Mới đây, bà Meike Kamp – Ủy viên Bảo vệ Dữ liệu Liên bang Đức – chính thức yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ ứng dụng AI DeepSeek khỏi App Store và Play Store tại Đức. Bà Kamp cho biết ứng dụng này đang gửi dữ liệu cá nhân của người dùng Đức đến máy chủ tại Trung Quốc mà không tuân thủ đúng quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu, theo Tech Wire Asia.
Theo bà Kamp, DeepSeek chưa chứng minh được việc xử lý dữ liệu phù hợp với Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), đồng thời lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu người dùng theo luật pháp nội địa khi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin. Apple và Google vẫn chưa có phản hồi công khai nào.
Động thái diễn ra sau nhiều tháng lo ngại về cách DeepSeek xử lý dữ liệu người dùng và liệu ứng dụng có thể được tin cậy ở một số quốc gia có luật bảo mật nghiêm ngặt hay không? Theo bà Kamp, văn phòng của bà đã liên hệ với DeepSeek vào đầu năm nay để yêu cầu làm rõ nơi dữ liệu người dùng được xử lý và lưu trữ. Tuy nhiên, công ty chưa trả lời với đầy đủ tài liệu cần thiết, khiến yêu cầu gỡ bỏ được ban hành.
LO NGẠI VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ, KIỂM SOÁT DỮ LIỆU VÀ MINH BẠCH PHÁP LÝ
Không chỉ Đức, Italy cũng cấm DeepSeek trên các cửa hàng ứng dụng. Hà Lan, Úc, Đài Loan và Hàn Quốc chặn ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ. Còn Hoa Kỳ, các nhà lập pháp cũng đang xem xét cấm công cụ AI do Trung Quốc phát triển, và một số cơ quan liên bang khuyến cáo cán bộ không sử dụng DeepSeek.
Nhiều quốc gia đánh giá chính sách bảo mật của DeepSeek mờ nhạt và không minh bạch. Trong một số trường hợp, ứng dụng yêu cầu truy cập micro và vị trí người dùng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giám sát.
Phản ứng từ các tổ chức cho thấy căng thẳng ngày càng lớn giữa mục tiêu phát triển AI và bảo đảm an ninh quốc gia. DeepSeek chính thức trở thành một trong những ứng dụng AI đầu tiên của Trung Quốc chịu sự kiểm tra chặt chẽ ở nhiều châu lục.
Cuộc kiểm tra bắt nguồn từ nguyên nhân bảo mật và kiểm soát dữ liệu. DeepSeek chưa giải thích rõ cách thức thu thập, lưu trữ và bảo vệ dữ liệu người dùng. Các nhà quản lý cho rằng nếu không có bằng chứng về các biện pháp bảo vệ, dữ liệu người dùng có nguy cơ bị sử dụng sai hoặc truy cập bất hợp pháp từ chính quyền Trung Quốc là rất lớn.

Theo luật EU, bất kỳ công ty nào xử lý dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu phải tuân thủ GDPR, bao gồm các nguyên tắc về sự cho phép, tối giản dữ liệu và bảo mật lưu trữ. DeepSeek chưa đáp ứng các yêu cầu này. Vì không có trung tâm dữ liệu hoặc pháp nhân tại châu Âu, ứng dụng này cũng nằm ngoài tầm xử lý của cơ quan sở tại.
MỐI QUAN HỆ “RẠN NỨT” GIỮA TRUNG QUỐC VÀ PHƯƠNG TÂY
Việc Đức “lên tiếng” cho thấy khoảng cách ngày càng rõ rệt giữa doanh nghiệp Trung Quốc và cơ quan quản lý phương Tây. Các nhà phát triển AI Trung Quốc tuy tiến bộ nhanh, nhưng khi mở rộng sang châu Âu và Hoa Kỳ, họ vấp phải những rào cản pháp lý. Vụ việc của DeepSeek cho thấy AI giờ đây đang là chủ đề nóng trong hầu hết cuộc tranh luận về an ninh, tuân thủ pháp luật và niềm tin công chúng.
