25.8 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 5 21, 2025

“Xóa mù” kỹ năng số cho người cao tuổi

Must read

(QBĐT) – Trong bối cảnh mạng xã hội và công nghệ thông tin phát triển nhanh vượt bậc, người cao tuổi (NCT) dễ trở nên lạc lõng khi không bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Làm sao để họ không bị tụt hậu trong sử dụng kỹ năng số và bị thiệt thòi do sự tụt hậu ấy là câu chuyện cần suy nghĩ.

 

“Vách ngăn” công nghệ

 

Với nhiều người lớn tuổi, chiếc Điện thoại thông minh và mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu để kết nối với các thành viên trong gia đình cũng như phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí đơn thuần. Điều này giúp họ cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng và sống vui hơn nhờ tiếp cận công nghệ. Song để thuần thục các thao tác có tính phức tạp hơn, như: Thực hiện thủ tục trực tuyến, thanh toán online…, với nhiều NCT, thực sự còn khó khăn.

 

Chợ Đồng Hới trong tình trạng ế ẩm, khi phương thức kinh doanh truyền thống đang bị “gây khó” bởi sự phát triển rầm rộ của thương mại điện tử. Nhưng khi được hỏi chuyện về thử bán hàng qua mạng, nhiều người lắc đầu. “Mình không có năng khiếu, hơn nữa, giờ nhiều tuổi rồi, việc tiếp cận công nghệ kém sẽ khó làm gì được”, tiểu thương Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

 

Bà Hà Thị Hòa, 63 tuổi, ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) bán rau củ ở chợ. Mặc dù với mặt hàng này, khách sử dụng tiền mặt là chủ yếu, nhưng vẫn có những trường hợp thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Không có tài khoản ngân hàng, không thạo công nghệ, chẳng còn cách nào khác, bà buộc phải nhờ đến người thành thạo hơn ở quầy bên cạnh. “Lâu lâu mới nhờ chuyển khoản giùm chứ làm phiền họ nhiều cũng ngại. Tôi chủ yếu giao dịch tiền mặt, con cũng nói để lập tài khoản cho mẹ nhưng mình không quen, sợ bị lừa đảo”. Cũng theo bà Hòa, mỗi lần đi khám bệnh, bà đều cầm theo bảo hiểm y tế (BHYT) để làm thủ tục, chứ chưa biết dùng căn cước công dân (CCCD) gắn chip.





 Người cao tuổi thường lúng túng trước các thiết bị công nghệ hiện đại.
Người cao tuổi thường lúng túng trước các thiết bị công nghệ hiện đại.

Theo bác sĩ Phan Thị Thanh Giang, Phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, những năm gần đây, bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) trong công tác khám, chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, có những khó khăn trong triển khai thực hiện, đặc biệt là đối với NCT: “Nhiều NCT tới KCB ở đây chưa cập nhật định danh mức 2 trên VNeID nên không được tích hợp thẻ BHYT với CCCD. Người có định danh mức 2 thì quên mật khẩu mở khóa khi trình CCCD điện tử; có CCCD gắn chip nhưng chưa được tích hợp BHYT… Nhiều NCT không có tài khoản ngân hàng nên việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng không thể thực hiện được. Một số thiết bị tiếp đón điện tử tự động tại quầy tiếp đón khám bệnh, người già không biết cách sử dụng”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, KCB bằng CCCD gắn chip tại nhiều cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh chưa cao.

 

Vô tình, công nghệ trở thành “vách ngăn” gây khó khăn cho NCT trong việc tiếp cận các dịch vụ ở thời kỳ CĐS đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các lĩnh vực.

 

Để người cao tuổi không thiệt thòi

 

Ông Đinh Minh Thử, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 126.000 NCT; trong đó, có 121.000 hội viên. Đây là lớp người yếu thế, đang chịu thiệt thòi nhiều hơn trong thời đại công nghệ số. Mặc dù chính những NCT đã có sự cố gắng, tự học tập và cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, song do tuổi tác, tâm lý e ngại… nên khả năng tiếp cận, việc thực hiện các thao tác, kỹ năng liên quan đến công nghệ số còn hạn chế.





 Giao dịch bằng tiền mặt vẫn là lựa chọn của phần lớn người cao tuổi.
Giao dịch bằng tiền mặt vẫn là lựa chọn của phần lớn người cao tuổi.

Ngày 20/2/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “NCT tham gia đẩy mạnh CĐS, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”. Ngày 21/2/2025, tại Quyết định số 383/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về NCT đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ NCT tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông lên ít nhất 50% trong giai đoạn 2025-2030 và ít nhất 80% trong giai đoạn 2031-2035.

 




Chiến lược quốc gia về NCT đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra giải pháp trợ giúp NCT sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đó là: Phát triển các ứng dụng, kết nối, duy trì, phát triển và nâng cấp các nền tảng số hỗ trợ NCT; nghiên cứu phát triển các công nghệ, công cụ và các tài liệu tập huấn, đào tạo NCT sử dụng các kỹ năng số trong học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất, kinh doanh và hoạt động khác giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Mới đây, ngày 24/4/2025, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 212-KH/TU triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS, kế hoạch đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến năm 2026, 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành trên địa bàn tỉnh có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. Kế hoạch cũng đặt ra vấn đề phổ cập tri thức về CĐS cho từng nhóm đối tượng cụ thể; trong đó, có nhiệm vụ tổ chức các lớp học “Bình dân học vụ số” cho NCT về sử dụng internet, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, nhất là an toàn số và chăm sóc sức khỏe trực tuyến.

Chủ tịch Hội NCT tỉnh Đinh Minh Thử khẳng định, Đảng, Nhà nước, tỉnh đã đưa ra những quyết sách vô cùng quan trọng, thể hiện sự quan tâm, giúp NCT không phải chịu thiệt thòi trong thời kỳ CĐS đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông cũng cho rằng, trước yêu cầu cuộc cách mạng CĐS hiện nay, bản thân mỗi NCT phải tự đổi mới, tự vươn lên bằng nhiều cách; thấy vướng, khó ở đâu thì tự tìm đến những người có thể hướng dẫn cho mình, ví dụ như con cháu trong nhà, thế hệ thanh niên…, từ đó có giải pháp “xóa mù” về CĐS. Thứ hai là trách nhiệm của cán bộ tổ chức Hội NCT các cấp, phải là hướng dẫn viên, tuyên truyền viên phổ biến những kiến thức, thao tác cơ bản nhất cho cán bộ, hội viên mình. Thứ ba là cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo; giao trách nhiệm cho một số ngành chức năng, tổ chức đoàn thể phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn NCT tiếp cận, về sử dụng các kỹ năng số. Có như vậy, NCT mới không bị tụt hậu, có thể nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS mang lại.

Hương Lê

 

https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202505/xoa-mu-ky-nang-so-cho-nguoi-cao-tuoi-2226373/

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article