32.3 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 7 23, 2025

Cuộc đua ra mắt trình duyệt AI

Must read

Cuộc đua AI tạo sinh đang dịch chuyển từ những chatbot như ChatGPT, Gemini sang việc phát triển trình duyệt tích hợp AI.

Theo The Verge, lý do dịch chuyển rất đơn giản: chatbot không thể “đi sâu” vào cuộc sống trực tuyến của người dùng như trình duyệt – nơi có thể ghi nhận nhiều hành vi online của người dùng như những website, hòm thư… họ truy cập mỗi ngày.





Người dùng truy cập website bằng trình duyệt. Ảnh: Firmbee/Unsplash

Một người dùng truy cập website bằng trình duyệt. Ảnh: Firmbee/Unsplash

Trình duyệt AI là gì?

Trình duyệt web về cơ bản không thay đổi trong nhiều thập kỷ. Người dùng chỉ cần mở Chrome, Safari hay Firefox và gõ địa chỉ website để vào xem nội dung. Nó đóng vai trò quan trọng vì phần lớn công việc thực hiện trên máy tính cần đến trình duyệt, như xử lý văn bản, trò chuyện, quản lý lịch trình và email.

Trình duyệt AI, như tên gọi, là trình duyệt truyền thống tích hợp Trí tuệ nhân tạo. Thay vì chỉ giúp truy cập và lướt web, công cụ mới hỗ trợ người dùng tóm tắt thông tin, tự động hóa một số công việc và trả lời câu hỏi trực tiếp trên trang web đang truy cập.

Đây là một bước ngoặt lớn trong quy trình sử dụng AI. Thay vì chuyển sang cửa sổ ChatGPT, hoặc sao chép và dán văn bản vào chatbot, AI giờ nằm ngay trong trình duyệt. Có nghĩa, từ một “cửa sổ thụ động” mà người dùng chỉ có thể xem, trình duyệt biến thành “trợ lý chủ động”, đồng hành suốt quá trình duyệt web. Người dùng có thể yêu cầu trợ lý đó thực hiện một hành động mà không cần mở ứng dụng mới hoặc chuyển sang tab mới.

Những tên tuổi đầu tiên

Opera ra trình duyệt “Opera One” tích hợp trợ lý AI Aria từ năm 2023. The Browser Company cũng công bố bản beta của Dia vào tháng 6. “Bạn chỉ cần nói: ‘Tôi đang xem thứ này và có một câu hỏi’. Chúng tôi có thể trả lời câu hỏi đó và thực hiện công việc thay mặt bạn”, Josh Miller, CEO của The Browser Company, cho biết.





Trình duyệt Comet tích hợp AI trực tiếp vào từng trang, cho phép người dùng xem tóm tắt, đặt câu hỏi hoặc thực hiện hành động khác. Ảnh: Agam Shah/Foundry

Trình duyệt Comet tích hợp AI trực tiếp vào từng trang, cho phép người dùng đọc tóm tắt, đặt câu hỏi hoặc thực hiện hành động khác. Ảnh: Agam Shah/Foundry

Tuy nhiên, cuộc đua trở nên sôi động khi Perplexity ra trình duyệt Comet ngày 9/7. Comet gây tiếng vang vì Perplexity vốn là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực AI. Startup này phát triển công cụ tìm kiếm sử dụng các mô hình AI để phân tích nội dung web, sau đó chọn lọc, trình bày câu trả lời dưới dạng tóm tắt và cung cấp link dẫn đến nguồn. Ngoài tra cứu, người dùng cũng có thể đặt câu hỏi về tệp tin, lên lịch trình cho chuyến đi, lập danh sách, tạo ảnh và truy cập các trang chọn lọc theo chủ đề quan tâm.

Comet hoạt động như một trình duyệt web thông thường, nhưng tích hợp AI Perplexity trực tiếp vào từng trang. Do đó, người dùng không cần rời tab đang truy cập để xem tóm tắt, đặt câu hỏi hoặc thực hiện hành động khác.

Comet cũng hoạt động giống tác nhân AI. Trong bản demo, người dùng có thể mở Gmail, yêu cầu Comet viết và gửi email. AI sẽ soạn thảo thông điệp và gửi đi sau khi người dùng xác nhận, không cần chuyển đổi giữa các tab hay chờ hướng dẫn từng bước. CoinGeek đánh giá Comet xử lý khá tốt nhiệm vụ đơn giản như gửi email, nhưng vẫn lúng túng với thao tác phức tạp hơn như đặt vé du lịch.

OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, cũng được cho là sẽ gia nhập thị trường trình duyệt trong vài tuần tới, hướng đến tích hợp AI để thay đổi cơ bản cách sử dụng web. Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết trình duyệt mới sẽ giúp OpenAI có quyền truy cập trực tiếp và sâu hơn vào dữ liệu. Nếu được 500 triệu người dùng hàng tuần của ChatGPT đón nhận, trình duyệt có thể tạo ra áp lực lớn với Alphabet, công ty mẹ của Google.

Rào cản với trình duyệt AI

Perplexity, OpenAI, hay bất cứ đối thủ nào khác đều phải đối mặt với cùng một thách thức: Thuyết phục người dùng chuyển đổi. Đa số đã quen với trình duyệt web hiện tại nhiều năm. Nó ghi nhớ mật khẩu, có tiện ích mở rộng, đồng bộ hóa dấu trang và nắm rõ thói quen của họ. Vì vậy, trừ khi AI thực sự giúp giải quyết nhiều vấn đề trong trải nghiệm hoặc cải thiện cuộc sống, đa số có thể không muốn thay đổi.

Vận hành các mô hình AI thường tốn kém. Các công ty cũng sẽ phải thuyết phục người dùng trả phí cho dịch vụ. Theo khảo sát của công ty đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures cuối tháng 6, chỉ 3% người sử dụng AI hàng ngày có trả phí.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường được dự báo rất khốc liệt. TechRadar nhận định, Perplexity có thể thu hút được một nhóm người dùng mới nhờ trình duyệt AI vừa ra mắt. Nhưng sau đó, startup này sẽ phải cạnh tranh với các phiên bản tích hợp AI của Chrome, Safari, Firefox – mỗi trình duyệt đều có điểm mạnh riêng như AI tốt hơn, quyền riêng tư cao hơn, hoặc một tính năng hấp dẫn khác.

Những lo ngại về vấn đề kỹ thuật và quyền riêng tư cũng có thể khiến trình duyệt AI kém hấp dẫn. CEO Miller cho biết, vì trình duyệt Dia lấy câu trả lời từ nhiều mô hình AI khác nhau, phản hồi của nó cũng mắc những lỗi như đôi khi đưa ra thông tin sai lệch, bịa đặt. Trong khi đó, các chuyên gia về quyền riêng tư từ lâu đã cảnh báo không nên chia sẻ bất kỳ thông tin nhạy cảm nào, chẳng hạn tài liệu chứa bí mật thương mại, với AI.

Thu Thảo tổng hợp





https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fcuoc-dua-ra-mat-trinh-duyet-ai-4916410.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article