Một phần lo ngại xuất phát từ luật an ninh mạng của Trung Quốc, theo đó chính quyền có quyền truy cập dữ liệu lưu trữ nội địa. Các nhà quản lý phương Tây lo rằng đây là lối tiếp cận pháp lý để Trung Quốc truy cập dữ liệu công dân nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ áp các lệnh hạn chế nhằm ngăn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận chip AI và hạ tầng điện toán đám mây tiên tiến. Ngược lại, Trung Quốc thúc đẩy nền tảng nội địa và khuyến khích giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
CHÂU Á CẢNH GIÁC VỚI DEEPSEEK
Ở châu Á, nhiều quốc gia cũng ngày càng thận trọng với DeepSeek. Hàn Quốc đình chỉ ứng dụng vào tháng 2 năm nay do lo ngại về bảo hộ dữ liệu. Đài Loan khuyến cáo công chức nhà nước không sử dụng, còn Australia hạn chế trên thiết bị chính phủ.
Nhật Bản và Ấn Độ vẫn chưa có động thái chính thức ngừng sử dụng DeepSeek, nhưng một số cuộc rà soát nội bộ đang được tiến hành. Cơ quan chức năng hai nước cho biết đang theo dõi sát sao tình hình ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Quyết định này cho thấy cơ quan quản lý trong khu vực ngày càng nâng cao cảnh giác với công cụ AI nước ngoài, đặc biệt khi chúng liên quan đến dữ liệu xuyên biên giới. Không chỉ DeepSeek – bất cứ nền tảng nào không tuân thủ luật quốc gia đều bị đặt trong tầm ngắm.
NIỀM TIN, DỮ LIỆU VÀ TƯƠNG LAI AI TOÀN CẦU
Ngoài việc kiểm soát, chính phủ các nước có thể khuyến khích, đưa ra lựa chọn thay thế minh bạch và an toàn hơn. Những lựa chọn này có thể là mô hình mã nguồn mở, công cụ AI lưu trữ nội bộ, hoặc ứng dụng thương mại tuân thủ GDPR và đảm bảo minh bạch với người dùng. Châu Âu có thể ưu tiên công cụ theo quy định nội bộ, trong khi Hoa Kỳ có thể ưu tiên sản phẩm nội địa rõ nguồn gốc và dễ kiểm chứng. Mục tiêu không chỉ là cấm công cụ không an toàn, mà còn phải xây dựng nền tảng đáng tin cậy, đáp ứng nhu cầu công vụ và bảo mật.
Cho đến hiện tại, DeepSeek vẫn chưa phản hồi yêu cầu từ Đức. Trước đó, họ từng gỡ ứng dụng khỏi kho ở Italy và chỉ định đại diện pháp lý tại Hàn Quốc, nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề lo ngại bảo mật.
Theo nhiều nguồn tin, công ty đang phát triển phiên bản mới DeepSeek R2. Tuy nhiên, tiến độ bị chậm do ban lãnh đạo chưa hài lòng về hiệu năng và một phần bị ảnh hưởng bởi quy định hạn chế xuất khẩu chip từ Mỹ khiến công ty khó tiếp cận phần cứng AI tiên tiến.
Giới phân tích cảnh báo sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực đáp ứng nhu cầu AI. Nếu không tiếp cận chip mới và hạ tầng điện toán mạnh, DeepSeek khó cải thiện hiệu suất để cạnh tranh.
Trên thực tế, EU áp đặt tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt; Hoa Kỳ tập trung vào an ninh và cạnh tranh chiến lược; trong khi châu Á thì cân nhắc giữa mở cửa và kiểm soát chặt chẽ.
Với các nhà phát triển AI Trung Quốc, đây là bước ngoặt: không thể vô tư bước vào thị trường toàn cầu nếu không tuân thủ quy định nước sở tại để dữ liệu lưu trữ minh bạch và hệ thống an toàn. Mọi biện pháp hạn chế mới đều đang trở thành áp lực lớn đối với chính sách công ty. Nếu Apple và Google chấp thuận yêu cầu của Đức, nhiều quốc gia khác có thể sẽ nối gót, khiến ứng dụng DeepSeak mất vị thế tại châu Âu.
Hiện nay, công cụ AI được đánh giá không chỉ qua tính năng, mà còn phụ thuộc vào cách kiểm soát dữ liệu, người có quyền truy cập và mức độ minh bạch. Đối với chính phủ, đó sẽ là yếu tố quyết định xem một ứng dụng có được phép tồn tại trên lãnh thổ hay không.
https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Fung-dung-ai-deepseek-cua-trung-quoc-bi-chi-trich-khap-chau-au-va-chau-a.htm