AI giúp Chính phủ Anh tiết kiệm gần 700 tỷ đồng mỗi năm
AI ngày càng trở thành công cụ trọng yếu hỗ trợ quản lý nhà nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện hiệu quả điều hành. Điển hình, Chính phủ Anh mới đây cho biết sẽ triển khai một công cụ AI nhằm phân tích phản hồi từ các cuộc tham vấn công chúng một phần quan trọng trong quy trình xây dựng chính sách.
Theo thông tin từ Bộ Công nghệ Anh, công cụ AI có tên “Humphrey” sẽ giúp xử lý dữ liệu nhanh gấp 1.000 lần con người, giảm đáng kể chi phí tư vấn thuê ngoài và rút ngắn thời gian tổng hợp phản hồi. Ước tính, với khoảng 500 cuộc tham vấn mỗi năm, hệ thống này có thể tiết kiệm 20 triệu bảng Anh (tương đương hơn 695 tỷ đồng) và 75.000 giờ làm việc của công chức.
Vương quốc Anh ứng dụng AI trong quản lý nhà nước. Ảnh minh họa
Trước khi được triển khai chính thức, ứng dụng này đã được thử nghiệm tại Chính phủ Scotland, trong quá trình tham vấn người dân về quản lý các thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật. Kết quả cho thấy, hệ thống có khả năng phân tích hơn 2.000 phản hồi với độ chính xác gần như tương đương các chuyên gia.
Bộ trưởng Công nghệ Anh Peter Kyle nhấn mạnh rằng AI không nên chỉ là biểu tượng công nghệ mà phải được áp dụng thực tế, mang lại giá trị cụ thể: “Không nên lãng phí thời gian cho những việc mà AI có thể làm nhanh hơn và tốt hơn”. Ông cũng khẳng định, AI sẽ giúp tiết kiệm tiền thuế cho người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Không chạy theo phong trào, cần ứng dụng AI có chọn lọc
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm nhận diện vai trò chiến lược của AI thông qua việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, làm chủ một số công nghệ chiến lược, góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số hiệu quả.
Hiện nay, một số cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương đã bắt đầu ứng dụng AI trong quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công. Có thể kể đến như trợ lý ảo hỗ trợ công việc văn phòng, hệ thống nhận diện khuôn mặt trong đảm bảo an ninh, giám sát giao thông thông minh… Những bước đi này cho thấy tiềm năng lớn của AI trong khu vực công.
Việt Nam cần ứng dụng AI một cách có chọn lọc vào quản lý. Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), AI có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho 3 nhóm chức năng chính trong quản lý nhà nước: thứ nhất hỗ trợ lãnh đạo trong điều hành và ra quyết định; thứ hai giúp công chức rút ngắn quy trình xử lý, nâng cao hiệu suất công việc; thứ ba cải thiện chất lượng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng tỷ lệ ứng dụng thành công AI hiện vẫn còn thấp, cho thấy cần nhiều điều chỉnh trong triển khai thực tế. “Mỗi cơ quan cần xác định rõ ‘bài toán’ của mình để lựa chọn công nghệ AI phù hợp, đồng thời đánh giá mức độ sẵn sàng nội bộ để xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Về phía ông Trần Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quá trình ứng dụng AI trong khu vực công hiện nay còn nhiều vướng mắc. Trong đó, chính sách chưa theo kịp công nghệ, dữ liệu còn phân tán, thiếu sự liên thông và thiếu đồng bộ trong triển khai là những điểm nghẽn lớn.
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam không nên ứng dụng AI theo phong trào mà cần chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng cần hướng đến hiệu quả thực chất và lợi ích công cộng, thay vì đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực.
Duy Trinh
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fung-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-quan-ly-nha-nuoc-nang-tam-dieu-hanh-cong-d233489.html