24.3 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 5 14, 2025

Việt Nam bước đầu hình thành hệ sinh thái AI có trách nhiệm

Must read

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, từ giáo dục, y tế đến quản trị công, những thách thức về minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ quyền riêng tư trở nên cấp thiết.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2021 đã nhấn mạnh đào tạo về đạo đức và chính sách AI là trụ cột. 

LỚP HỌC AI NHƯ “NẤM MỌC SAU MƯA”, NHƯNG CHƯA AI NÓI NGHIÊM TÚC VỀ ĐẠO ĐỨC AI

Theo ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII, việc phát triển AI có đạo đức là nhiệm vụ mang tính chiến lược, đặc biệt tại các quốc gia đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghệ số như Việt Nam. “Bối cảnh thực tiễn đặt ra yêu cầu cần bồi dưỡng thế hệ chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên, nhà nghiên cứu… có tư duy phản biện, hiểu biết pháp lý và cam kết đạo đức trong triển khai các giải pháp số”, ông Lê Linh Lương cho biết tại sự kiện khai mạc khóa học về “Đạo đức AI” sáng 12/5. 

Đây là khóa học do Viện ABAII phối hợp cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức, diễn ra trong hai ngày 12-13/5 tại Hà Nội. Bà Elenita Tapawan, Giám đốc các Trung tâm Hoa Kỳ tại khu vực, Đại sứ quán Hoa Kỳ, cho biết khóa học Đạo đức AI không chỉ giúp hiểu về các thuật toán hay dữ liệu, mà mục tiêu của khóa học là tăng cường khả năng ra quyết định một cách minh bạch, công bằng, có trách nhiệm và đặt con người làm trung tâm. 

Theo bà Elenita Tapawan, khóa học “Đạo đức AI” dựa trên các bài học từ kinh nghiệm của các tổ chức và xã hội Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy phát triển và quản trị trí tuệ nhân tạo một cách đạo đức, nhằm trang bị cho người học, những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, kinh doanh và chính sách các công cụ để đưa ra các quyết định sáng suốt và có tầm nhìn. “Bằng cách cùng nhau thúc đẩy công nghệ có đạo đức và toàn diện, chúng ta đang xây dựng một tương lai vững mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn, cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam”, bà Elenita Tapawan nhấn mạnh.

Trao đổi bên lề sự kiện, bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển mạng lưới của tổ chức giáo dục InterEdu, đối tác đào tạo toàn cầu của Microsoft tại Việt Nam, cho rằng đạo đức trong việc vận hành và sử dụng AI đang là vấn đề chưa nhận được sự chú ý đầy đủ, các tổ chức, đơn vị chủ yếu vẫn đang tập trung vào việc vận hành, tìm cách ứng dụng AI.

“Trong hai năm qua, các lớp học về ứng dụng AI đã bùng nổ như “nấm mọc sau mưa”. Các khóa học, hội thảo, talkshow về AI xuất hiện khắp nơi, nhưng chưa ai nói nghiêm túc về đạo đức AI – một yếu tố cốt lõi khi triển khai công nghệ”, bà Hồng Minh chia sẻ. 

 

Hiểu biết và học tập về đạo đức AI là “điều tiên quyết”, đặc biệt là đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp khi muốn muốn triển khai bất kỳ chiến lược AI nào trong tổ chức của mình.

Theo đó, việc hiểu biết và học tập về đạo đức AI là “điều tiên quyết”, đặc biệt là đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp khi muốn muốn triển khai bất kỳ chiến lược AI nào trong tổ chức của mình. Nếu lãnh đạo không có nhận thức đúng, không hiểu về đạo đức AI thì rất dễ bị dẫn dắt sai lệch hoặc triển khai thiếu kiểm soát, để lại hệ lụy lâu dài cho tổ chức và cộng đồng.

Khóa học “Đạo đức AI” do Viện ABAII và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức là khóa học đầu tiên tại Việt Nam đề cập đến chuẩn mực đạo đức và khung pháp lý trong phát triển AI, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực phát triển AI có trách nhiệm cho Việt Nam. 

Theo bà Hồng Minh, đạo đức AI là một vấn đề liên quan đến nhiều khía cạnh như triết học, tư tưởng, giá trị đạo đức, chứ không chỉ là vấn đề công nghệ. Vì thế, đây là vấn đề khó và chưa được bàn luận một cách sâu rộng, phổ biến trong không gian công cộng hoặc trong nội bộ các tổ chức. 

DÙNG AI THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG LÀM TỔN THƯƠNG CHÍNH CHÚNG TA

Trong các tài liệu chiến lược quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định đạo đức và chính sách AI là một trong các trụ cột quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần một hệ sinh thái đồng bộ: từ hành lang pháp lý minh bạch, chương trình đào tạo chính quy, đến một cộng đồng chuyên gia có khả năng dẫn dắt xu hướng công nghệ một cách có trách nhiệm.

Tại Khóa học “Đạo đức AI” diễn ra trong hai ngày 12 và 13/5, đã có khoảng 500 học viên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia, nhiều nội dung đã được truyền tải như nguyên tắc đạo đức trong thiết kế và vận hành hệ thống AI, quản trị rủi ro và trách nhiệm pháp lý, phân tích thiên lệch thuật toán và hệ quả xã hội, cùng với hệ thống pháp lý và chính sách AI tại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và châu Á. Khóa học được thiết kế dành riêng cho cộng đồng chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên và nhà nghiên cứu. 

Ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII, cho rằng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chưa từng có và tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, vấn đề đạo đức AI không còn là lựa chọn, mà là một “yêu cầu cấp thiết”. 

“Nếu AI không được thiết kế và vận hành theo những nguyên tắc đạo đức rõ ràng, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ thiên lệch thuật toán, xâm phạm quyền riêng tư, mất kiểm soát dữ liệu, và những hệ lụy khó lường về xã hội và pháp lý”, ông Lê Linh Lương nói.

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII, thành viên Hội đồng Đạo đức Tài sản số và Trí tuệ nhân tạo ABAII, cho biết chương trình được thiết kế dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức quốc tế từ Đạo đức AI của UNESCO, Nguyên tắc AI của OECD, tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), cho đến các sắc lệnh hành pháp mới nhất do Tổng thống Mỹ Kỳ ban hành. Học viên sẽ không chỉ học kiến thức, mà còn rèn luyện tư duy phản biện và cảm thức đạo đức trong chính công việc thường nhật của mình, từ xây dựng phần mềm đến hoạch định chính sách.

“Trong bối cảnh AI đang len lỏi vào từng quyết định y tế, tài chính, giáo dục, truyền thông, và thậm chí cả chính sách công, câu hỏi không còn là nên hay không nên dùng AI, mà là: Chúng ta sẽ dùng AI theo cách nào để không làm tổn thương chính chúng ta? Tôi tin rằng AI không nên thay thế con người mà phải nâng tầm con người. Và đạo đức AI không phải là lựa chọn, mà là nền móng của niềm tin xã hội trong kỷ nguyên số”, ông Đào Trung Thành gợi mở.

https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Fviet-nam-buoc-dau-hinh-thanh-he-sinh-thai-ai-co-trach-nhiem.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article