
Trong quá khứ, kỹ năng liên quan đến các ngành STEM – như lập trình, phân tích dữ liệu – từng được xem là “tấm vé an toàn” cho một tương lai nghề nghiệp sáng lạn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, cùng những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), đã làm thay đổi nhận thức này.
Khi máy móc có thể thực hiện một số nhiệm vụ gần như tương đương với con người với chi phí thấp hơn, những giá trị mang tính con người – như sự sáng tạo, khả năng giao tiếp, tư duy phản biện – đang ngày càng trở nên quan trọng.
Trong bối cảnh này, các trường học tại Hong Kong (Trung Quốc) đang nỗ lực xây dựng mô hình giáo dục cân bằng giữa kỹ năng công nghệ và kỹ năng mềm – nhằm trang bị cho học sinh nền tảng toàn diện để thích nghi với một thế giới đang đổi thay từng ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng, kỹ năng công nghệ như lập trình hay phân tích dữ liệu từng là thế mạnh, nhưng giờ đây, chính khả năng sáng tạo và tư duy con người mới là yếu tố giúp học sinh khác biệt so với máy móc.

“Những kỹ năng mà chúng ta cần dạy trẻ là những thứ máy tính không thể làm tốt hơn con người”, ông Yat Siu, Chủ tịch công ty công nghệ Animoca Brands nhấn mạnh.
“AI có thể giúp học sinh lên ý tưởng, nhưng nếu dùng sai cách, các em có thể phụ thuộc và mất dần sự sáng tạo”, bà Pauline Hall, Phó hiệu trưởng Trường quốc Pháp tế chia sẻ.
Tìm ra sự cân bằng giữa kỹ năng mềm và khả năng sử dụng công nghệ là thách thức, nhưng vô cùng thiết yếu để học sinh phát triển toàn diện. Một số trường như Trường Quốc tế Hàn Quốc và Trường Discovery Bay đang tích hợp AI vào chương trình học, nhưng vẫn chú trọng kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Học sinh được khuyến khích thực hiện các dự án thực tế thay vì chỉ học lý thuyết.
“Chúng tôi tích hợp AI và các công nghệ mới vào chương trình học ngay từ đầu cấp, để giúp học sinh hình thành khả năng cân bằng giữa kỹ năng mềm và cứng”, ông Nicholas Ng – trưởng bộ phận Công nghệ học tập Trường Discovery Bay cho biết. “Cách tiếp cận này giúp các em thích nghi tốt hơn với một thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt”.

Trong khi đó, trường Quốc tế Hàn Quốc đang xây dựng chương trình học liên ngành, khuyến khích học sinh tham gia các dự án nhóm để giải quyết vấn đề thực tiễn. Điều này đòi hỏi học sinh phải hợp tác, giao tiếp hiệu quả và vận dụng tốt cả công nghệ.
Có thể thấy, dù công nghệ thay đổi nhanh chóng, các trường tại Hong Kong đang nỗ lực giữ cân bằng: sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, nhưng không làm lu mờ vai trò của con người trong giáo dục.
Khi công nghệ tiếp tục định hình tương lai giáo dục, điều quan trọng không nằm ở việc tránh né AI, mà là làm chủ và sử dụng nó một cách thông minh, nhân văn. Đây là một hướng đi mà nhiều nền giáo dục có thể học hỏi.
https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fgiao-duc-hong-kong-don-dau-ai-can-bang-cong-nghe-va-ky-nang-mem-10380616.html