32.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 5 22, 2025

Ứng dụng AI trong xác thực, minh bạch báo cáo phát triển bền vững

Must read

Ngăn ngừa gian lận trong báo cáo phát triển bền vững

Trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế toàn cầu, các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc đánh giá, theo dõi và báo cáo các yếu tố thuộc bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng báo cáo phát triển bền vững không đơn thuần là kết quả cuối cùng, mà là đích đến của một quá trình phức tạp, gồm nhiều công đoạn: từ thu thập, xử lý dữ liệu, soạn lập nội dung cho đến đánh giá tác động và chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế.

Dựa trên các kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Quang Thuân – Hội viên kỳ cựu ACCA, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings đã nêu ra không ít vấn đề. Hiện phương pháp đánh giá báo cáo thủ công không còn phù hợp và thiếu hiệu quả. Đặc biệt đối với ngành Ngân hàng – nơi phải xử lý dữ liệu từ hàng trăm nghìn khách hàng, trong đó không ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không có sự hỗ trợ từ công nghệ cao và Trí tuệ nhân tạo (AI), việc đánh giá ESG gần như không thể triển khai hiệu quả ở quy mô lớn.

Ứng dụng AI trong xác thực, minh bạch báo cáo phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings tại Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”

Cùng với đó, một trong những thách thức lớn nhất với các tổ chức tín dụng hiện nay chính là việc đo lường và xác minh hai thành phần E (Environmental – Môi trường) và S (Social – Xã hội) trong ESG của báo cáo phát triển bền vững từ các doanh nghiệp. Bởi không ít doanh nghiệp thường có xu hướng “tốt khoe, xấu che”, khiến việc tiếp cận và xác minh thông tin trở nên khó khăn.

Một câu chuyện đáng chú ý khác mà Chủ tịch FiinGroup nêu ra, Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống tiêu chí phân loại tài chính xanh chính thức, các cơ quan quản lý e ngại trong việc phê duyệt hoặc giám sát bởi rủi ro “greenwashing” (tẩy xanh – tức việc doanh nghiệp cố tình thổi phồng hoặc giả mạo cam kết môi trường để trục lợi). Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề xác thực thông tin trong các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp mà vị chuyên gia đã nêu ở trên.

Do đó, ông Nguyễn Quang Thuân đề xuất là ứng dụng công nghệ và khuyến khích việc xác nhận xanh độc lập nhằm tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính xanh. Đại diện FiinGroups cũng tin rằng, các hệ thống công nghệ cao và AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quy trình đánh giá minh bạch, khách quan và có thể mở rộng trên quy mô toàn thị trường.

Đồng quan điểm, TS. Lê Hùng Cường – Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT nhấn mạnh, những người làm lĩnh vực ngân hàng cũng rất quen thuộc với câu chuyện cảnh báo gian lận. Nếu đối chiếu sang việc làm báo cáo bền vững thì AI hoàn toàn có thể giúp các ngân hàng phát hiện gian lận. Đó là những vấn đề bất thường trong dữ liệu mà phía doanh nghiệp cung cấp. AI cũng có thể gợi ý ra được những chỉ tiêu nào cần tập trung trong báo cáo bền vững cần tìm hiểu kỹ hơn, thay vì việc dùng các phương án truyền thống. Có thể thấy AI có thể góp phần đáng kể để ngăn ngừa tình trạng “greenwashing” như ông Nguyễn Quang Thuân đã nêu ra.

Giải pháp phát triển tín dụng xanh bền vững

Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cũng đưa ra những góp ý chính sách ở góc độ rộng hơn để thị trường tín dụng xanh, tài chính xanh phát triển lành mạnh.

Đối với hoạt động tín dụng, một yếu tố then chốt là xây dựng hệ thống quản trị thông tin môi trường – xã hội (ESMS – Environmental and Social Management System). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đã có quy định hướng dẫn triển khai hệ thống này, song cần xem xét đến phát triển một nền tảng dữ liệu tập trung cho toàn ngành, tương tự như mô hình mà Singapore đã áp dụng.

Ứng dụng AI trong xác thực, minh bạch báo cáo phát triển bền vững
Quang cảnh Tọa đàm

Theo đó, việc có một hệ thống thông tin ESMS cho toàn nhánh thì sẽ giúp ích rất nhiều cho toàn ngành Ngân hàng và cho cả thị trường vốn nói chung. Bởi hiện nay các thông tin số liệu báo cáo về tín dụng xanh thì có nhưng đáp ứng cụ thể tiêu chí phân loại nào, xanh hay nâu hay chuyển đổi hay liên kết bền vững… thì Việt Nam chúng ta chưa có, ngoại trừ một số giao dịch cụ thể về trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế của ICMA. Ngoài giúp việc triển khai và thực hiện của các ngân hàng thì có thể giúp công tác tổng kết, thống kê rõ ràng hơn để theo dõi tiến trình và các cam kết quốc tế cũng như sẽ giúp minh bạch thông tin và quản lý rủi ro “greenwashing”, ảnh hưởng đến tính bền vững thị trường và tránh hệ lụy có thể có trong tương lai.

Ông Thuân cũng đưa ra khuyến nghị thêm, hiện Chính phủ mong muốn các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho tín dụng xanh. Tuy nhiên, theo quan sát và nghiên cứu quốc tế của FiinGroup, việc này rất khó triển khai trên diện rộng vì mức lãi suất cho vay phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng tín dụng và mức độ rủi ro của dự án.

Bên cạnh yêu cầu giảm lãi suất, có thể tham khảo kinh nghiệm từ một số nước như Trung Quốc. Theo đó trái phiếu bình thường thì phải xếp hạng mức AAA (cao nhất) thì mới được phép repo (cầm cố và có quyền mua lại) còn với trái phiếu xanh thì AA có thể được phép tham gia giao dịch repo. Những chính sách hỗ trợ gián tiếp như vậy sẽ tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm tín dụng xanh hay trái phiếu xanh thay vì công cụ “giảm lãi suất cho vay” thường hay được sử dụng.



https%3A%2F%2Fthoibaonganhang.vn%2Fung-dung-ai-trong-xac-thuc-minh-bach-bao-cao-phat-trien-ben-vung-164587.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article