Dù là startup về GenAI duy nhất dành riêng cho người Việt và có những thành tựu nhất định, song theo tiết lộ từ COO của AI Hay, họ đã gặp muôn vàn khó khăn khi đi gọi vốn. Trong 6 tháng, AI Hay đã bị 24 quỹ từ chối đầu tư, trước khi nhận được đầu tư 10 triệu USD ở Series A đầu tháng 7.
Buổi đàm luận định mệnh của “bộ ba pháo thủ”
Năm 2022, cả thế giới cuốn vào câu chuyên AI với sự xuất hiện của GenAI – cụ thể ở đây là Chat GPT và lần đầu tiên, hàng triệu người có thể sử dụng AI cùng một lúc, với hiệu suất mang lại rất ấn tượng. Sau đó Chat GPT 3.5 dành cho DN cũng xuất hiện.
“AI Hay đã ra đời trong bối cảnh đó. Tôi vẫn nhớ cuộc gặp gỡ manh nha cho dự án AI Hay ở một quán cà phê trên đường Mạc Thị Bưởi. Lúc đó, ba chúng tôi bàn luận về GenAI với nhiều nghi ngờ nhưng cũng có hai niềm tin lớn”, anh Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám đốc vận hành (COO) AI Hay chia sẻ trong sự kiện giới thiệu Tuổi Trẻ Startup Award 2025.
Ba Nhà sáng lập của AI Hay bao gồm Nguyễn Hoàng Hiệp từng là nhà đầu tư cho các quỹ mạo hiểm ở Singapore, Trần Quang Đức (CEO) trước đó có thời gian dài phục vụ cho Zalo – Báo Mới, Nguyễn Thọ Chương (CTO) tiến sỹ công nghệ – làm về machine learning, dữ liệu lớn, AI cho Zalo…
Hai niềm tin của ‘bộ ba pháo thủ’ này ở thời điểm đó chính là tiềm năng của mô hình kinh doanh kiểu Chat GPT ở thị trường Việt Nam và thay vì tạo ra một dự án ứng dụng Gen AI mới, thì làm mô hình thế giới đã có theo cách của Việt Nam.

COONguyễn Hoàng Hiệp và CTONguyễn Thọ Chương của AI Hay (Ảnh: AI Hay)
Việt Nam có 100 triệu người và người Việt thường xuyên lên internet hoặc Google để tìm kiếm những thông tin về tử vi bói toán, tư vấn trường đại học, hay luật sư lên mạng tìm thông tin để so sánh các luật cũ – mới khác nhau như thế nào…
Năm 2022, chưa có ai làm app tìm kiếm như Chat GPT dành riêng cho người Việt, có thể vì mô hình Chat GPT vẫn còn quá mới với giới khởi nghiệp Việt, hoặc các ‘ông lớn’ không quan tâm vì thị trường Việt Nam nhỏ – không đủ hấp dẫn.
Thứ hai, nếu bây giờ cả ba bắt đầu một mô hình ứng dụng GenAI hoàn toàn mới. Tức là trở thành một startup không to và không có tuổi trong khi vốn lại không nhiều như các startup AI ở Mỹ hay châu Âu, thì rất khó để đuổi kịp thị trường. Thay vì nghĩ ra các mô hình lớn, AI Hay đi ngược quy trình, khi xây dựng ứng dụng tác vụ cụ thể để giải quyết một vấn đề – mạng xã hội hỏi đáp bằng tiếng Việt cho người Việt.
Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tháng đầu tiên ra mắt sản phẩm, có những câu hỏi của người dùng mà 20 dây sau AI Hay mới có thể trả lời hoặc có khi đợi mãi vẫn chưa thấy con bot trả lời. Để tránh người dùng đánh giá xấu về ứng dụng khi chờ đợi các câu trả lời quá lâu, startup này còn sáng tạo ra các câu trả lời chống chế như “AI Hay đang đi ăn cơm”…

