Công nghệ số xông pha tuyến đầu: Từ QR, blockchain đến AI
Trong bối cảnh hàng giả không chỉ xuất hiện ngoài chợ, mà còn len lỏi trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các phiên livestream… thì phương pháp kiểm tra truyền thống trở nên kém hiệu quả. Công nghệ số chính là “lá chắn” mới được các doanh nghiệp và cơ quan chức năng lựa chọn để chống lại nạn hàng giả ngày càng tinh vi.
Các giải pháp đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay bao gồm mã QR truy xuất nguồn gốc, công nghệ blockchain, AI phát hiện gian lận, tem điện tử định danh, phần mềm chống giả… Nhờ đó, sản phẩm có thể được xác thực chỉ qua một lần quét, đồng thời lưu lại toàn bộ thông tin hành trình – từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Blockchain đảm bảo tính minh bạch và bất biến, không cho phép sửa đổi dữ liệu truy xuất sau khi đã ghi nhận nên rất khó bị làm giả. Mã QR tích hợp trên bao bì ngày càng phổ biến, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu xuất xứ sản phẩm, thông tin nhà phân phối, hạn dùng, thậm chí hình ảnh chứng nhận chính hãng.
Bên cạnh đó, AI đang được tích hợp vào các sàn thương mại điện tử và công cụ kiểm duyệt nội dung. Nhờ học máy, AI có thể nhận diện từ khóa vi phạm, hình ảnh giả mạo, phát hiện hành vi bất thường từ người bán, từ đó cảnh báo hoặc tự động gỡ bỏ sản phẩm đáng ngờ.
Hàng giả không chỉ xuất hiện ngoài chợ, mà còn len lỏi trên các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), “các giải pháp công nghệ hiện nay như phần mềm truy xuất, mã QR, nền tảng chống giả đã chứng minh hiệu quả cao, nhưng cần được ứng dụng đồng bộ và rộng khắp”.
Ông cũng cho biết, VATAP triển khai phần mềm VatapCheckVN, kết hợp truy xuất và xác thực nguồn gốc, đã được cấp bằng độc quyền bởi Cục Sở hữu trí tuệ.
Pháp lý đồng hành cùng công nghệ
Dù công nghệ tiên tiến là vậy nhưng hệ thống pháp luật cần theo kịp sự biến đổi của môi trường số. Nhiều quy định về sở hữu trí tuệ, chống hàng giả vẫn chưa cập nhật kịp thời để xử lý các hình thức vi phạm mới như livestream bán hàng giả, chạy quảng cáo sản phẩm nhái trên mạng xã hội, lập shop ảo trên sàn thương mại điện tử.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để định danh người bán trên nền tảng số, xác minh nguồn gốc sản phẩm chỉ dựa vào dữ liệu số hoặc xử phạt hành vi gian lận ẩn danh. Các công nghệ như blockchain, AI dù hiệu quả vẫn chưa được quy định rõ giá trị pháp lý, khiến việc thu thập chứng cứ điện tử còn nhiều rào cản.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Công ty Luật Phúc Nguyễn.
Theo LS. Hùng, nhiều đối tượng lợi dụng chính sự “mù mờ” của pháp luật để “biến hình” hàng giả, rao bán với hình ảnh thật, lời giới thiệu đúng pháp luật, nhưng giao hàng kém chất lượng. Việc xử lý thường chỉ dừng ở mức gỡ bỏ nội dung, không truy được nguồn gốc, không xử lý được cá nhân vi phạm khiến công nghệ nhiều khi bị vô hiệu hóa.
“Chống hàng giả trong môi trường số đòi hỏi sự phối hợp ba bên: doanh nghiệp – người tiêu dùng – cơ quan chức năng. Trong đó, công nghệ là công cụ, nhưng pháp luật là nền tảng. Nếu thiếu khung pháp lý đồng bộ, dữ liệu từ truy xuất hay AI chỉ dừng ở mức cảnh báo, không thể trở thành chứng cứ xử phạt”, LS. Hùng nói.
Chống hàng giả thời công nghệ số là cuộc đua khốc liệt giữa công nghệ và thủ đoạn. Công nghệ càng hiện đại, hàng giả lại biến chuyển càng tinh vi. Muốn không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực người tiêu dùng và đặc biệt cập nhật pháp luật để kịp thời điều chỉnh những “biến hình” của gian lận thương mại trong kỷ nguyên số.
Thanh Hiền
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fvu-khi-moi-chong-gian-lan-thuong-mai-trong-ky-nguyen-so-d235455.html