22.7 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Hai, Tháng 5 26, 2025

Ứng dụng AI rút ngắn học phổ thông: Học nhanh hay “đốt cháy giai đoạn”?

Must read

Vài ngày qua, mạng xã hội rộn ràng với những cuộc tranh luận xoay quanh việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào học tập. Nhiều người hào hứng với ý tưởng học sinh có thể tốt nghiệp đại học ở tuổi 14-16, rút ngắn thời gian phổ thông từ 12 năm xuống còn 5 hay 7 năm, và thậm chí, có thể đạt được một vài bằng Tiến sĩ ở tuổi 20, nhờ vận dụng tối đa sự hỗ trợ của AI.

Một bên là các bình luận nô nức ủng hộ như “Đúng rồi, học nhanh để cạnh tranh!”, “Thời đại AI thì phải học theo tốc độ AI!”, “12 năm phổ thông là lãng phí thời gian!”. Một bên là những lo ngại về việc vội vàng, thần thánh hóa AI mà bỏ đi những khía cạnh phát triển khác về tâm lý, cảm xúc xã hội.

Giữa làn sóng phấn khích về “cách mạng tốc độ học tập”, tôi chợt nhìn vào cây roi trĩu quả ngoài sân, cứ một lúc, lại có một trái roi rơi bộp xuống đất. Quả nào chín trước, quả đó héo trước. Có lẽ trong cơn sốt AI và lời hứa hẹn, mời gọi về giáo dục “thần tốc”, chúng ta đang quên mất một câu hỏi căn bản: Học nhanh để làm gì?

Trên hành trình học tập, nhiều người tin rằng tốc độ chính là thước đo thành công. Nhưng liệu việc nhồi nhét kiến thức vào đầu cả con trẻ lẫn người lớn với tốc độ của máy móc có thực sự khả thi trên diện rộng, và có thực sự tạo ra những con người tốt hơn? Hay chúng ta chỉ đang biến giáo dục thành một cuộc đua xe công thức, nơi ai về đích trước sẽ thắng?

Cuồng tốc độ trong thời đại số

Không phải từ hôm nay, xã hội Việt Nam mới có hội chứng “cuồng tốc độ” trong giáo dục. Từ chuyện học trước kiến thức, đến việc cho trẻ 3 tuổi học tiếng Anh, 5 tuổi học lập trình, chúng ta luôn muốn con em mình “biết sớm hơn, học nhanh hơn” bạn bè. Giờ đây, AI chỉ là cái cớ mới nhất để biện minh cho tâm lý “không ai muốn con mình thua thiệt”.

Tôi từng chứng kiến nhiều em bé 6 tuổi có thể đọc vanh vách bảng cửu chương, giải toán lớp 3, lớp 4, nhưng lại khóc thét khi mẹ bảo tự buộc dây giày. Hay những bạn nhỏ 8 tuổi nói tiếng Anh như gió, nhưng lại không biết cách xin lỗi bạn khi vô tình làm đổ nước. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa “đào tạo” và “giáo dục”, giữa “học nhanh” và “học tốt”, giữa việc tích lũy thông tin và phát triển con người.

Sự thật là, trong cuộc sống, những kỹ năng “chậm”, ví dụ như sự kiên nhẫn, sự đồng cảm, khả năng chịu đựng thất bại, lại có thể quan trọng hơn việc thuộc lòng công thức hay giải nhanh bài toán.

Ứng dụng AI rút ngắn học phổ thông: Học nhanh hay đốt cháy giai đoạn? - 1

Có nhiều ý kiến xoay quanh việc ứng dụng AI vào học tập (Ảnh minh họa: LinkedIn).

Những gì bị mất khi học quá nhanh?

Giáo sư Barbara Oakley (tác giả cuốn sách nổi tiếng “A Mind for Numbers – Tạm dịch: Một trí tuệ dành cho những con số) có một ví dụ rất thú vị về hai kiểu học tập. Bà so sánh người học nhanh như những chiếc xe F1 lao vút trên đường đua, còn người học chậm như những người đi bộ khám phá cảnh vật.

