27.7 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 5 21, 2025

Ứng dụng AI – lời giải tiềm năng cho báo cáo phát triển bền vững của ngân hàng

Must read

Ngân hàng duy nhất nhận Giải báo cáo phát triển bền vững tại Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết 2024 Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”
Ảnh Hoàng Giáp
Ảnh Hoàng Giáp

Ngành Ngân hàng trong thực hành phát triển bền vững

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến từ cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các nhà khoa học đã tham dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng này. Ông nhấn mạnh, trong kỷ nguyên công nghệ số, đặc biệt là AI, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để phát triển bền vững hơn, minh bạch hơn và thân thiện hơn với môi trường, xã hội.

Theo Phó Thống đốc, phát triển bền vững đã vượt ra khỏi phạm vi một xu hướng, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của ngành tài chính – ngân hàng. Trong đó, việc xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững là công cụ quan trọng để các tổ chức tài chính thể hiện cam kết, minh bạch hóa hoạt động, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hướng tới một nền kinh tế xanh và toàn diện.

Thực hiện định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, NHNN đã chủ động triển khai nhiều chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển bền vững. Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 1731/QĐ-NHNN), cũng như kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đề án triển khai kết quả Hội nghị COP26 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN).

Trong đó, NHNN giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại lồng ghép, đưa các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, chương trình, kế hoạch kinh doanh, quy trình nghiệp vụ; đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững, công bố các cam kết “xanh” của tổ chức mình.

Ngoài ra, thông qua Đề án phát triển ngân hàng xanh, NHNN đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và định kỳ tổ chức hội thảo, tọa đàm để phổ biến kinh nghiệm, tiêu chuẩn ESG. Các hoạt động như hợp tác với ACCA, GIZ tổ chức tọa đàm và đào tạo chuyên sâu cho thấy cam kết rõ ràng của NHNN trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hành báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

Những bước đi như trên đang tạo ra chuyển biến đáng kể. Năm 2024 ghi nhận số lượng tổ chức lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt đạt kỷ lục với 33 đơn vị. Gần như toàn bộ các tổ chức tín dụng đã tích hợp nội dung phát triển bền vững vào Báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Đáng chú ý, đã có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại công bố Báo cáo Phát triển bền vững độc lập và xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, với thêm 6 ngân hàng thương mại công bố báo cáo.

Cùng với đó, hoạt động tín dụng xanh cũng đạt kết quả tích cực. Đến cuối quý I/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng giá trị trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong giai đoạn 2017-2024 đạt bình quân 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

“Tăng tốc” ESG nhờ AI

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, việc thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững trong ngành Ngân hàng hiện vẫn ở giai đoạn khởi đầu. Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể.

“Chính vì vậy, việc ứng dụng AI và công nghệ số chính là lời giải tiềm năng cho những bài toán trên. AI không chỉ giúp tự động hóa việc thu thập và tổng hợp dữ liệu, mà còn hỗ trợ phân tích chuyên sâu, phát hiện xu hướng và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả quản trị bền vững”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tin tưởng.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Tọa đàm - Ảnh Hoàng Giáp
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Tọa đàm – Ảnh Hoàng Giáp

Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc định hướng ba nhóm trọng tâm chính tập trung thảo luận:

Thứ nhất, chia sẻ thực tiễn kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng, công bố Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các chuẩn mực quốc tế và kết nối với yêu cầu của các nhà đầu tư, đối tác quốc tế.

Thứ hai, thảo luận những khó khăn, thách thức và nhu cầu cụ thể của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong quá trình xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hệ thống dữ liệu, năng lực phân tích, khung pháp lý hướng dẫn.

Thứ ba, cùng nhau đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn (Big Data) trong việc hỗ trợ Báo cáo Phát triển bền vững. Cụ thể như tự động hóa thu thập dữ liệu ESG; chuẩn hóa và đồng bộ dữ liệu từ nhiều nguồn; phân tích rủi ro và hiệu quả môi trường – xã hội; tạo mô hình báo cáo thông minh phục vụ các nhà quản lý và công chúng; công tác quản lý giám sát và đánh giá báo cáo, từ đó nâng cao khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong thực hành Báo cáo phát triển bền vững…

Khẳng định cam kết của cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN luôn coi trọng vai trò định hướng và hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong nâng cao trách nhiệm xã hội và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản trị và báo cáo. Những góp ý tại Tọa đàm sẽ là dữ liệu quý để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hơn nữa ứng dụng AI trong thực hành Báo cáo phát triển bền vững.

“Cũng thông qua Tọa đàm hôm nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ các bước đi cụ thể để chuyển đổi từ nhận thức sang hành động, từ quy định sang thực tiễn nhằm thúc đẩy ngành Ngân hàng phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm và hiện đại hơn”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.



https%3A%2F%2Fthoibaonganhang.vn%2Fung-dung-ai-loi-giai-tiem-nang-cho-bao-cao-phat-trien-ben-vung-cua-ngan-hang-164550.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article