Mạng xã hội tìm kiếm AI Hay (Ảnh: AI Hay)
Tuy nhiên, sau đó đội ngũ AI Hay đã có nhiều cải tiến và điều chỉnh để ứng dụng ngày càng tốt hơn. Năm 2024, ứng dụng AI Hay đã trả lời được 500.000/tháng câu hỏi, sau đó nó học nhanh hơn để nâng lên 10 triệu câu hỏi/tháng. Ngoài ra, startup còn nhận đầu tư công nghệ từ AWS, Nvidia, Google (1 triệu USD).
Ứng dụng AI Hay đang có 15 triệu lượt tải về, đang phục vụ 100 triệu câu hỏi/tháng trong năm 2025. Họ cũng đang đứng trong top 10 ứng dụng AI được nhiều người sử dụng nhất Đông Nam và là công ty duy nhất được xây dựng bên trong vùng.
Những bài học gọi vốn xương máu của AI Hay
Với những thành tựu nói trên cộng với một Nhà sáng lập từng làm trong các quỹ đầu tư, nhiều người nghĩ là AI Hay sẽ dễ dàng gọi được vốn ở vòng Series A, tuy nhiên thực tế ngược lại. Theo tiết lộ của anh Nguyễn Hoàng Hiệp, AI Hay bắt đầu gọi vốn từ đầu 2025, nhưng họ đã bị 24 quỹ từ chối đầu tư trong 6 tháng.
Vào đầu tháng 7, AI Hay đã thông báo về việc nhận đầu tư 10 triệu USD cho vòng gọi vốn Series A. Vòng gọi vốn này do quỹ đầu tư Argor Capital dẫn dắt, với sự tiếp tục tham gia của các quỹ đầu tư hiện hữu gồm Square Peg, Northstar Ventures, Appworks và Phoenix Holdings.
Có ba “điểm tối” của dự án AI Hay mà các nhà đầu tư hay đề cập và chính bản thân các Nhà sáng lập cũng thấy.
Thứ nhất, vì AI Hay tập trung vào tác vụ chuyên biệt dành riêng cho người Việt Nam, nên khá rủi ro, vì thị trường Việt Nam nhỏ. Trong năm 2023 – 2024, anh thường xuyên phải trả lời câu hỏi từ nhà đầu tư ở các vòng gọi vốn trước, “vì sao giải ngân cho startup chỉ phục vụ nội địa”.
Thứ hai, đúng là thị trường khởi nghiệp Việt Nam khá xịn xò, trong quá khứ đã nhận được nhiều tiền đầu tư. Tuy nhiên, AI Hay lại hướng tới xây dựng ứng dụng chất lượng cao – miễn phí để thu hút thật nhiều người dùng trong giai đoạn đầu. AI Hay chưa có doanh thu vì sao lại nói chuyện gọi vốn?
Cuối cùng, đúng là các Nhà sáng lập ở Việt Nam rất tài năng, xây dựng được một ứng dụng GenAI cho người tiêu dùng cuối, điều mà đồng nghiệp ở các nước Đông Nam Á chưa làm được. Tuy nhiên, nếu so sánh với các startup cùng ngành ở châu Âu hoặc Mỹ cùng định giá triệu đô hoặc tỷ đô, AI Hay lại rất nhỏ bé. Vậy sao AI Hay có thể sống sót được?
Cũng theo anh, “điểm tối” thứ ba chính là bài toán con gà có trước hay quả trứng có trước? Nếu nhà đầu tư không xuống tiền thì AI Hay mãi nhỏ nhoi so với DN cùng ngành, nhưng vì startup nhỏ nên các quỹ không muốn xuống tiền.

(Ảnh chụp màn hình)
Ở khía cạnh khác, sau 3 năm miệt mài đi gọi vốn được 18,5 triệu USD, Nhà sáng lập này cũng rút ra được những bài học xương máu, có thể giúp các startup Việt khác bớt đi đường vòng khi muốn tìm nguồn vốn.
Bài học lớn nhất chính là, nếu ai đó cho bạn tiền theo cách quá dễ dàng thì nên nhìn lại. Nhiều thời điểm, AI Hay đã có những đề nghị đầu tư rất nhanh, trong khi công ty chỉ còn tài chính để hoạt động trong 3 tháng nữa. Tuy nhiên, sau khi suy xét cẩn trọng, các Nhà sáng lập nhận thấy, nếu nhận deal đầu tư này, thì thương lai dự án sẽ có vấn đề.
Bên cạnh đó, gọi vốn cũng là đang bán hàng, món hàng ở đây là ứng dụng – DN và người mua là các nhà đầu tư. Bán hàng cho mỗi khách hàng khác nhau thì phải có kịch bản khác nhau. Kịch bản bán hàng cho nhà đầu tư tò mò khác nhà đầu tư sợ hãi và khác nhà đầu tư yêu thích. Mục tiêu cuối cùng là phải khiến trải nghiệm mua hàng của các nhà đầu tư tốt.
“Ngoài ra, các startup công nghệ có nhiều kỹ sư – người làm sản phẩm và khi gặp các nhà đầu tư, mọi người thường tập trung kể câu chuyện công nghệ, tính năng sản phẩm. Sau khi đội ngũ kể 15 phút, thường các nhà đầu tư cũng không quan tâm. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm là mô hình của startup hay AI Hay làm sao kiếm được tiền ở Việt Nam.
Cuối cùng, bài học lớn nữa, xây dựng một công ty AI khác công ty công nghệ phần mềm truyền thống. Các công ty công nghệ truyền thống, hoặc làm B2B hoặc B2C, ít khi làm cả hai; trong khi công ty AI có thể phục vụ cho cả đối tác DN lẫn người dùng cuối. Vậy nên, startup phải phổ cập cho các nhà đầu tư sự khác biệt giữa startup công nghệ AI và công nghệ truyền thống”, COO AI Hay khuyến nghị.
https%3A%2F%2Fvietnambiz.vn%2Fai-hay-da-bi-24-quy-tu-choi-trong-6-thang-truoc-khi-nhan-dau-tu-10-trieu-usd-202572322301312.htm