Xe F1 chạy nhanh, về đích sớm, nhưng chỉ có thể di chuyển trên những đường đua đã được thiết kế sẵn, không thể rẽ sang những con đường nhỏ để khám phá. Ngược lại, người đi bộ tuy chậm, nhưng có thể dừng lại để ngắm hoa, bước vào những con hẻm nhỏ, và khám phá những điều bất ngờ mà người lái xe F1 không bao giờ nhìn thấy. Những người học “chậm” có xu hướng phát triển tốt hơn về lâu dài. Họ có thời gian để xây dựng những kết nối sâu sắc giữa các ý tưởng, để đặt câu hỏi “tại sao” thay vì chỉ học thuộc lòng “cái gì”. Quá trình “chậm” này giúp họ phát triển khả năng tư duy phản biện và sáng tạo, những kỹ năng mà AI sẽ khó có thể thay thế.

Nghiên cứu của GS Barbara Oakley cũng cho thấy, những người học “nhanh” thường rơi vào tình trạng “ảo tưởng về năng lực”. Họ có thể tiếp thu thông tin rất nhanh, nhưng lại thiếu khả năng suy nghĩ sâu và sáng tạo. Bởi vì tốc độ cao đòi hỏi họ phải đi theo những con đường tư duy đã quen thuộc, không có thời gian để “lang thang” và khám phá những cách tiếp cận mới.

AI và tầm nhìn sai lệch về “cá nhân hóa”

Những người ủng hộ “học siêu tốc” thường viện dẫn đến khái niệm “cá nhân hóa giáo dục” nhờ AI. Họ cho rằng mỗi đứa trẻ có thể học theo khả năng riêng, do đó, với sự trợ giúp của AI, trẻ có thể học nhanh hơn nhiều so với các phương thức truyền thống. Nghe thì hợp lý, nhưng họ đã hiểu sai bản chất của cá nhân hóa.

Cá nhân hóa thực sự không phải là việc đẩy nhanh tốc độ học, mà là việc tìm ra cách học phù hợp nhất với từng người. Có đứa trẻ học toán nhanh nhưng cần thời gian để hiểu văn học. Có em thông minh về logic nhưng cần nhiều thời gian để phát triển kỹ năng giao tiếp. Cá nhân hóa là tôn trọng sự khác biệt này, chứ không phải biến tất cả thành những “máy học” tốc hành.

Hơn nữa, việc sử dụng AI để dạy trẻ cũng ẩn chứa rủi ro lớn. AI là một thuật ngữ quá chung chung, và mỗi mô hình AI đều được xây dựng dựa trên những niềm tin, nguyên lý, và bộ cơ sở dữ liệu khác nhau. Không có cây đũa thần nào để gom AI vào thành một cụm và nói chúng đều tốt cả, hãy dùng hết chúng đi.

Trẻ em cần tương tác với con người thật, cần nhìn thấy cách một người trưởng thành đối mặt với khó khăn, thể hiện cảm xúc, và giải quyết vấn đề. Một thầy giáo có thể mệt, có thể sai, có thể bực mình, nhưng đó chính là những bài học quý giá về tính người mà AI không thể dạy.

Bài học từ những nơi “chậm mà chắc”

Thú vị thay, những nền giáo dục được đánh giá cao nhất thế giới lại không hề “nhanh”. Phần Lan, một trong những quốc gia hàng đầu về chất lượng giáo dục lại không cho học sinh làm các bài thi chuẩn hóa cho đến năm 16 tuổi. Trẻ em ở đây được khuyến khích chơi nhiều, khám phá tự nhiên, và học qua trải nghiệm.

