22.5 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 5 11, 2025

Ứng dụng AI cho người yếu thế

Must read

Phong trào “bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động hướng đến mục tiêu phổ cập kiến thức công nghệ số cho cộng đồng, trong đó có ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong nỗ lực đưa AI vào mọi lĩnh vực cuộc sống, những đối tượng thuộc nhóm người yếu thế (lớn tuổi, không rành về công nghệ, cũng như khuyết tật) cũng cần được quan tâm.

Trợ lý đắc lực

Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc (LHQ) có nhiều dự án, chương trình nhằm xây dựng tương lai dễ tiếp cận cho mọi người, trong đó có nhấn mạnh tới việc ứng dụng AI giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập xã hội.

Công nghệ có thể là những công cụ mạnh mẽ để giúp những người yếu thế dễ dàng hòa nhập xã hội. Thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, giáo dục hoặc thị trường việc làm, giờ đây công nghệ AI có tiềm năng để thay đổi cuộc sống và tạo ra một thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận hơn cho mọi người. Tuy nhiên, theo LHQ, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác.

Năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng LHQ từng lưu ý rằng hơn 2,5 tỉ người cần một hoặc nhiều sản phẩm hỗ trợ, chẳng hạn như xe lăn, máy trợ thính hoặc các ứng dụng hỗ trợ giao tiếp và nhận thức. Nhưng thực tế, có gần 1 tỉ người đã bị từ chối quyền tiếp cận. Trong báo cáo về AI và quyền của NKT, ông Gerard Quinn, cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền của NKT, giải thích các hệ thống hỗ trợ AI mang đến những cơ hội mới cho việc hòa nhập của NKT. Chúng có thể giải quyết các nhu cầu cá nhân cụ thể và mở rộng khả năng để NKT có thể sống tự lập. Bằng cách cải thiện các công nghệ hỗ trợ, AI có thể tăng cường khả năng di chuyển cá nhân. Chẳng hạn, giúp xác định các tuyến đường có thể tiếp cận, hỗ trợ giao tiếp thông qua phần mềm theo dõi mắt và nhận dạng giọng nói, cho phép NKT tiếp cận thông tin và giáo dục. Trợ lý kỹ thuật số, phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản, phụ đề video và mô tả hình ảnh được tạo tự động, hình đại diện ngôn ngữ ký hiệu, chân tay giả và thậm chí hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Ứng dụng AI cho người yếu thế - Ảnh 1.

Ứng dụng AI hỗ trợ người khuyết tật cải thiện cuộc sống. Minh họa AI: NGÔ LÊ

Ở Việt Nam, theo số liệu năm 2024 của BHXH Việt Nam, hiện có hơn 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, có khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Với nỗ lực từ nhiều phía, NKT tiếp cận công nghệ thông tin ở Việt Nam ngày càng tăng. Tỉ lệ NKT có truy cập internet năm 2023 là 33,6%, có Điện thoại di động năm 2023 là 53,7% (so với 38,9% vào năm 2016). Nhiều năm qua, Microsoft Việt Nam đã phối hợp cùng Trường Đại học RMIT Việt Nam triển khai cuộc thi “Microsoft AI cho NKT” (AI4A Hackathon). Đây là cuộc thi được Tập đoàn Microsoft tổ chức trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2019 nhằm tìm kiếm những sáng kiến sử dụng AI cải thiện các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày cho NKT. Gần đây nhất, trong cuộc thi AI4A Hackathon 2024 ở Việt Nam, đội Respectability gồm 3 sinh viên RMIT Việt Nam đã giành ngôi quán quân với giải pháp SightSence Technology. Đây là giải pháp sử dụng công nghệ AI để phát triển kính đeo tích hợp camera và gậy cảm biến cho người mù có khả năng chuyển dữ liệu hình ảnh thành những thông tin xúc giác thông qua màn hình chữ nổi Braille.

Năm trước, quán quân của AI4A Hackathon 2023 Việt Nam là đội ATP cũng từ RMIT Việt Nam giới thiệu ứng dụng AI Speech Companion hỗ trợ những người có tật nói lắp chuẩn bị nội dung, giúp họ giảm căng thẳng và nâng cao sự tự tin nhờ khả năng chuẩn bị kỹ càng trước các buổi giao tiếp quan trọng như thuyết trình hay phỏng vấn.

Đến từng nhà

Ngày 26-3, nền tảng “Bình dân học vụ số” ra đời, phổ cập tri thức số, giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.

Từ ngày 1-4, nền tảng tích hợp với các nền tảng số như VNeID, đẩy mạnh hợp tác công – tư, cắt giảm tới 80% chi phí đào tạo, tập huấn trên các nền tảng, có thể đáp ứng 40.000 người học cùng lúc. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Phong trào “Bình dân học vụ số” phải đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”.

PGS-TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) – đơn vị trực tiếp phát triển nền tảng, cho biết: “Học liệu cần phải hấp dẫn, dễ hiểu và thiết thực với người dân, giúp họ tự tin sử dụng dịch vụ công, sống an toàn và hiệu quả trên không gian số. Để người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người ở vùng sâu, vùng xa có thể tự tin tiếp cận môi trường số, các khóa học cần được thiết kế theo nhiều cấp độ”. Trong giai đoạn 2025-2027, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp trên cả nước sẽ triển khai nhiều đội hình thanh niên hỗ trợ, mở các lớp học nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân với trọng tâm là người cao tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Tại tọa đàm “Phối hợp tổ chức triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn TP HCM” mới đây, nhiều mô hình đã được đề xuất như: thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” hướng dẫn người dân sử dụng smartphone, truy cập internet, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như thanh toán điện tử, đăng ký dịch vụ công trực tuyến; triển khai các hình thức học tập tại chỗ, học qua mô hình “mỗi người biết – dạy một người chưa biết”… 

Xây dựng xã hội học tập

Theo giới chuyên gia, phong trào “Bình dân học vụ số” phải là một quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. Mỗi người dân cần nhận thức việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình. Nhà nước cùng các tổ chức xã hội cần phối hợp hiệu quả với nhau để đưa các công nghệ số, trong đó có các ứng dụng AI, đến tận người dân, nhất là những công dân yếu thế.

https%3A%2F%2Fnld.com.vn%2Fung-dung-ai-cho-nguoi-yeu-the-196250510212534442.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article