AI – công cụ đột phá trong hiện đại hóa hoạt động kiểm toán
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, đặc biệt là AI, không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu tất yếu. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu, là động lực then chốt để hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới phương thức quản trị quốc gia.
AI được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là công nghệ mũi nhọn, đột phá và cần có kế hoạch triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả. AI không chỉ góp phần hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan hành chính, mà còn là công cụ quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phân tích và dự báo chính sách.
Các nghị quyết của Đảng cũng xác định rõ nhiệm vụ nâng cao nhận thức toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là cuộc cách mạng toàn diện, lâu dài, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.
Đối với KTNN, AI được xác định là công cụ trọng yếu trong hiện đại hóa hoạt động kiểm toán. Việc áp dụng AI không chỉ giúp kiểm toán viên phát hiện nhanh sai phạm, gian lận mà còn góp phần nâng cao uy tín và hiệu quả của kiểm toán trong giám sát sử dụng tài chính công.
KTNN ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu quả giám sát tài chính công. Ảnh minh họa
Theo đó, KTNN đã bước đầu triển khai ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán, đặc biệt trong kiểm toán các gói thầu số hóa. Theo ông Phạm Huy Thông – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin (KTNN), hiện nay, hàng năm có một lượng lớn các gói thầu số hóa được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước. Trước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn, KTNN đã sử dụng robot tự động thu thập dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để huấn luyện hệ thống AI phân tích các gói thầu này.
Việc thí điểm kiểm toán tự động bằng AI tại 13 tỉnh thành đã ghi nhận những kết quả bước đầu tích cực: AI có thể xử lý hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày, tốc độ vượt trội so với phương pháp truyền thống, đồng thời tăng độ chính xác và giảm thiểu rủi ro bỏ sót dữ liệu. AI cũng hỗ trợ kiểm toán viên trong việc đánh giá ban đầu, lựa chọn mẫu kiểm toán hiệu quả, từ đó tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đặc biệt, các mô hình AI đang được huấn luyện để so sánh hồ sơ không chỉ theo quy định pháp luật mà còn với các gói thầu tương tự trên toàn quốc, một bước tiến trong việc chuẩn hóa đánh giá và phát hiện bất thường.
Từ kiểm toán không giấy đến thách thức chuyển đổi số toàn diện
Cùng với thí điểm AI, KTNN đã và đang triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành. Gần 40 phần mềm hỗ trợ các khâu kiểm toán đã được đưa vào vận hành, từ lập kế hoạch, theo dõi tiến độ đến tổng hợp kết quả, phân tích dữ liệu lớn. Mô hình kiểm toán từ xa, kết nối dữ liệu số với đơn vị được kiểm toán cũng đã được áp dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt trong tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm giấy tờ hành chính.
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, việc ứng dụng các công nghệ mới như AI là yêu cầu sống còn của KTNN trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Đây cũng là một trong ba trụ cột phát triển mà KTNN đặt ra đến năm 2030.
Tuy nhiên, ông Phạm Huy Thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng AI vào kiểm toán vẫn còn nhiều thách thức. Hệ thống AI tiêu tốn tài nguyên lớn, trong khi hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng đủ cho việc xử lý dữ liệu khối lượng cao và phục vụ nhiều người dùng đồng thời. Đặc biệt, để AI ngày càng thông minh, cần sự phối hợp chặt chẽ của kiểm toán viên trong quá trình huấn luyện: giải trình kết quả AI đưa ra, bổ sung dữ liệu thực tế và cung cấp các quy định chuyên ngành liên quan.
Bên cạnh đó, Cục Công nghệ thông tin đã kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng AI trên toàn bộ các gói thầu thuộc chuyên đề kiểm toán về đầu tư, ứng dụng phần mềm và thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại các địa phương trong giai đoạn 2021-2024, nội dung đã nằm trong Kế hoạch kiểm toán năm 2025 của KTNN.
Việc từng bước đưa AI vào hoạt động kiểm toán không chỉ cho thấy nỗ lực đổi mới mạnh mẽ của KTNN, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kiểm toán công minh bạch, hiệu quả và hiện đại. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, việc kiểm soát hiệu quả các hoạt động đầu tư công, chi tiêu công, đặc biệt là các gói thầu số hóa, sẽ đóng vai trò then chốt trong đảm bảo kỷ luật tài chính và phát triển bền vững.
KTNN đang đi đúng hướng nhưng để chuyển đổi số thành công, đặc biệt là ứng dụng AI một cách sâu rộng, sẽ cần thêm nhiều bước đi quyết liệt, đầu tư hạ tầng bài bản và sự đồng hành từ toàn bộ hệ thống chính trị. AI không thể thay thế con người trong kiểm toán, nhưng chắc chắn sẽ là “trợ lý thông minh” không thể thiếu trong thời đại mới.
Duy Trinh
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-kiem-toan-nha-nuoc-nang-cao-hieu-qua-giam-sat-tai-chinh-cong-d233669.html