Tại Nhật Bản, những năm đầu tiểu học tập trung vào việc dạy trẻ cách cư xử, chia sẻ, và quan tâm đến người khác. Họ tin rằng nhân cách quan trọng hơn kiến thức, và phải có nền tảng nhân cách vững chắc thì kiến thức mới phát huy tác dụng.

Ngay cả tại thung lũng Silicon (Mỹ), nơi sinh ra những công nghệ tiên tiến nhất (và chắc chắn, là những AI cấp tiến nhất), nhiều lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lại cho con em học ở những trường “chậm”, nơi trẻ được chơi với gỗ và đất sét thay vì máy tính bảng. Họ hiểu rằng sáng tạo không sinh ra từ việc nhồi nhét thông tin, mà từ việc có thời gian để tưởng tượng và khám phá.

Chúng ta đều biết những câu chuyện như: Einstein không nói được cho đến 4 tuổi và bị thầy giáo cho là “chậm hiểu”. Darwin được coi là học sinh trung bình. Còn Steve Jobs thì bỏ học đại học sau một học kỳ. Điểm chung của họ là đều có thời gian để suy ngẫm, để đặt câu hỏi, để “lang thang” trong thế giới tưởng tượng. Họ không bị “ép” phải học nhanh, nên có cơ hội để phát triển tư duy độc lập và sáng tạo.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, khả năng quan trọng nhất không phải là thu thập thông tin nhanh, mà là biết cách lọc, suy ngẫm, và kết nối những thông tin đó một cách có ý nghĩa. Điều này cần thời gian để “ủ” kiến thức, để những ý tưởng lên men trong đầu.

Hơn nữa, trong thế giới ngày càng nhanh và phức tạp, khả năng chậm lại để quan sát, để lắng nghe, để đồng cảm lại trở nên vô cùng quý giá, và có thể đó mới là lợi thế cạnh tranh. Những kỹ năng này không thể học qua AI hay bất kỳ công nghệ nào. Chúng cần thời gian và trải nghiệm thực tế.

Thành công không đo bằng tốc độ

Cuối cùng, chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Mục tiêu của giáo dục là gì? Nếu chỉ để tạo ra những cỗ máy biết nhiều, tính nhanh, thì AI thực sự có thể thay thế con người. Nhưng nếu mục tiêu là nuôi dưỡng những con người hạnh phúc, sáng tạo, và có khả năng đóng góp cho xã hội, thì việc học nhanh không phải là câu trả lời.

Tôi không phủ nhận giá trị của công nghệ hay AI trong giáo dục, vì bản thân tôi và các đồng nghiệp vẫn áp dụng chúng rất nhiều, hàng ngày. Chúng có thể giúp cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giáo viên, và mở rộng khả năng tiếp cận tri thức. Nhưng chúng nên được sử dụng để giúp trẻ học tốt hơn, phù hợp hơn, tức là một cách tiếp cận toàn diện hơn so với cách tiếp cận chỉ đơn thuần học nhanh hơn.

Thay vì hỏi “Làm sao để con tôi học nhanh nhất?”, có lẽ chúng ta nên hỏi “Làm sao để con tôi học một cách hạnh phúc và có ý nghĩa?”. Thay vì tự hào vì con 5 tuổi đã biết đọc, hãy tự hào vì con biết cách chia sẻ đồ chơi với bạn. Thay vì ép con giải toán nhanh như máy tính, hãy dạy con cách kiên nhẫn khi gặp khó khăn.

Vì cuối cùng, trong cuộc đời, người ta nhớ đến chúng ta không phải vì chúng ta học nhanh như thế nào, mà vì chúng ta sống tốt như thế nào. Và để sống tốt, chúng ta cần thời gian, thời gian để trưởng thành, để hiểu đời, và để trở thành con người.

Tác giả: TS Hoàng Anh Đức là nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line. Ông vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) nhiệm kỳ 2025-2030.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Ftam-diem%2Fung-dung-ai-rut-ngan-hoc-pho-thong-hoc-nhanh-hay-dot-chay-giai-doan-20250525094237436.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article